Sau lũ, đường đến trường xa lắmXuân ấm trên những vùng đất khó"Áo tết tặng bạn" đến với 600 HS vùng biên giới Hà Tĩnh
Phóng to |
Ngôi nhà xiêu vẹo của bà Cao Thị Luyên sau lũ - Ảnh: Quốc Nam |
Phóng to |
Hai tháng qua, đôi dép sờn của bà ngoại đã giúp em Hoàng Thị Diễm Hương, lớp 4A Trường tiểu học số 2 Phúc Trạch, đến trường - Ảnh: Quốc Nam |
Dép của em Hương đã bị lũ cuốn trôi cùng với áo quần. Em cũng chỉ còn duy nhất bộ áo quần đi học mặc trên người.
Tay trắng, chân đất đến trường
Chiếc áo ấm Hương đang mặc rộng thùng thình. Em nhoẻn cười bảo tại áo người ta cứu trợ sau cơn lũ nên không thể vừa vặn được. Còn dép thì sau lũ cũng có người về cho trường này mấy chục đôi, nhưng chỉ toàn dành cho học sinh lớp 1, lớp 2. Các thầy cô thương em cũng định dành cho em một đôi, nhưng em thử hoài chẳng có đôi nào đủ rộng để đi.
Hương đang sống cùng ông bà ngoại đều đã trên 70 tuổi, trong ngôi nhà che tạm bằng gỗ tạp ở thôn Thanh Sen 1. Ba mẹ bỏ nhau khi em mới 3 tuổi, sau đó hai người đã có gia đình mới nên chẳng mấy khi về thăm em.
Ông bà ngoại già, không nghề nghiệp nên chỉ có thể lo cho em bữa cơm bữa cháo qua ngày, cùng chi phí học hành lấy từ tiền hỗ trợ người cao tuổi được khoảng 200.000 đồng mỗi tháng. Đợt lũ giữa tháng 10 vừa rồi, ngôi nhà ọp ẹp của ông bà bị ngập tới nóc.
Ông bà và cả Hương được lực lượng cứu hộ đến đưa đi lánh nạn, khi lũ rút trở về thì chỉ còn ngôi nhà trống không. Lục tìm trong đống bùn lầy mãi mới được hai đôi dép, một đôi của ông, một đôi của bà. Mấy ngày đầu trở lại trường sau lũ Hương đi chân đất. Thương cháu, bà ngoại nhường cho Hương đôi dép của mình.
Bù lại Hương học rất giỏi. Thầy Nguyễn Định Hướng, hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Phúc Trạch, luôn tự hào về em: “Mấy bữa nay em Hương đang chuẩn bị đại diện trường đi thi hùng biện tiếng Anh. Tuy hoàn cảnh éo le nhưng em học giỏi và ngoan lắm”.
Thầy Hướng cho biết đợt lũ vừa qua nhấn chìm toàn bộ vùng Bàu Sen. 100% nhà của gia đình học sinh trong trường đều chìm trong lũ. Trong khi đó vùng này có đến 75% hộ nghèo. Ngày trở lại học sau lũ có đến 40 em học sinh tới trường tay trắng, chân đất, quần cộc.
Các em đến nhưng ngại không dám vào trường. Thầy cô phải chạy theo động viên các em mới chịu đi học trở lại, dù chỉ đến ngồi nghe giảng. “Xót lắm. Nhưng thầy cô ở trường cũng không hơn gì, đồ đạc nhà cửa phần trôi phần ướt nên không trợ giúp được nhiều cho các em. Thầy cô chỉ biết động viên các em tiếp tục tới lớp học chữ” - thầy Hướng tâm sự.
Tết quá xa vời...
Cao Quảng là một trong ba xã khó khăn nhất của huyện miền núi Tuyên Hóa. Xã nằm giữa thung lũng, bao quanh là những ngọn núi đá dựng đứng và gần bên con sông Nan hung dữ chảy từ huyện Minh Hóa về xuôi. Bão lũ đi qua cuốn theo rất nhiều thứ của người dân nơi đây, trong đó có cả mong ước đến trường của nhiều học sinh.
Bà Cao Thị Luyên, thôn Tiến Mại, mẹ của ba đứa trẻ mà đứa lớn nhất mới học lớp 6, đứa nhỏ nhất lớp 1. Chồng mất năm năm nay nên một tay bà phải chạy vạy bóc vỏ tràm thuê để nuôi ba con ăn học.
Nhà bà nằm cách sông Nan chưa đầy trăm mét. Tưởng cơn bão số 10 đã “tha” cho mấy mẹ con, nhưng cơn lũ sau đó thì không. Ngôi nhà gỗ bị lũ xô nghiêng ngả. Lũ cuốn luôn mấy miếng gỗ tạp làm tường nhà và cửa chính. Mấy mẹ con phải dắt díu nhau chạy ra ủy ban xã trốn.
Nhà bà bây giờ không còn cửa, tường nửa gian dưới được che bằng gỗ tạp, còn gian trên - là chỗ ngủ, học của ba chị em - thì không có gỗ nên bà đành che tạm bằng tấm màn. Bà Luyên kể lâu ngày tấm màn bị rách lỗ chỗ, gió rét tạt vào nên mấy chị em đêm xuống phải kéo màn muỗi xuống ghép chung với tấm mền đắp cho đỡ rét.
Bà kể thấy gia đình khó khăn, mẹ lại đang bị đau lưng chỉ làm được việc nhẹ, em Nguyễn Thị Hồng, con gái đầu của bà, đòi bỏ học để giảm gánh nặng cho mẹ nhưng bà quyết không cho. “Tôi nói với con: mẹ không có tiền thì mẹ đi mượn cho con đi học. Chứ con bỏ học rồi mấy em bỏ theo thì đời con cũng khổ như mẹ thôi” - bà kể.
Cô giáo Mai Thị Nga, hiệu phó Trường tiểu học Cao Quảng, nói trường có 190 học sinh thì đến hơn 50% là con hộ nghèo. “Đầu tháng 10, bão số 10 ập đến lột đi hàng trăm mái nhà, đến giữa tháng 10 cơn lũ dữ lại quét qua vùng này thêm lần nữa. Xã đã nghèo lại càng nghèo thêm. Người dân ở đây hiện lo chuyện kiếm cái ăn đã khó chứ đừng nói lo tết cho con trẻ” - cô Nga buồn bã.
Ông Đoàn Đức Liêm, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, nói lụt bão đã lấy đi của học sinh Quảng Bình quá nhiều. Đến nay dù được nhiều tổ chức đơn vị trợ giúp nhưng hàng chục ngàn học sinh vẫn phải đi học tạm bợ bằng những quyển sách, quyển vở và những bộ quần áo được cứu trợ. “Ở nông thôn, bố mẹ các em phải lo cho các em cái ăn cái mặc rồi mới đến con chữ. Niềm vui tết đối với các em năm nay là điều quá xa vời” - ông Liêm chia sẻ
Chương trình “Áo tết tặng bạn” 2014 dự kiến tổ chức các chuyến trao quà tết đến các em học sinh và giáo viên tại các tỉnh vùng lũ, biên giới còn nhiều khó khăn từ ngày 5 đến 15-1-2014. Mọi đóng góp mời gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ trên toàn quốc. Hoặc ban công tác xã hội, ĐT: 08.39973838, email: congtacxahoi@tuoitre.com.vn. Bạn đọc ở xa tham gia chương trình xin chuyển khoản về chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ. - Tài khoản tiền Việt: 102010000118248 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. - Tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM. - Tài khoản euro: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM. SWIFT CODE: BFTVVNVX007 Ghi rõ nội dung: Ủng hộ chương trình “Áo tết tặng bạn” 2014. Xin trân trọng cảm ơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận