08/04/2014 00:08 GMT+7

Một nhìn nhận công bằng

P.VŨ ghi
P.VŨ ghi

TT - Là người đã đứng suốt bên bàn mổ trong những ngày cuối tháng 1-1974 để cấp cứu các binh sĩ được chuyển về từ Hoàng Sa với đủ loại thương tích, bác sĩ Trần Thành Trai rất xúc động trước đại lễ cầu siêu sắp được tổ chức. Ông chia sẻ:

xex1XHwt.jpgPhóng to
Bà Ngô Thị Kim Thanh bên bàn thờ chồng là ông Nguyễn Thành Trí, người đã tử trận ở Hoàng Sa năm 1974 - Ảnh: Quang Định
VBq6ysna.jpg
Bác sĩ Trần Thành Trai - Ảnh: P.Vũ

- Đọc được lời thông báo chính thức của quan chức chính phủ về đại lễ cầu siêu sắp được tổ chức tại Trường Sa cho các liệt sĩ Quân đội nhân dân VN, tử sĩ VN cộng hòa và các thuyền nhân tử nạn trên biển, tôi quá xúc động đến không kìm nén được. Bản thân tôi và rất nhiều người VN nữa đã chờ đợi ngày này từ lâu lắm rồi.

Năm 1965, tôi tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn và được động viên vào quân đội, trở thành bác sĩ quân y ở Bệnh viện Duy Tân, Đà Nẵng.

Những ngày cuối tháng 1-1974, trong một đêm trực tôi được nhận cấp cứu rất nhiều binh sĩ được chuyển về từ Hoàng Sa với đủ loại thương tích. Đứng suốt đêm, suốt ngày bên bàn mổ mà tôi cảm thấy rất vinh dự được cứu sống những người này. Hỏi chuyện họ, tôi được biết trận hải chiến đã diễn ra rất khốc liệt nhưng lại không cân sức. Nghe chuyện Hoàng Sa bị mất, chúng tôi cũng sôi sục đặt câu hỏi tại sao không cho máy bay ném bom?

Bao năm qua, mỗi khi nghe nhắc về Hoàng Sa tôi lại nhớ những ngày ấy, cảm thấy mình cũng có can dự một phần trong biến cố lịch sử này, mình cũng là nhân chứng lịch sử. Vậy nên, cảm xúc của tôi hôm nay không giống người khác, sự công nhận chính thức này đối với tôi rất đặc biệt. Như vậy là tất cả những người lính cùng ngã xuống vì đất nước đã được nhìn nhận công bằng, tình yêu với đất nước đã mạnh hơn sự phân biệt chế độ chính trị.

Hòa giải dân tộc lúc này là rất cần thiết và không thể trì hoãn. Hi vọng với thiện chí và sự chân thành này, sau đại lễ cầu siêu sẽ còn nhiều hành động, chủ trương khác nữa để mấy triệu người Việt ở nước ngoài sẽ một lòng cùng đứng chung hàng với những người trong nước. Vì nước VN mình.

Nghe Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nói sẽ có những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại cùng về tham dự, tôi rất mừng. Đã nhiều lần những văn nghệ sĩ VN sang biểu diễn mà còn bị những người quá khích, cực đoan biểu tình phản đối. Nay họ lại về đây để cùng đi một con tàu, cùng thắp một nén nhang.

Trong ngày 7-4, tiếp tục có thêm gần 50 ý kiến bạn đọc bàn luận về câu chuyện sắp diễn ra những hoạt động “Lấy chân thành xóa hố sâu thù hận”. Nhiều bạn đọc đồng tình với đề xuất của bạn đọc Nguyễn Thiện về việc nên có văn bản chỉ đạo không dùng từ “ngụy” nữa. Bạn đọc Huỳnh Văn Tâm chia sẻ: “Bản thân tôi là một sĩ quan chế độ cũ luôn có tâm trạng mặc cảm với xã hội ngày nay. Thỉnh thoảng con cháu của tôi sau khi tan trường về hỏi: “Ông ơi, ngụy quân là gì hả ông?”, lòng tôi se thắt buồn tủi, không biết tâm sự cùng ai. Đọc bài báo này tôi rất cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và nghĩ nếu làm được điều xóa hố sâu thù hận thì ý nghĩa biết bao”.

N.N.

P.VŨ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên