15/02/2014 16:49 GMT+7

Thi tốt nghiệp THPT bốn môn: khỏe mà lo!

Hồ Xuân Hòe
Hồ Xuân Hòe

TTO - Thông tin Bộ GD-ĐT cho biết đa số ý kiến từ cuộc trưng cầu rộng rãi về dự thảo đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT đã ủng hộ việc thi tốt nghiệp THPT bốn môn ngay trong năm 2014 - đang thu hút nhiều ý kiến của bạn đọc.

Đa số ủng hộ thi tốt nghiệp THPT bốn môn

9ZyqiORM.jpgPhóng to
Thí sinh ôn bài trước khi vào phòng thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Theo dự thảo, học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn (chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý). Việc giảm số môn thi, sự vắng mặt môn ngoại ngữ trong nhóm môn thi và con số dự kiến 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp đang gây ra những suy nghĩ trái chiều nơi bạn đọc.

Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.

Coi chừng chệch choạc từ nền móng

Theo tôi mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT được đưa ra trong quy chế thi ban hành theo thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT, ngày 6-3-2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là thích hợp. Học sinh tốt nghiệp THPT phải có những hiểu biết nhất định về kiến thức phổ thông, nhất là các môn khoa học xã hội nhân văn.

Thực hiện phương án thi tốt nghiệp 4 môn mà Bộ GD-ĐT đưa ra sẽ dẫn đến học sinh sẽ học lệch đa số sẽ chọn môn Lý, Hóa hoặc Sinh. Thiết nghĩ phương án trên đưa ra hơi sớm. Nếu sau này lộ trình trong đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, học sinh học đến lớp 9 cơ bản hoàn thành kiến thức phổ thông, lên bậc THPT chương trình học chỉ còn phân hóa theo năng lực và sở thích của học sinh khi đó cách thi sẽ khác thì có thể áp dụng phương án trên. Hiện nay chương trình bậc THPT cơ bản vẫn là kiến thức phổ thông, chỉ có khoảng 20% là kiến thức nâng cao.

Chúng ta đã có bài học về kỳ thi đại học năm 2011 khi hàng ngàn học sinh bị điểm 0 môn Sử, nếu áp dụng theo phương án trên, tôi nghĩ con số điểm 0 về môn Sử có thể còn cao hơn nữa và không phải môn Sử mà còn có môn Địa, môn tiếng Anh, nói chung là những môn không phải khối thi đại học - cao đẳng, để rồi học sinh sẽ không biết gì về kiến thức phổ thông hậu quả thật khó lường.

Chức năng chính của giáo dục phổ thông là dạy người, học sinh không học thì hậu quả rất lớn cho xã hội, còn chức năng chính của bậc học sau phổ thông là dạy nghề mặc dù Nhà nước ta có đưa dạy người vào đại học - cao đẳng nhưng khó kiểm định về hiệu quả.

Tôi đồng ý với ý kiến của một bạn đọc rằng "Bài toán giáo dục cần giải theo cách làm nhà của người nghèo... Ta xây móng thật vững sau ta lên tầng". Nếu nền móng không vững các tầng trên có đẹp bao nhiêu thì ngôi nhà cũng không bền và nguy cơ bị sụp đổ trước bão tố. Giáo dục con người phải chú trọng đầu tư giáo dục từ nhỏ đến lớn, từ bậc học nhỏ đến bậc học lớn, trong đó bậc học nhỏ, bậc học phổ thông chính là nền móng.

Cần định hướng và áp đặt đúng trong chuyện học

Tôi có một đứa con trai. Cháu rất sợ và khổ sở khi mới bắt đầu học môn ngoại ngữ tiếng Anh. Vì làm cha nên tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm và định hướng tương lai cho con để sau này tôi không phải “ân hận”.

Tôi thấy hợp lý khi giảm tải số lượng môn thi tốt nghiệp cho học sinh. Nhưng Bộ GD - ĐT phải đảm bảo việc chọn môn thi cho đúng với tiêu chí giáo dục.

Biết cháu không thích học tiếng Anh, tôi khéo léo vừa động viên giúp đỡ vừa ép buộc cháu phải học môn tiếng Anh. Tôi đã nói rằng: “Con phải biết tối thiểu một môn ngoại ngữ là tiếng Anh vì con sẽ phải sử dụng đến nó trong nghề nghiệp tương lai của con. Hơn nữa, tiếng Anh sẽ là môn thi bắt buộc trong các kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tốt nghiệp THPT, môn học bắt buộc ở các trường đại học và trong các cuộc phỏng vấn tuyển việc làm sau này. Ngoại ngữ sẽ theo con suốt cả cuộc đời”.

Do nội dung truyền đạt hạn chế và lạc hậu trong sách tiếng Anh của Bộ Giáo dục đào tạo, nên tôi đầu tư cho cháu học thêm tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ. Dù gì đi nữa, tôi rất cảm ơn các giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường phổ thông đã cung cấp cho cháu một số kiến thức nền tảng về ngôn ngữ tiếng Anh. Kiến thức nền tảng này đã giúp cháu học các lớp tiếng Anh chuyên ngành sau này.

Tôi nghĩ phải bắt buộc thi một môn ngoại ngữ nào đó (Anh, Pháp, Đức, Trung…) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nay con tôi là một lập trình viên quốc tế, cháu sử dụng khá tốt tiếng Anh và tiếng Nhật trong công việc, giao tiếp (tôi thấy cháu chủ yếu sử dụng tiếng Anh để giao tiếp) và trao đổi kinh nghiệm lập trình với các bạn nước ngoài ở Anh, Ấn Độ, Syria, Pháp, Nhật...

Tôi mừng vì trong quá khứ tôi đã có tầm nhìn đúng cho thế hệ con của tôi. Không được ép buộc chuyện học hành đối với học sinh nhưng phải có định hướng và áp đặt đúng để học sinh buộc phải học vì tương lai tốt đẹp của chúng cũng như của dân tộc.

Sẽ ra sao nếu học sinh chỉ loay hoay với 4 môn?

Tôi hoan nghênh Bộ GD-ĐT có nhiều đổi mới trong thi cử và ủng hộ thi bốn môn. Nhưng theo dự thảo mà Bộ đưa ra còn nhiều vấn đề tôi nghĩ cần xem xét.

Môn tiếng Anh nên nằm trong danh sách tự chọn chứ không phải là môn khuyến khích. Điều này vừa công bằng cho giáo viên - học sinh, vừa công bằng với các khối thi đồng thời sát với kết quả để tuyển sinh đại học bởi học sinh được thi những môn là thế mạnh của các em. Áp dụng ngay trong năm học 2014 là tối ưu nhất

Thứ nhất: Việc cho học sinh chọn 2 môn thi sẽ dẫn đến hệ quả là học sinh chỉ học 4 môn từ năm lớp 10 và nếu như chấp nhận điều này thì Bộ nói gì khi chỉ đạo nhà trường phải đào tạo toàn diện? Bản thân học sinh này ra đời có tốt không khi chỉ học 4 môn? Tôi dám trả lời không.

Thứ hai: Việc dùng kết quả 12 cộng vào điểm thi tốt nghiệp hoặc dùng kết quả 3 năm để xét miễn thi là điều sẽ hình thành tiêu cực 100%. Tôi xin nói rằng trong giai đoạn này rất nhiều hiệu trưởng ở các trường tư thục đã chỉ đạo giáo viên chỉnh điểm, nâng điểm làm sao để có lợi cho học sinh mình. Bộ có thấy điều này không? Ai quản lý vấn đề này?

Thứ ba: Việc bố trí lịch thi như vậy là không hợp lý. Tôi lấy ví dụ học sinh chọn môn thi Địa lí và Hóa học. Như vậy học sinh này phải thi 3 môn trong cùng 1 ngày, điều này đúng không? Việc thí sinh thi ca này ra rồi ca khác vào thi như thi nghề phổ thông thì có đảm bảo an toàn cho hội đồng thi không? Nếu không đảm bảo để lộ đề thì phải tổ chức thi lại, vậy ai chịu trách nhiệm?

Từ những vấn đề trên tôi xin được phép nêu ra một vài ý kiến:

- Vẫn thi 4 môn nhưng 2 môn còn lại Bộ sẽ chỉ định, như vậy học sinh sẽ không học lệch môn nào

- Không dùng kết quả 12 cộng vào điểm thi cũng như xét miễn thi cho bất kỳ học sinh nào, chỉ cộng điểm nghề phổ thông.

- Bố trí lịch thi trong 2 ngày không có môn thi cộng điểm

Chỉ học sinh kém mới mong miễn thi

Nếu chúng ta hiểu cho đúng mục đích của thi tốt nghiệp và niềm vinh dự khi có được tấm bằng đó thì mọi học sinh đều mong đợi và hưng phấn trước mỗi kỳ thi, họ tự hào khi thi đỗ, nhất là đỗ ở thứ hạng cao. Chỉ có học sinh kém mới mong được miễn thi, còn những học sinh khá thì không cần, không thèm hưởng đặc ân đó. Cho nên tôi đề nghị không miễn thi cho bất kỳ ai.

Bỏ môn tiếng Anh là giảm cơ hội hội nhập

Xu hướng phát triển xã hội hiện nay là hội nhập, toàn cầu hóa. Học sinh Việt Nam so với học sinh Philippines, Malaysia, Singapore thua xa về khả năng tiếng Anh cũng có nghĩa thua năng lực cạnh tranh về trình độ lao động.

Sao Bộ Giáo dục đào tạo không lấy ý kiến trưng cầu dân ý để có sự lựa chọn chung của cả xã hội, liệu sự biểu quyết của 45 Sở Giáo dục đào tạo, Bộ Bộ Giáo dục đào tạo không có đúng cho xu hướng phát triển lâu dài của lực lượng lao động Việt Nam trong tương lai.

Xin quan tâm đến chất lượng thay vì số lượng

Nếu tôi là người nhà thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay, tôi cũng ủng hộ thi bốn môn vì nó sẽ nhẹ nhàng hơn cho con em mình. Thậm chí tôi còn ủng hộ thi môn Anh văn như là môn tự chọn. Việc ủng hộ xét miễn thi tốt nghiệp cũng thế. Việc thăm dò ý kiến có thật sự đúng mục đích?

Tuy nhiên trên thực tế đây là một bước lùi của nền giáo dục hội nhập khi chúng ta không thi Anh văn như môn bắt buộc. Một câu hỏi đặt ra tại sao học sinh giỏi lại sợ thi tốt nghiệp? Nếu tôi là người được phép quyết định tôi sẽ cho thi năm môn: Toán, Văn, Anh văn, kiến thức xã hội (Sử và Địa, trắc nghiệm kiến thức cơ bản không vẽ biểu đồ) và một môn tự chọn.

Các nhà cải cách giáo dục hãy quan tâm để sản phẩm đầu ra của ngành giáo dục được dùng như thế nào chứ đừng nên quan trọng sản suất được bao nhiêu. Đặt học sinh đúng vị trí của mình sẽ làm tăng năng suất lao động của cả nước.

20% miễn thi tốt nghiệp là không công bằng

Ý nghĩa lớn nhất trong thi cử là công bằng. Nếu không công bằng thì chẳng còn là thi cử nữa. Việc cho 20% thí sinh không phải thi tốt nghiệp như đã nêu rõ ràng không công bằng.

Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp trước đây thể hiện nhiều bất cập, tuy nhiên vẫn đem lại công bằng cho tất cả người thi vì ai cũng phải ôn thi như nhau, trải qua chặng đường thi cử như nhau. Cái ý nghĩa lớn nhất của thi cử,có cái gốc của thi cử là công bằng.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Bộ GD-ĐT tiếp tục bảo vệ quan điểm đổi mớiĐột phá nhưng vẫn ngập ngừngCải tiến thi tốt nghiệp THPT: Đề thi tăng cường câu hỏi mởTốt nghiệp THPT năm 2014: sẽ chỉ thi 4 môn?Ủng hộ đưa môn ngoại ngữ vào môn tự chọnMôn ngoại ngữ - chìa khóa mở cánh cửa hội nhập Thi tốt nghiệp THPT: 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọnCông khai phương án và kết quả xét miễn thi tốt nghiệp

Hồ Xuân Hòe
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên