Phóng to |
Chiều 17-1, rất ít người đến ga Sài Gòn hỏi mua vé tàu - Ảnh: Tự Trung |
Ngày 17-1, trái với hình ảnh hành khách chen chúc đến ngất xỉu ở bến xe miền Đông hay khu vực bán vé trên đường Phạm Ngũ Lão của Hãng xe Phương Trang, có rất ít hành khách đến ga Sài Gòn mua vé. Lúc 14g, tại khu vực bán vé chỉ lèo tèo vài khách ngồi đợi mua vé, lâu lâu có thêm một, hai hành khách đến lấy số thứ tự. Một nhân viên phát số thứ tự ở đây cho biết trong ngày đã phát gần 400 số thứ tự. “Tuy nhiên toàn là số thứ tự ảo”, nhân viên này nói rồi giải thích thêm rằng nhiều người lấy số thứ tự nhưng khi hỏi nhân viên bán vé thì đã hết vé những ngày cần mua nên ra về.
Còn hàng ngàn vé
Kể từ khi bán vé cho hành khách đi thời gian cao điểm tết (ngày 10-10-2013), hành khách chỉ tập trung đông trong khoảng hai ngày đầu, không còn xảy ra cảnh rồng rắn xếp hàng như mọi năm, sau đó lượng khách đến mua vé cứ thế giảm dần. Theo thống kê của Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, sau ngày thứ hai bán vé tàu tết (ngày 11-10), lượng vé bán ra theo hình thức đặt chỗ qua website www.vetau.com.vn chỉ bằng 1/4 so với ngày trước đó (được 5.969 vé). Việc bán vé qua hình thức tin nhắn SMS cũng có dấu hiệu chựng lại, nhiều số thứ tự được cấp nhưng có đến gần 1/3 không có hành khách đến mua.
Cắt chặng dài, bán chặng ngắn Trước tình hình vé tàu bán chậm ở ga Sài Gòn, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Tuyên - trưởng ban kinh doanh vận tải Tổng công ty Đường sắt VN - cho biết từ ngày 16-1 đã chỉ đạo Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, ga Sài Gòn thực hiện cắt các vé tàu chặng dài để bán chặng ngắn không hạn chế cho hành khách có nhu cầu. Cụ thể, với những vé tàu chặng dài từ TP.HCM ra phía Bắc mà khách ít có nhu cầu mua sẽ được cắt chặng chuyển sang bán chặng ngắn từ TP.HCM đi Nha Trang, Quảng Ngãi... “Trường hợp nếu vẫn còn thừa nhiều vé thì ngành đường sắt sẽ cắt giảm tàu tăng cường để giảm chi phí” - ông Tuyên cho biết. T.PHÙNG |
Chính vì vé tàu “ế ẩm”, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn sau đó quyết định kéo dài thời gian cấp số thứ tự qua tin nhắn đến hai đợt, triển khai bán vé qua điện thoại... Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Thành - trưởng ga Sài Gòn, sau gần bốn tháng bán vé tàu tết, đến nay ga Sài Gòn còn khoảng 9.000 vé đi từ ga Sài Gòn và 12.000 vé từ Hà Nội vào. Số lượng vé trên tập trung đi trước ngày 22 và 29 tháng chạp, từ mồng 3 đến mồng 5 tết và từ mồng 9 đến 15 tháng giêng. Ghế phụ cho hành khách đi những ngày từ 24 đến 28 tháng chạp còn vài trăm ghế nhưng ngoài những ngày trên còn rất nhiều.
Ông Thành thừa nhận những năm trước đây vào khoảng ngày 17 đến 19 tháng chạp là vé tàu các chặng hầu như bán sạch, nhưng năm nay còn tồn đến hàng ngàn vé. Để giải quyết bớt lượng vé tồn, ông Thành cho biết đã phải cắt một số chặng đường dài như Hà Nội để bán vé cho khu vực miền Trung như Quảng Ngãi,
Đà Nẵng... Ế vì sao?
Ông Nguyễn Văn Thành cho rằng sở dĩ số lượng vé còn tồn nhiều từ ngày 22 tháng chạp vì năm nay nhiều trường đại học tổ chức cho sinh viên thi quá muộn, vào 23-25 tháng chạp, trong khi những năm trước sinh viên thi trước ngày 20 tháng chạp nên mua vé về quê ăn tết sớm hơn. Cũng theo ông Thành, lượng vé tồn nhiều còn do nhu cầu của người lao động nhập cư đã có gia đình ở TP.HCM nên ít người về thăm quê. Hơn nữa tại các tỉnh, thành đã mở ra nhiều khu công nghiệp nên lao động của các địa phương đến TP.HCM bây giờ ít hơn, nhu cầu về quê ăn tết năm nay không nhiều bằng năm trước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng, một hành khách có mặt ở ga Sài Gòn ngày 17-1, cho biết những năm gần đây khi từ quê Quảng Ngãi vào Sài Gòn hoặc ngược lại, ông thường đi xe thương hiệu hơn là tàu hỏa. Lý do: việc mua vé, cung cách phục vụ của xe thương hiệu dễ và tốt hơn, giá cả cũng “mềm” hơn so với tàu hỏa. Tuy nhiên, năm nay do có người thân lớn tuổi nên ông mới chọn tàu hỏa vì “cảm giác an toàn hơn”. Còn ông Nguyễn Văn Đoàn, một hành khách thường đi tàu tuyến Sài Gòn - Huế, cho biết năm nay ông chọn đi máy bay thay vì mọi năm trước đi tàu hỏa. “Không săn được vé máy bay giá rẻ, giá vé máy bay hạng phổ thông thường đắt hơn khoảng vài trăm ngàn đồng so với giá vé tàu hỏa nhưng thời gian, cung cách phục vụ thì một trời một vực giữa máy bay so với tàu hỏa” - ông Đoàn nói.
Ngoài những lý do trên, sự phát triển nhanh chóng về số lượng cũng như chất lượng của các hãng xe thương hiệu đã làm ngành đường sắt mất lợi thế cạnh tranh. Theo ông Lý Văn Thông - chủ nhiệm Hợp tác xã Trung Nam, và ông Nguyễn Văn Dũng - chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải và dịch vụ du lịch Sài Gòn (Q.Bình Thạnh), mấy năm nay nhu cầu đi xe giường nằm trên các tuyến đường dài ngày càng tăng. Một số doanh nghiệp vận tải có xe giường nằm cho rằng một số hành khách chuyển từ tàu lửa qua đi xe đò vì nhiều hãng xe thương hiệu ra đời có cung cách phục vụ tốt hơn, thời gian hành trình xe đò cũng không chậm nhiều so với tàu lửa, giá vé xe giường nằm vẫn thấp hơn giá vé tàu. Cụ thể giá vé xe đò của Hợp tác xã vận tải và dịch vụ du lịch Sài Gòn đi trong những ngày cao điểm từ 24 đến 30 tháng chạp (đã tính phụ thu 60% giá vé bù đắp xe chạy chiều rỗng) đi Hà Nội là 1.520.000 đồng, Vinh là 1.210.000 đồng và Huế là 810.000 đồng. Trong khi đó, giá vé tàu SE4 loại giường nằm (tầng 1) đi Hà Nội giá 2.084.000-2.115.000 đồng, đi Vinh là 2.082.000-2.113.000 đồng, Huế là 1.553.000-1.576.000 đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận