17/01/2014 07:36 GMT+7

Xe thương hiệu đắt khách, xe tăng cường ế ẩm

M.TRƯỜNG - N.ẨN
M.TRƯỜNG - N.ẨN

TT - Từ đầu tháng 12-2013 đến nay, cứ mỗi lần quầy vé hãng xe đò thương hiệu mở ra là hàng ngàn khách chen lấn để mua trước vé xe về quê ăn tết. Trong khi đó, các quầy bán vé xe tăng cường tết (chủ yếu là xe buýt) lại ế ẩm, vắng khách.

5tA1mJJp.jpgPhóng to
Sáng 16-1, hàng trăm hành khách tập trung trước phòng vé Đề Thám (đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) của Hãng Phương Trang để chờ mua vé xe tết tuyến Sài Gòn - Nha Trang - Ảnh: Mậu Trường

Ngày 16-1, Hãng xe Phương Trang tiếp tục bán vé xe tết cho các tuyến Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Sa Đéc... tùy từng phòng vé. Riêng phòng vé Đề Thám (204 Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) bán vé tuyến Sài Gòn - Nha Trang tiếp tục xảy ra cảnh chen lấn, xếp hàng dài tràn xuống đường và lấn qua công viên 23-9 ngay từ sáng sớm.

Vật vã chờ mua vé xe thương hiệu

Lặp lại cảnh cũ, mới hơn 3g sáng nhưng phòng vé Phương Trang đã “nóng” bởi hàng trăm người dân tập trung tại đây chờ mua vé. Khi cánh cửa phòng vé hé mở, nhiều người đồng loạt tràn vào nhận số thứ tự. Những người đến sớm, nhà xe giải quyết cho nhận số thứ tự trước để mua vé trước. Còn với những người đến sau, các nhân viên của hãng xe đã tập hợp lại thành hàng dài trong công viên 23-9, sau đó viết lại tên và điện thoại của khách. Danh sách này sau đó được chuyển vào phòng vé, nhân viên phòng vé gọi đến tên ai thì người đó vào nhận số thứ tự, sau đó tiếp tục chờ mua vé. Đến khoảng 9g cùng ngày, danh sách những người điền tên để lấy số thứ tự được viết kín hơn 10 trang giấy A4 và không ngừng tăng thêm.

Khắp công viên 23-9, hành khách vật vờ trên các ghế đá, bãi cỏ chờ đến lượt vào mua vé. Nhiều người mua cơm hộp đến trước phòng vé Phương Trang để ăn trưa và tiếp tục ngồi chờ hàng giờ.

Cầm trên tay hai tấm vé của Hãng xe Phương Trang, anh T. cho biết anh đến xếp hàng từ lúc 3g sáng mới mua được vé. “Do không biết quy định, tôi chỉ mang theo một giấy chứng minh nhân dân nên mua chưa đủ vé, nhân viên bán vé yêu cầu phải có sổ hộ khẩu mới cho tôi mua đủ số vé cho cả bốn người trong gia đình. Tôi biết việc này nhằm tránh tình trạng đầu cơ vé nhưng như vậy thì khó cho chúng tôi quá” - anh T. nói.

Theo đại diện Công ty Phương Trang, ngày 15-1 đã bán hơn 5.000 vé, ngày 16-1 bán hơn 4.500 vé. Phương Trang thừa nhận diện tích khoảng 100m² mặt bằng quầy vé ở bến xe miền Đông quá chật hẹp nên hàng nghìn khách phải chen lấn lấy số thứ tự. Bến xe miền Đông đã hỗ trợ Phương Trang mở thêm quầy vé để bán tạm trong vài ngày. Phương Trang sẽ tăng thêm 100 xe chở khách dịp tết nên còn nhiều vé và kéo dài thời gian bán vé tết, thay vì kết thúc vào ngày 18-1.

Hành khách chê “ghế cứng”

Ông Thượng Thanh Hải - phó giám đốc Bến xe miền Đông (TP.HCM) - cho biết từ ngày 1-1 đến nay quầy bán trước vé xe đò tết của các doanh nghiệp ủy thác bán vé và xe tăng cường (chủ yếu xe buýt) chỉ bán được khoảng 900 vé. Bình quân có 60 khách mua vé/ngày và số lượng khách mua trước vé tết năm nay tương đương những năm trước. Bến xe miền Đông tổ chức bán vé xe tăng cường về chín tỉnh, TP ở miền Trung và miền Bắc. Thế nhưng ở những tuyến có hãng xe đò thương hiệu hoạt động thì xe đò tăng cường không bán được vé. Có thể nói người dân không chuộng loại xe tăng cường, trong khi lại chấp nhận chen lấn để mua vé xe đò thương hiệu.

Vì sao không mua vé xe đò tăng cường? Chị Nguyễn Thị Mai (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết cách đây hai năm ra bến xe miền Đông mua vé xe tăng cường về quê ở Nghệ An, lúc lên xe mới biết đây là chiếc xe buýt có ghế ngồi cứng nên chị và con phải chịu ê ẩm mấy chục giờ trên xe. Năm nay chị Mai chọn xe đò thương hiệu vì có ghế ngồi bọc nệm để ngả lưng và chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái hơn. Còn anh Lê Văn Định (Q.Gò Vấp) cho biết đi xe tăng cường rất mệt mỏi vì thời gian hành trình kéo dài. Cụ thể, từ TP.HCM về đến Nam Định mất gần 35-38 giờ, trong khi xe đò thương hiệu chỉ 30-32 giờ đã về tới nhà.

Ông Lý Văn Thông, chủ nhiệm HTX xe khách Trung Nam (Q.Bình Thạnh), cho biết phần lớn tài xế xe buýt vào bến xe miền Đông chở khách về quê ăn tết không quen thuộc tuyến đường qua từng tỉnh nên chạy tốc độ chậm. Đồng thời các tài xế xe buýt chọn những địa điểm dừng đậu xe chưa phù hợp để nghỉ ngơi, ăn uống dọc đường nên hành khách cảm thấy không được thoải mái như xe đò thương hiệu. Hơn nữa, hiện nay phần lớn hành khách đi các tỉnh miền Bắc chuộng loại xe có giường nằm dù giá cao hơn khoảng 30% so với vé ghế ngồi. Do đó các hãng xe thương hiệu đang cạnh tranh quyết liệt để nâng cấp dịch vụ phục vụ hành khách bằng cách đầu tư loại xe giường nằm thay loại xe có ghế ngồi. Trong khi đó, xe buýt tăng cường vào bến không cải tiến chất lượng phục vụ khách.

“Các xe tăng cường vào các bến xe chở khách cũng mong muốn phục vụ hành khách tốt nhất, nhưng năng lực chỉ có hạn” - ông Phạm Quốc Tài, phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - Samco (đơn vị quản lý bốn bến xe khách lớn ở TP.HCM), chia sẻ. Tuy vậy, loại xe tăng cường cũng phục vụ văn minh, lịch sự, bảo đảm đưa khách đi đến nơi về đến chốn, không nhồi nhét hành khách.

Xe hợp đồng ít khách

Theo ông Thượng Thanh Hải, hơn một tháng nay nhiều hãng xe đò thương hiệu tự bán vé đã và đang tổ chức nhiều hình thức bán trước vé xe đò tết. Trong đó một số hãng đã kết thúc việc bán vé tết và một số hãng đang tiếp tục bán vé theo từng đợt (cách vài ngày hoặc cách tuần) như hãng Sao Vàng và Bình Tâm... Sau khi bố trí đủ số lượng xe chở khách đã mua vé trước và có xe dự phòng trong trường hợp xe hư hỏng, hãng hợp đồng thuê xe của các đơn vị du lịch có chất lượng xe tương đương tiếp tục đưa ra bán vé xe tết. Tuy nhiên, không phải hãng xe đò thương hiệu nào cũng thuê xe du lịch vì giá thuê cao, không có lãi.

Trong khi đó theo ông Hoàng Ngọc Quang - chủ nhiệm HTX du lịch 12 (Q.10), năm nay số lượng khách hợp đồng thuê xe về quê chỉ bằng 50% so với năm trước. Giá thuê xe hợp đồng tăng 30% so với ngày thường. Cụ thể như xe 16 chỗ từ TP.HCM về Cà Mau là 5,5 triệu đồng, xe 45 chỗ từ TP.HCM về Quảng Ngãi là 28-30 triệu đồng/xe. Tính ra giá vé hành khách đi xe hợp đồng cao hơn so với giá vé xe đò vì xe chở khách về quê rồi chạy xe không về TP. Còn ông Lâm Văn Phấn - chủ nhiệm HTX vận tải hành khách và du lịch Việt Thắng - cho biết số lượng hành khách thuê xe hợp đồng năm nay tương đương năm trước. Nhiều doanh nghiệp đã thuê xe hằng ngày đưa rước nhân viên và công nhân cũng hợp đồng thuê xe chở nhân viên về quê ăn tết. Các HTX cho biết vẫn còn rất nhiều xe sẵn sàng hợp đồng chở khách về quê ăn tết nếu các doanh nghiệp có nhu cầu.

Chịu lỗ để không tăng giá vé

Hàng trăm người xếp hàng đợi mua vé xe của Công ty TNHH Văn Minh (Nghệ An) vì họ cho rằng hãng xe này đi đúng giờ, mỗi người một giường, không bắt thêm khách dọc đường kể cả khi xe thừa giường và không tăng giá vé bù chiều rỗng vào dịp tết như các nhà xe khác.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Đàm Văn - giám đốc Công ty TNHH Văn Minh - cho biết chủ trương là chấp nhận bù lỗ tháng tết để có lợi nhuận đều quanh năm. Theo ông Văn, hiện nay Văn Minh có 19 xe giường nằm phục vụ tuyến Hà Tĩnh, Nghệ An đến Hà Nội. Do không tăng giá bù chiều rỗng thì dịp tết công ty lỗ khoảng 3 tỉ đồng để bù cho tiền thưởng, bù chiều rỗng, tiền quà tết... Nếu tăng giá và bắt thêm khách như các nhà xe khác thì thu về khoảng 6 tỉ đồng. “Nếu tăng giá vé bù chiều rỗng như nhà xe khác, có thể khách hàng vẫn chấp nhận. Nhưng chưa năm nào chúng tôi tăng giá chiều rỗng bởi vì tính khách hàng là tính cả năm chứ không phải chỉ một tháng tết” - ông Văn cho biết.

Hà Nội vắng khách mua vé xe tết

Ngoại trừ sự kiện hàng trăm người xếp hàng mua vé xe dịp tết của Công ty TNHH Văn Minh tuyến Hà Nội - Nghệ An - Hà Tĩnh ngày 12-1, đến chiều 16-1 việc bán vé xe tết ở các bến xe khá yên ắng. Ông Nguyễn Tất Thành - giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Nam (Giáp Bát) - cho biết “nhà xe lo cảnh xe nhiều khách ít”. Trong khi đó nhiều nhà xe đã niêm yết mức tăng giá vé do nhiên liệu tăng và cả mức tăng do vận chuyển khách một chiều dịp tết.

Cụ thể, tại bến Giáp Bát đến nay đã có 13 nhà xe công bố và niêm yết giá vé tăng. Trong đó có bốn nhà xe tăng giá do đợt tăng giá xăng dầu vừa qua với mức tăng cao nhất đến 14% (tùy tuyến). Còn chín nhà xe tăng giá vé bù cho chiều rỗng do vận chuyển lệch đầu dịp tết áp dụng từ ngày 17-1 có mức tăng 30-61%.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - phó giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Tây (bến Mỹ Đình) - cho biết đã có hơn 10 nhà xe thông báo và áp dụng tăng giá vé do tăng giá xăng dầu và chiều rỗng dịp tết. Trong đó các tuyến ngắn từ Hà Nội đi các tỉnh miền Bắc mức tăng bình quân 10-15%.

Theo ông Nguyễn Tất Thành, áp lực xe tết ở Hà Nội không lớn như các tỉnh phía Nam bởi vì hành khách từ Hà Nội về quê chủ yếu tập trung vào các tuyến đường ngắn từ 300km trở xuống. Vào ngày thường, phần lớn xe khách trung bình chỉ đạt 50% số ghế có khách nên không quá bị động. Các tuyến xe khách có cự ly 300km trở xuống có thể quay vòng vận chuyển được 2-3 lượt từ Hà Nội tới các tỉnh trong một ngày nên việc cung ứng vé dịp tết không căng thẳng như những tuyến đường dài từ các tỉnh phía Nam ra miền Bắc. Vì vậy cũng như mọi năm, hành khách ra tới bến mới mua vé xe về quê chứ không mua vé từ nhiều ngày trước đó.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền - tổng cục phó Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị này đã có văn bản chỉ đạo các sở GTVT giám sát việc tăng giá vé của các doanh nghiệp vận tải. Nếu thực hiện không đúng thì phải chấn chỉnh doanh nghiệp kê khai giá cho phù hợp. Với các nhà xe công bố tăng giá chiều rỗng chỉ áp dụng 10 ngày trước và 10 ngày sau Tết Nguyên đán. Nếu thời điểm thực hiện trước thời gian quy định trên là sai và phải chịu trách nhiệm.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Ngất xỉu vì chen lấn mua vé xeGần 20.500 công nhân được tặng vé xe tếtXô đẩy hỗn loạn tranh nhau mua vé xe đò6.000 tấm vé nghĩa tình cho công nhân về quê ăn tếtGiá vé tết xe “dù” tăng caoTăng 10-30% giá vé xe đò tếtKhách chờ vé xe thương hiệu, vé ủy thác ít người mua

M.TRƯỜNG - N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên