06/06/2014 07:00 GMT+7

"Thắt lưng buộc bụng" lo chuyện biển Đông

MAI HOA
MAI HOA

TT - Trong số tiền đã đóng góp trên 33,6 tỉ đồng vào chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” có rất nhiều đồng tiền chắt chiu của những cụ già sống bằng lương hưu, những công nhân vẫn đang vất vả lo toan cuộc sống mỗi ngày...

Thắt lưng buộc bụng dồn sức cho biển Đông Số tiền nhỏ, tấm lòng lớnLà người Việt thì chung sức ít nhiều

0kxASSf7.jpgPhóng to
Nhân viên Xí nghiệp Thương mại mặt đất nhắn tin ủng hộ biển đảo - Ảnh: M.H.

“Hôm rồi tôi đọc bài trên báo Tuổi Trẻ thấy đại biểu Quốc hội nói phải “thắt lưng buộc bụng” lo cho tuyến đầu, nói trúng lòng mình quá nên nay nhận được lương hưu đến đây góp liền” - ông Nguyễn Văn Quang (76 tuổi, Q.3, TP.HCM) nói ngay khi đến góp 1 triệu đồng vào chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Thấy ông đến, người tiếp nhận đóng góp của chương trình đã nhận ra ngay ông là một trong những người đến góp đầu tiên khi chương trình vừa phát động, cũng 1 triệu đồng từ lương hưu.

Không ai đứng ngoài cuộc chung sức

Ông Phạm Ngọc Hùng - phó giám đốc Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - đã trao 40 triệu đồng góp vào chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”.

Ông Lưu Hoàng Minh, trưởng phòng tổ chức hành chính xí nghiệp, cho biết: “Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, ban lãnh đạo đã gửi một lá thư ngỏ cho người lao động, trong đó viết: “Biển Đông đang dậy sóng, chúng ta phải chung tay bảo vệ đất nước Việt Nam”. Khi đưa xuống, chúng tôi cũng không hình dung được mọi người ủng hộ nhiệt tình như vậy. Gần 1.600 cán bộ công nhân viên không một ai từ chối. Không một ai đứng ngoài trong cuộc chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Ông giải thích: bữa trước nhận tiền hưu tháng 5, giờ nhận tiền tháng 6-2014. “Chuyện gì cũng không bức thiết bằng chuyện đất nước. Đã là chuyện của đất nước thì mình không thể chối từ, phải ráng lo bằng được. Nay góp, mai góp nữa...” - giọng ông đầy quả quyết. Lần đóng góp này ông còn mang thêm 500.000 đồng, là tiền “vận động một ông bạn tù ở Phú Quốc” góp chung.

Cũng với tâm trạng đau đáu hướng về biển đảo quê hương như ông Quang, cụ Nguyễn Văn Tân (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) nay đã 87 tuổi vẫn lặn lội đón hai chuyến xe buýt từ Bình Chánh đến tận tòa soạn để góp 100.000 đồng từ khoản trợ cấp hằng tháng 240.000 đồng dành cho người già. Cụ nói hai vợ chồng đều đã già, sống chủ yếu bằng khoản tiền trợ cấp, hưu trí nên không góp được nhiều, nhưng vẫn góp với mong muốn: “Người dân ai ai cũng cùng đóng góp để các chiến sĩ ngoài biển và bà con ngư dân biết là cả nước đang đồng lòng cùng họ, tinh thần giữ biển đảo và bờ cõi sẽ mạnh hơn”.

Còn ở phòng khám đa khoa Nancy (Q.5), từ các y bác sĩ đến kế toán, anh bảo vệ, chị lao công đã kêu gọi đóng góp để góp sức cùng cả nước bảo vệ biển đảo. Được giao 30 triệu đồng tiền đóng góp trao đến báo Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Ngọc Vũ - tổ trưởng tổ bảo vệ - kể rằng các anh em bảo vệ dù thu nhập không cao nhưng cũng cùng góp vào mỗi người 100.000 đồng bởi “ai cũng nghĩ đây là việc chung, việc của đất nước”. Không những thế, ban giám đốc phòng khám còn cho đặt các thùng ủng hộ có in dòng chữ “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” để người dân đến khám, chữa bệnh cùng góp sức. Sắp tới, các thùng này sẽ được tổng kết và gửi đến chương trình.

Cuối giờ chiều, chị Huỳnh Thị Tính - công nhân xưởng may 2 Công ty cổ phần dệt may đầu tư, thương mại Thành Công (Q.Tân Phú, TP.HCM) - tranh thủ sau giờ làm đến góp hơn 7,5 triệu đồng của 300 công nhân. Trước đó, công nhân xưởng 3, xưởng 6 của công ty đã đến góp trước. “Xưởng nào đóng góp xong cũng gửi email lên hộp thư nội bộ. Cứ thế các xưởng khác học theo” - chị Tính cho biết, rồi kể từ ngày xảy ra chuyện ở biển Đông, công ty có hẳn một địa chỉ email nội bộ gửi tin đến công đoàn các xưởng, trong đó có những bài báo về tình hình biển Đông để đọc cho công nhân nghe sau giờ nghỉ trưa. Hôm nào nghe đọc tin về tàu của mình bị tàu Trung Quốc tấn công, công nhân cũng bức xúc, xôn xao. “Từ những bài báo đầu tiên, anh chị em nói với nhau là ở trong đất liền không giúp được gì, nếu góp được gạo, được tiền giúp đỡ các anh họ sẵn sàng” - chị Tính chia sẻ.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên