Quy hoạch phá nát bãi biển Nha Trang
Phóng to |
Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara phía đông đường Trần Phú (Nha Trang) sẽ được dời đi để nhường đất cho công viên, nhưng theo quy hoạch mới ở phía đông đường Trần Phú lại mọc lên nhiều công trình bêtông kiên cố khác - Ảnh: Tiến Thành |
“Biển Nha Trang đẹp và hấp dẫn chỉ khi người ta nhìn thấy biển, còn nếu che khuất tầm nhìn ra biển thì coi như không có giá trị gì. Chúng ta thấy rõ thực tế dự án khu giải trí E-land Four Seasons vừa xây dựng xong đã che khuất tầm nhìn ra vịnh Nha Trang ngay ở khu vực trung tâm thành phố. Nay mai, nếu nhiều công trình kiên cố như thế, cao hơn, mọc lên dày hơn, biển Nha Trang sẽ ra sao?” - kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nguyên giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, đặt vấn đề.
“Đau như cắt”
"Xu thế bây giờ là phát triển kinh tế sinh thái nhưng quy hoạch nói trên đi ngược lại. Sản phẩm của quy hoạch này có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường, dẫn đến bất bình đẳng giữa du khách và cộng đồng, tạo ra bất công trong xã hội" Tiến sĩNGUYỄN TÁC AN (nguyên viện trưởng Viện Hải dương học, chủ tịch Hội UNESCO Khánh Hòa) |
Một trong 12 kết luận và kiến nghị của tổ tư vấn phản biện của Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Khánh Hòa đối với dự án nêu trên là “phá bỏ công trình kiên cố E-land Four Seasons”. Khi được hỏi vì sao kiến nghị “nặng” như vậy, ông Bùi Mau - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Khánh Hòa - nói: “Dự án đó tỉnh có lắng nghe các góp ý, nhưng sửa chưa nhiều. Chúng tôi giữ quan điểm là công trình đó phải tháo bỏ bởi dải đất đó phải là cây xanh và công viên, đã được quy hoạch và trước đây HĐND tỉnh đã có nghị quyết rồi”.
Dự án trên được khởi công tháng 8-2012 trên dải công viên biển trung tâm TP Nha Trang, gồm khu công viên mới diện tích hơn 4.400m2, nhà hàng rộng hơn 2.100m2, các khu thương mại và discotheque được xây dựng ngầm bên dưới. Tuy nhiên, khi dự án đang thi công, đã có nhiều ý kiến phản ứng, cho rằng công trình sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của bãi biển Nha Trang (Tuổi Trẻ đã phản ánh trong loạt bài “Bốn công trình ngầm dưới bãi biển Nha Trang” vào tháng 1-2013). Sau đó, ông Lê Thanh Quang - bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - chỉ đạo ban cán sự UBND tỉnh ngay sau Tết Quý Tỵ 2013 kiểm tra các công trình ngầm, lưu ý độ cao của các công trình nổi phía trên, nếu quá cao phải hạ thấp xuống và kiểm tra thiết kế kiến trúc các công trình, đảm bảo hài hòa, phù hợp với cảnh quan.
Tiếp đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đoàn công tác của Bộ Xây dựng và một số cơ quan trung ương đã kiểm tra việc cho đầu tư bốn dự án ngầm dưới bãi biển Nha Trang. Tháng 5-2013, đoàn báo cáo Thủ tướng, cho biết đã đề nghị đối với các dự án hoàn thành thi công, cần rà soát, điều chỉnh hình khối, giải pháp kiến trúc công trình nổi; giải pháp kết nối của công trình ngầm với không gian công cộng đảm bảo phù hợp với cảnh quan khu vực, nguyên tắc thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung được duyệt; phần mặt đất phía trên công trình ngầm phải được hoàn trả không gian công viên, cây xanh công cộng cho cộng đồng dân cư. Còn với các dự án chưa thi công, dự án chuẩn bị thủ tục đầu tư, dự án đang triển khai ý tưởng và chủ trương đầu tư cần xem xét điều chỉnh quy mô, hình thức kiến trúc công trình nổi và quy mô công trình ngầm phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và thiết kế đô thị của khu vực được phê duyệt. Cuối tháng 7-2013, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa tiếp thu đề xuất của Bộ Xây dựng. Từ chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh quy mô của công trình nổi dự án E-land Four Seasons. Theo đó, chỉ xây dựng một ô (trước đây là ba ô) với chiều dài 63m dọc công viên biển, trong đó khoảng giữa để trống 23m để tạo tầm nhìn ra biển, hạ độ cao từ 10m xuống còn 7,45m, phần mặt tiền công trình sử dụng kính trong để không che khuất tầm nhìn ra biển...
Tuy nhiên, khi công trình này khánh thành, đưa vào hoạt động đầu năm 2014 thì tầm nhìn ra biển hầu như bị che khuất hoàn toàn: một khối nhà bêtông vuông vức mọc lên, kính che làm mờ và được “đỡ” bằng những thanh bêtông bên ngoài, khoảng hở giữa công trình có cốt nền cao hơn đường Trần Phú trên nửa mét và được sắp đặt vật dụng phục vụ cho các dịch vụ nên không thể nhìn thấy biển... “Đi qua khu vực này, không nhìn thấy biển, chỉ thấy những hàng cây mới trồng còi cọc, héo lá, lòng tôi đau như cắt” - ông Trần Đức Thắng, nguyên giám đốc Công ty Môi trường đô thị Nha Trang, thổ lộ.
Đừng để “tiền mất, tật mang”
Bà Lê Thị Thanh Song - chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên hoang dã tỉnh Khánh Hòa - nói: “Tôi nhận thấy rằng trong quy hoạch cho xây dựng nhiều công trình cao tầng, công trình ngầm... ở phía đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng dường như không phải là ý chí của nhà quy hoạch, mà đó là ý chí của các nhà đầu tư. Tôi đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng cần chọn nhà tư vấn quy hoạch có thực tế, am hiểu về địa phương, hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân thì mới hiệu quả. Nếu không thì tiền mất tật mang”.
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Đà - phó giám đốc Công ty CP Tư vấn kiến trúc và xây dựng Khánh Hòa - kiến nghị không nên dành nhiều đất để xây các khu nghỉ dưỡng, mà nên dành phần nhiều cho cây xanh và công viên. “Bờ biển Nha Trang hiện nay cây xanh quá thiếu, nơi sinh hoạt cộng đồng cũng thiếu. Tôi đề nghị ở phía tây đường Trần Phú, khi di dời các cơ quan hành chính của tỉnh đến nơi mới cần quy hoạch một quỹ đất nhất định để trồng cây xanh. Quy hoạch cũng nên tính đến việc làm một trục đường phía tây đường Trần Phú để giảm tải cho “con đường vàng” này” - ông Đà nói.
Tỉnh sẽ giải trình khi nhận văn bản chính thức Ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết những ý kiến phản biện cho quy hoạch 1/2.000 khu vực phía đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang của Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh sẽ được UBND tỉnh giải trình cụ thể khi nhận được văn bản chính thức. “Tôi chỉ muốn nói rằng UBND tỉnh Khánh Hòa không tổ chức một quy hoạch để “phá” bãi biển Nha Trang, mà tôn tạo và nâng giá trị thêm lên, dành tỉ lệ đất làm công viên nhiều hơn hiện nay, để phục vụ cộng đồng và thu hút du khách nhiều hơn” - ông Thắng nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận