Phóng to |
Để có một VĐV Nguyễn Thị Tĩnh xuất sắc tại SEA Games 2003, ngành thể thao lúc ấy đã chuẩn bị trước 10 năm - Ảnh tư liệu |
Tham gia tuyến đề tài liên quan đến việc đăng cai Asiad 2019 của Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, người từng nhiều lần làm trưởng đoàn thể thao VN tại các kỳ SEA Games, Asiad, và đặc biệt cũng là người được Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội mời phản biện đề án đăng cai Asiad hôm 18-3 - đã gửi đến chúng tôi bài viết sau:
Sau phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh hôm 18-3, dư luận xã hội và giới truyền thông đã hết sức âu lo. Rất nhiều người đã đặt ra cho tôi một số câu hỏi liên quan đến chuyện này. Đầu tiên, đó là để tổ chức được và tổ chức thành công Asiad, chúng ta phải làm gì?
Tôi trả lời câu hỏi trên như sau: trước tiên, và là việc quan trọng hàng đầu là phải chuẩn bị lực lượng VĐV có trình độ để tham gia thi đấu giành thành tích cao. Việc quan trọng thứ hai đó là phải xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất (sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu...); chuẩn bị các điều kiện trang thiết bị phục vụ chương trình thi đấu và mọi điều kiện khác để phục vụ quan chức, VĐV các quốc gia đến tham dự đại hội (giao thông, y tế, truyền thông, dịch vụ công cộng, an ninh, an toàn...). Thứ ba, đó là chuẩn bị lực lượng tham gia quản lý tổ chức và điều hành các hoạt động của đại hội.
Và muốn làm tốt ba yếu tố quan trọng trên cần phải có khả năng dồi dào về tài chính - thực tế lịch sử đã chứng minh rằng chưa có thành phố, quốc gia nào tiềm lực tài chính yếu mà lại đăng cai tổ chức Asiad thành công.
Dĩ nhiên, kèm theo đó còn có yếu tố về thời gian. Như chúng ta thấy Hong Kong chuẩn bị xin đăng cai Asiad 2023 vào năm... 2010!
Từ đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi thứ hai với tôi, đó là Việt Nam chúng ta đã chuẩn bị như thế nào? Trước tiên, tôi đánh giá cao báo cáo giải trình của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, các tài liệu giải trình của Ủy ban Olympic Việt Nam và Tổng cục TDTT hôm 18-3. Trong đó đã phân tích rõ thực trạng khó khăn của Việt Nam khi chuẩn bị tổ chức Asiad. Đó là:
1. Tuy có sự tiến bộ về mặt thành tích thi đấu tại các sự kiện thể thao quốc tế, song tại các kỳ Asiad và Olympic, thành tích của thể thao Việt Nam còn hết sức khiêm tốn và có dấu hiệu tụt hậu so với các quốc gia có nền thể thao mạnh ở châu lục... (Tôi xin thêm, ngay cả khi so với các quốc gia Đông Nam Á, thể thao VN cũng xếp sau Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines trong thi đấu ở Asiad).
2. Về cơ sở vật chất (chuyên dành cho thể thao thôi) thì: “Mặc dù đã có sẵn một hệ thống các công trình thể thao phục vụ tổ chức thi đấu được đầu tư cho SEA Games 2003 và Asian Indoor Games 2009, nhưng phần lớn các công trình này đều không đáp ứng các yêu cầu để tổ chức Asiad, cần phải có sự đầu tư cải tạo, nâng cấp. Bên cạnh đó, ở nhiều môn thi đấu bắt buộc trong chương trình Asiad, Việt Nam chưa có các công trình thể thao tương ứng (khoảng 8-10 công trình, sân thi đấu môn đua ngựa, bóng bầu dục, hockey trên cỏ, xe đạp lòng chảo, trường bắn súng và bắn đĩa bay, khu thi đấu năm môn thể thao phối hợp...). Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thì: số lượng các công trình thể dục thể thao đủ tiêu chuẩn, kích thước để thi đấu theo quy định quốc tế rất ít, chiếm tỉ lệ rất thấp so với tổng số công trình thể thao (chỉ khoảng 2%!).
3. Về công tác tổ chức điều hành: tuy đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức SEA Games và Asian Indoor Games nhưng Asiad là một sự kiện có tầm cỡ lớn hơn rất nhiều so với các sự kiện thể thao quốc tế mà Việt Nam đã từng tổ chức, việc tổ chức Asiad đòi hỏi phải có các kế hoạch phương án cụ thể, rõ ràng và sự phối hợp đồng bộ của một đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, điều mà Việt Nam còn thiếu (theo phó chủ tịch Ủy ban Olympic Hoàng Vĩnh Giang).
Hơn 20 trang trong báo cáo giải trình đã thể hiện tương đối đầy đủ các vấn đề quan trọng của việc tổ chức Asiad 2019. Điều đáng quan tâm là báo cáo này đã cầu thị hơn, khách quan hơn, có căn cứ hơn hẳn Báo cáo đề án Việt Nam xin đăng cai Asiad 2019 trước đây - một đề án mang đậm “tư duy chủ quan” của một vài người chứ không phải của cả ngành thể thao. Một đề án lớn, quan trọng xin đăng cai đã không được thẩm định, giám sát và phản biện nghiêm túc. Giá như ngay từ đầu người ta cũng thẳng thắn như trong bản báo cáo giải trình, có lẽ nó đã không được Chính phủ phê duyệt!
Thay đổi nhanh đến chóng mặt! Trong đề án vận động đăng cai Asiad 2019 được thực hiện vào năm 2011, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra dự toán tổng mức ngân sách là 5.155 tỉ đồng (gần 300 triệu USD), trong số này nguồn ngân sách chiếm 4.979 tỉ đồng (96%). Ngày 9-4-2011, Bộ Tài chính đã có công văn trả lời do Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh ký, đã nêu rõ: “Khoản ngân sách 4.979 tỉ đồng là một gánh nặng với Nhà nước. Con số này chỉ là khái toán, thực tế sẽ cao hơn nhiều. Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước những năm tới còn khó khăn, vẫn cần ưu tiên bố trí chi cho những công trình thiết yếu... Trong trường hợp chi phí tổ chức đại hội chủ yếu bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước thì đề nghị chưa nên đăng cai mà để đến khi điều kiện kinh tế Việt Nam cho phép”. Ngay lập tức, hồ sơ chi tiết về kế hoạch đăng cai sau đó đã thay đổi nhanh đến chóng mặt: Bộ VH-TT&DL đã lùi con số 5.155 tỉ đồng xuống mức 3.000 tỉ đồng (150 triệu USD). Đồng thời, tỉ lệ ngân sách còn 28% (thay vì 96%) và nguồn huy động từ xã hội từ tỉ lệ khiêm tốn 4% đã được đẩy lên mức 72%! Trong công văn ngày 8-7-2013, Bộ Tài chính cho rằng khoản 72% kinh phí từ xã hội hóa này là thiếu căn cứ và đề nghị Bộ VH-TT&DL giải trình. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Trả giá vì tổ chức sự kiện thể thao không đúng thời điểmAsiad 2019: nên trả hay không?Asiad 2019: bỏ cuộc sớm còn hơn để dân oằn vai gánh nợ150 triệu USD để đăng cai Asiad 2019
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận