20/05/2010 21:15 GMT+7

Không thể dạy sinh viên bằng hành vi ăn cắp!

LÊ BẢO LONG (Học viện MIT, Boston, Mỹ)ĐỖ ĐỨC HẠNH (Đại học California, Berkeley, Mỹ)
LÊ BẢO LONG (Học viện MIT, Boston, Mỹ)ĐỖ ĐỨC HẠNH (Đại học California, Berkeley, Mỹ)

TTO - Các vụ vô tư "xào sách" được nêu ra gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đã ít nhiều nêu lên một thực trạng trong một số nhà "khoa học" chúng ta: đạo văn, hay nói một cách dân dã là "ăn cắp khoa học".

Vô tư “xào” sách!

TRN6hrug.jpgPhóng to
Sách giáo trình tài chính quốc tế của GS.TS Trần Ngọc Thơ và PGS.TS Nguyễn Ngọc Định đồng chủ biên được cho là sách dịch từ sách International financial management của tác giả Jeff Madura (Florida Atlantic University, Mỹ) - Ảnh: Minh Đức

Đây là một sự thật mà chúng ta cần phải đối mặt trước khi có thể nói đến dự án hàng ngàn tiến sĩ hay đưa một số trường đại học ở VN trở thành đại học đẳng cấp quốc tế.

Thế nào là đạo văn?

Theo Wikipedia [1], đạo văn (tiếng Anh là plagiarism) là việc sử dụng hay bắt chước một cách gần giống về ngôn ngữ và ý tưởng của một công trình khác và khẳng định như là sản phẩm gốc của mình nhằm mục đích trục lợi. Đạo văn có nhiều loại, với nhiều mức độ khác nhau, nhưng tất cả đều là những hành động không thể chấp nhận được trong giới khoa học trên thế giới.

Có thể là bất ngờ với nhiều người, nhưng ở các trường đại học trên thế giới [3], khi sinh viên làm bài tập về nhà mà sao chép một đoạn văn từ một cuốn sách nào đó; hoặc nặng hơn, một tác giả khi viết một công trình nghiên cứu có sử dụng một kết quả trung gian từ Internet hay thậm chí từ chính giáo trình trên lớp mà không trích dẫn đều bị coi là ăn cắp học thuật.

Và một cuốn sách mà lấy ý tưởng hoặc sao chép một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ một nguồn khác mà bị phát hiện thì ngay lập tức sẽ bị coi là hành động vi phạm đạo đức nghiêm trọng.

Thậm chí, khi tác giả đó lấy một phần công trình nghiên cứu của mình đã được đăng trong tạp chí A và đưa vào trong một công trình khác được đăng ở tạp chí B mà không trích dẫn nguồn thì cũng bị coi là ăn cắp.

Đối với giới khoa học, chỉ cần một vi phạm như vậy đã quá đủ để chấm dứt sự nghiệp khoa học.

Ví dụ, một tiến sĩ tại Đại học Parlermo (Ý) ngay lập tức mất việc khi bị phát hiện đánh cắp và đăng kết quả của người khác trên các tạp chí chuyên ngành. Các bài báo ăn cắp đó sau đó đã bị rút khỏi thư viện điện tử [4].

Sự trừng phạt một cách nghiêm khắc đó chính là một yếu tố vô cùng quan trọng để giữ vững sự trong sáng trong học thuật, để có thể khuyến khích những nhà nghiên cứu đưa ra các công trình, các tác phẩm kiến thức mới mà không sợ bị sao chép và cũng là một trong những chế tài quan trọng để bảo đảm quyền lợi của người làm nghiên cứu khoa học chân chính.

Thông thường, một cuốn sách là kiến thức được tổng hợp từ nhiều cuốn sách khác và nhiều công trình nghiên cứu và bất cứ một kiến thức nào không được trích dẫn sẽ được hiểu đó là công trình nghiên cứu của riêng tác giả.

Cũng chính vì vậy, một công trình nghiên cứu có chất lượng bao giờ cũng có rất nhiều tài liệu tham khảo kèm theo ở cuối, thường từ vài chục cho đến vài trăm. Việc sử dụng tài liệu tham khảo đó không phải nhằm mục đích chứng minh rằng "tôi đọc nhiều" mà có nghĩa ghi nhớ công lao và thể hiện sự tôn trọng với công trình của một nhà nghiên cứu đồng nghiệp mà công trình, tài liệu của mình được dựa trên đó.

"Dịch giả", "cóp nhặt giả"

Các bậc cha mẹ không thể nào dạy dỗ con mình sống trung thực nếu chính họ đã và đang tham gia các hành động tham nhũng và ăn cắp. Các giảng viên đại học không đủ tư cách để dạy sinh viên không được quay cóp bài (ăn cắp kiến thức) trong khi chính mình đang dạy sinh viên bằng những giáo trình ăn cắp.

Tất nhiên ai cũng hiểu đóng góp của "dịch giả"/"cóp nhặt giả" này và tác giả chính thức của một công trình nghiên cứu khoa học hay sách báo là rất khác nhau. Một quyển sách nghiêm túc cần nhiều năm để viết trong khi dịch sách thì khá đơn giản chỉ cần trình độ ngoại ngữ ở mức độ trung bình của sinh viên.

Tại Việt Nam hiện nay, khi việc viết sách trở thành một tiêu chuẩn để phong học hàm giáo sư, phó giáo sư và việc sử dụng chế tài đếm số công trình nghiên cứu để bảo vệ tiến sĩ mà không bảo đảm được một sự kiểm định chặt chẽ đã dẫn đến hiện tượng ăn cắp khoa học này trở nên không còn xa lạ.

Đã có một dạo khi Nhà nước ban hành tiêu chí này thì rất nhiều giáo trình đột ngột xuất hiện. Các giảng viên bao lâu nay không hề viết lập tức thi nhau xuất bản sách, một người đọc nhiều hoàn toàn có thể thấy rõ bóng dáng/văn phong của nhiều tác giả trên thế giới trong các tài liệu này, và tất nhiên hoàn toàn không trích dẫn nguồn gốc.

Ngay cả trong trường hợp tác giả tổng hợp từ nhiều sách khác nhau, nếu nghiêm túc không ai dịch từng câu từng chữ cả và gộp chung vào giáo trình cả.

Chúng ta thừa biết khi viết một bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế, chúng ta không thể lấy phần mở đầu của một công trình gần giống để làm phần mở đầu cho công trình của mình được. Chuyện "biên soạn từ nhiều nguồn" khác nhau rồi biến tấu thành cái của mình cũng tương tự như thế. Nếu làm như vậy thì phải nói rõ ít nhất trong "lời nói đầu": "Đây là bản luợc dịch, tổng hợp từ các nguồn A, B, C...".

Lập lờ các kiểu để khẳng định quyền sở hữu trí tuệ với những cái không phải của mình rõ ràng là vi phạm đạo đức trong khoa học.

Các bậc cha mẹ không thể nào dạy dỗ con mình sống trung thực nếu chính họ đã và đang tham gia các hành động tham nhũng và ăn cắp. Các giảng viên đại học không đủ tư cách để dạy sinh viên không được quay cóp bài (ăn cắp kiến thức) trong khi chính mình đang dạy sinh viên bằng những giáo trình ăn cắp.

Một số sinh viên cho biết không hiếm giảng viên giao cho nhiều sinh viên, mỗi sinh viên dịch một chương dưới dạng một tiểu luận (chất lượng khoa học không thể bảo đảm) rồi tổng hợp lại thành một cuốn. Khi xem các website cá nhân và hồ sơ khoa học thì thấy họ để các "ấn phẩm" này trong "publications" ở phần "published books".

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi các tác phẩm/công trình được đưa ra xuất bản rộng rãi nhằm mục đích thương mại.

Hậu quả xảy ra là gì? Trong tuơng lai gần, các nhà xuất bản nước ngoài đang nắm bản quyền của sách ngoại văn có thể kiện các nhà xuất bản VN vì ăn cắp bản quyền nếu chúng ta bán sách dịch rộng rãi mà không trích dẫn nguồn gốc. Tất nhiên có thể họ không theo dõi các sách bán ở VN nhưng nếu có nguời liên lạc với họ để tố cáo thì chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra và các cá nhân liên quan chắc chắn sẽ gặp rắc rối pháp lý!

Sự thỏa hiệp

Việc trích dẫn thiếu nghiêm túc khi xuất bản sách báo bằng tiếng Việt trong nước có thể liên quan chặt chẽ đến việc chất lượng nghiên cứu khoa học trong nước có vấn đề và quá trình phong phó giáo sư/giáo sư có nhiều "sạn" khi ít nhiều thỏa hiệp với những chuyện phi khoa học này xảy ra.

Dù rằng chất lượng nghiên cứu khoa học và giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam không thể yêu cầu cao như các nước phát triển khác trên thế giới do các điều kiện lương bổng và môi trường nghiên cứu khoa học chưa được cải thiện căn bản thì chúng ta cũng không thể chấp nhận chuyện thỏa hiệp với các hành vi phi khoa học khi cố tình lập lờ để ăn cắp các thành quả của người khác.

Sự thỏa hiệp này, theo tôi nghĩ, sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng: sinh viên VN sẽ không coi trọng học thuật vì chính họ chứng kiến các giáo sư của mình làm những chuyện trái quấy. Quá trình xét chọn phó giáo sư/giáo sư có thể mất công bằng khi chúng ta đánh đồng các sách dịch không trích dẫn với các sách chuyên khảo nghiêm túc khi tính điểm khoa học.

Nghiêm trọng hơn khi các tố cáo ăn cắp bản quyền của các giảng viên từ các trường đại học Việt Nam lọt ra ngoài (khi có người tố cáo chẳng hạn) thì chúng ta (gồm cả sinh viên VN và cả giới khoa học) sẽ chịu tiếng xấu rất nặng nề, ăn cắp và bao che ăn cắp.

Khi không có môi trường khoa học trong sáng với những chuẩn mực tối thiểu, khi có sự tràn lan những "bộ óc vĩ đại nhất thế kỷ 21", những "viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học New York" giá 195 USD kể cả thuể (xem [5]), khi vàng lẫn lộn thau thì sẽ làm nhụt chí những nguời làm khoa học nghiêm túc.

Quan trọng hơn, nó ảnh hưởng đến cách sinh viên VN làm nghiên cứu khoa học và hiển nhiên là cả đào tạo sau đại học trong nước (ít ra các thạc sĩ, tiến sĩ tương lai phải biết anh ta không được quyền dịch sách trực tiếp để viết luận án và mọi kết quả của người khác đều phải được trích dẫn đầy đủ).

Các trường đại học của chúng ta không thể lọt vào top 200, 500 này kia của thế giới khi các căn bản sơ đẳng về trung thực trong khoa học không được thực thi bởi giới trí thức trong nước.

Theo tôi, chất lượng khoa học thấp còn có thể cải thiện, nhưng nếu xã hội và giới trí thức của chúng ta đánh mất chuẩn mực trung thực và đạo đức khoa học thì chúng ta chắc chắn không thể tiến lên hội nhập với thế giới tiến bộ.

Cần một biện pháp mạnh

cần phải có một giáo dục sơ đẳng với tất cả các giảng viên đại học, tất cả các nghiên cứu sinh, thạc sĩ, thậm chí cả các sinh viên đại học về tính trung thực khoa học, về hành động đạo văn và các hình thái của nó.

Tôi cho rằng cần phải có một chế tài hợp lý để phạt nặng tất cả các tình trạng đạo văn này trước khi nó lan ra trở thành một chuẩn mực xã hội.

Chính vì vậy, tôi cho rằng cần phải có một giáo dục sơ đẳng với tất cả các giảng viên đại học, tất cả các nghiên cứu sinh, thạc sĩ, thậm chí cả các sinh viên đại học về tính trung thực khoa học, về hành động đạo văn và các hình thái của nó.

Và càng cần hơn khi phải có một biện pháp nặng tay đối với tất những giáo trình không trích dẫn đầy đủ, tất cả các luận văn và luận án sao chép, ít nhất là đuổi việc và đánh trượt.

Nếu thực hiện được những việc đơn giản như vậy, tôi tin rằng chúng ta sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu đưa nền giáo dục tiến gần hơn với chuẩn mực thế giới.

(Bài viết được tổng hợp từ nhiều ý kiến của diễn đàn PhDvn.org, gồm 1.800 thành viên, chủ yếu là các nghiên cứu sinh, tiến sĩ và nhà nghiên cứu).

**********************************

Tài liệu tham khảo:

[1] Wikipedia, http://en.wikipedia.org/wiki/Plagiarism[2] Bàn về việc đạo văn, PhDvn.org, http://phdvn.org/everyday-around-campus/1129-ban-ve-chuyen-dao-sach-cua-ts-trong-nuoc.html[3] Cheating Policy, http://www.speech.cs.cmu.edu/11-492/Policy/cheating.html[4] Sixearch peer search system, http://sixearch.org/plagiarism/[5] http://zung.zetamu.com/?p=1470

LÊ BẢO LONG (Học viện MIT, Boston, Mỹ)ĐỖ ĐỨC HẠNH (Đại học California, Berkeley, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên