04/01/2014 02:00 GMT+7

Tranh cãi quanh trò chơi... bú bia

TTO
TTO

TT - Xuất hiện trong chương trình chào năm mới của một nhà hàng tại Đà Nẵng, trò chơi bú bia sau khi được Tuổi Trẻ đăng tải đã khuấy động cộng đồng mạng với các ý kiến trái chiều.

Phản cảm trò thanh niên, thiếu nữ thi bú... bia!Bản chất trò chơi bú bia không xấu

7lNMaEMp.jpgPhóng to
Hình ảnh trò chơi bú bia xuất hiện tại một nhà hàng ở Đà Nẵng tối 31-12-2013 - Ảnh: H.K.

Phản cảm hay hài hước, vui vẻ hay lệch lạc, chỉ là trò chơi đơn thuần hay biểu hiện của một bộ phận giới trẻ bị “hư”?... Đó là những vấn đề được bạn đọc tranh luận sôi nổi trên Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) trong tuần qua.

Không chỉ gửi ý kiến tranh luận trên TTO, ở các diễn đàn, mạng xã hội khác như: Facebook Tuổi Trẻ (https://www.facebook.com/tuoitre.newspaper), Zing Me, Twitter... vấn đề này cũng liên tục thu hút nhiều người bình luận, bàn tán sôi nổi.

Đứng về phía những người phản đối, bạn đọc ký tên Năm Lúa cho rằng ở VN có thiếu gì trò chơi, sao lại đem trò phản cảm thế này ra chọc cười ở nơi công cộng. Bạn đọc này viết: “Tôi hoan nghênh tinh thần giao lưu, vui chơi tạo không khí của giới trẻ. Nhưng chính các bạn - những người trong cuộc - đã khiến mọi người phải suy nghĩ. Thiếu gì trò để chơi, để giao lưu, sao cứ phải tổ chức những trò liên quan đến vùng nhạy cảm của con người. Khi bị phản ánh thì lại bảo mọi người bảo thủ, cực đoan...”.

Gay gắt hơn, bạn đọc Công Thương viết: “Thuần phong mỹ tục Á Đông ở chỗ nào khi cô gái Việt mình ưỡn ngực tươi cười cho bạn nam bú... bia. Các đấng mày râu nghĩ sao khi mình quỳ gối để làm chuyện ấy trước mặt bao nhiêu người? Thật hết biết!”.

Còn ở những người ủng hộ, bạn đọc David Nguyễn viết: “Bản thân trò chơi không xấu, xấu là do những suy nghĩ lệch lạc, bóp méo ý nghĩa đơn giản ban đầu”. Đồng tình với nhận định này, bạn đọc Bat 2135 tiếp lời: “Suy cho cùng đó cũng là một trò chơi dân gian thôi”.

Ở góc độ trung dung hơn, bạn đọc nick name NB cho rằng: “Đúng là những trò này không thể gọi là làm mất thuần phong mỹ tục, nhưng đôi lúc nhìn lại các trò như vậy cũng có chút nhíu mày. Tôi nghĩ trò chơi này diễn ra trong không gian nhỏ, nhóm bạn thân thì được, còn nếu tổ chức ở không gian lớn, nhiều người, hay quay clip lại rồi tung lên mạng thì không nên tổ chức với hình thức như vậy”.

Kiểm tra việc tổ chức thi bú bia

Ngày 3-1, ông Nguyễn Thanh Tịnh, phó chánh thanh tra Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP Đà Nẵng, cho biết thanh tra sở đã phối hợp phòng nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL Đà Nẵng) và phòng an ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an TP Đà Nẵng tổ chức kiểm tra, xác minh vụ việc “thi bú bia”. Qua kiểm tra, đại diện nhà hàng The Big Boss House (71 Thái Phiên, Q.Hải Châu, thuộc chi nhánh Công ty cổ phần Ông Chủ Lớn) đã thừa nhận có sự việc như báo phản ánh.

Theo ông Tịnh, thông qua buổi làm việc, thanh tra sở đã yêu cầu chủ cơ sở phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Ông Tịnh cũng cho biết hiện thanh tra sở vẫn chưa có kết luận cuối cùng vì đang chờ phía nhà hàng giải trình rõ ràng, chi tiết về vụ việc.

H.K.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung (giảng viên ĐH Nguyễn Tất Thành):

Cân nhắc trước khi chơi trò nhạy cảm

Rất dễ dàng nhận ra trò chơi bú bia mà nhà hàng tổ chức dành cho các đôi bạn trẻ đã cố tình mô phỏng một hành động nhạy cảm thường chỉ được thực hiện ở nơi riêng tư. Và thường những gì nhạy cảm, hoặc mang bóng dáng của sự nhạy cảm thì không nên diễn ra ở khu vực công cộng và có nhiều người theo dõi, thậm chí ghi hình.

Về phần các bạn trẻ khi được mời lên sân khấu tham gia các trò chơi, nhất là các bạn gái, khi biết “thể lệ” chơi, nếu cảm thấy không thật sự thoải mái, các bạn có thể từ chối vì bạn luôn có quyền lựa chọn chơi hay không. Có hai cách từ chối mà các bạn có thể tham khảo nếu gặp tình huống tương tự: khéo léo yêu cầu người quản trò tổ chức trò chơi khác đảm bảo không làm người chơi, người xem mắc cỡ, ngại ngùng, hoặc quyết liệt từ chối tham gia và quay về chỗ ngồi. Cần tránh suy nghĩ “đâm lao thì phải theo lao” trong khi chiếc lao ấy rất có thể sẽ phóng ngược về phía bạn.

Khi tham gia một hoạt động nào đó ở chốn công cộng, dù chỉ là một trò chơi, bạn cũng cần dành ít thời gian cân nhắc đến cảm xúc của chính mình và nhất là hành động mình sắp làm có gây ra những ấn tượng nào đó chưa thật đẹp. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, khi những hình ảnh “vui chơi nhạy cảm” ấy lan truyền đến bạn bè, đồng nghiệp, người thân... của bạn thì có thể sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến hình ảnh hay tinh thần của bạn.

Quan trọng hơn việc đánh giá trò chơi bú bia là phản cảm, trái thuần phong mỹ tục là việc định hướng cho giới trẻ đâu là giới hạn mà họ không nên bước qua. Sự cởi mở, thay đổi để hội nhập cần dựa trên những giá trị nhất định. Góc nhìn của mỗi thế hệ về thuần phong mỹ tục thường khác nhau, điều quan trọng là cần có sự liên thông, thấu hiểu để tránh quá thiên về phán xét mà lơ là phần định hướng, sẻ chia.

TRUNG UYÊN ghi

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên