03/12/2013 02:15 GMT+7

Bạn đọc phản ứng nhanh như nhà báo

Đ.QUYÊN
Đ.QUYÊN

TT - Trong năm bạn đọc được trân trọng trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 10-2013, có hai bạn đọc dù không là nhà báo nhưng đã có tác phẩm báo chí được tác nghiệp như nhà báo chuyên nghiệp khi phản ứng rất nhanh với sự kiện.

POCQdBNu.jpgPhóng to
Ông Phạm Quang Nhật - Ảnh: nhân vật cung cấp

Đó là tác giả của những hình ảnh, ghi chép từ ngay hiện trường vụ máy bay rơi tại Lào trong tháng 10-2013: ông Phạm Quang Nhật, và tác giả của “Clip chen lấn giành quà hỗn loạn” diễn ra ở Q.7, TP.HCM: cô sinh viên Trần Thị Kim Anh.

Nuôi dưỡng đam mê làm báo

Clip chen lấn giành quà hỗn loạn” đăng trên Tuổi Trẻ online (TTO) ngày 31-10 đã tạo nên luồng dư luận đầy bức xúc trong bạn đọc với cảm giác giận, buồn... cho hình ảnh xấu xí của một số người Việt trẻ. Từ luồng dư luận này, mục Cà phê chủ nhật của Tuổi Trẻ đã có bài “Không thể thua thằng hàng xóm”, phân tích về cội nguồn của sự tranh giành “miếng giữa làng” như một lời cảnh báo nhắc nhau đừng làm những hành động đáng xấu hổ như thế nữa.

Cô sinh viên Trần Thị Kim Anh cho biết: “Là một tình nguyện viên trong chương trình “Triển lãm quốc tế thương hiệu và ngành bán lẻ 2013” diễn ra tại Trung tâm triển lãm SECC quận 7, em đã chứng kiến cảnh chen lấn nhau này nên cảm thấy rất buồn và xấu hổ trước những người bạn Hàn Quốc. Ban đầu em chỉ định quay clip để các bạn trong trường xem. Nhưng khi về đến nhà, em lại muốn chia sẻ nỗi buồn với Tuổi Trẻ với mong muốn mọi người có ý thức hơn, xây dựng hình ảnh người VN đẹp hơn trong mắt người nước ngoài”.

“Từ trước đến nay em chỉ xem báo Tuổi Trẻ, nên buồn vui gì cũng chia sẻ với Tuổi Trẻ” - Kim Anh tâm sự. Từ năm 2009 khi còn là học sinh lớp 10, Kim Anh đã có bài đăng trong mục Thời sự suy nghĩ - vốn là mục rất kén chọn người viết - trên báo Tuổi Trẻ (bài “Người lớn ơi hãy vì mai sau”, Tuổi Trẻ ngày 16-4-2009). “Giờ đây em đã có một bộ sưu tập các bài viết của mình trên tờ báo yêu thích. Em dự định sẽ học tiếp văn bằng 2 khoa báo chí truyền thông và mong muốn sau khi ra trường sẽ được làm việc trong môi trường báo chí như Tuổi Trẻ. Và việc gửi bài, chụp hình, quay clip hiện nay của em chính là để nuôi dưỡng niềm đam mê làm báo của mình” - Kim Anh cho biết.

o5H3MWnT.jpgPhóng to
Sinh viên Trần Thị Kim Anh - Ảnh: Gia Tiên
hFkSBf9k.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Trọng Thắng - Ảnh: T.Phùng

Tác nghiệp như nhà báo

Là một chuyên viên giáo dục đang công tác tại Lào, song ông Phạm Quang Nhật đã tác nghiệp như một phóng viên thực thụ trong vụ tai nạn máy bay rơi tại Lào tháng 10 vừa qua. Những hình ảnh, bài viết của ông về “Thời khắc máy bay rơi qua lời kể của nhân chứng người Việt” và “Hiện trường cứu hộ máy bay rơi tại Lào” đã góp phần làm cho loạt bài về tai nạn thảm khốc này trên Tuổi Trẻ thêm phong phú và sống động.

Ông Nhật kể khi chứng kiến máy bay rơi, ông đã lao vào cùng bà con Việt kiều và nhân viên công vụ cứu hộ người bị nạn cũng như tìm hiểu xem có người Việt nào trên máy bay xấu số đó không. “Sau buổi tham gia cứu hộ, tối về thay vì ngủ một giấc để đỡ mệt, tôi gửi mail đến Tuổi Trẻ để báo tin, những mong Tuổi Trẻ sẽ bắc nhịp cầu cho gia đình các nạn nhân người Việt có thể biết và liên hệ trực tiếp với tôi để nắm tình hình vụ tai nạn cũng như tìm người thân” - ông Nhật tâm sự.

Khi báo Tuổi Trẻ liên hệ và “đặt hàng” các thông tin nóng nhất của vụ tai nạn, ông Nhật đã vượt 12km đường sông từ Paksé để đến hiện trường máy bay rơi tác nghiệp như một phóng viên thực thụ: chụp hình, ghi lại những hình ảnh xúc động nhất, chân thực nhất rồi mau chóng gửi về Tuổi Trẻ. Qua đợt tác nghiệp ấy, ông Nhật thành thật chia sẻ: “Tôi nghĩ làm báo hay bất kỳ công việc gì, nếu mình làm bằng tấm lòng chân thực sẽ trở nên rất ý nghĩa, hạnh phúc và chắc chắn mọi người sẽ ghi nhận. Tôi sẽ tiếp tục cộng tác với báo Tuổi Trẻ và mong Tuổi Trẻ mãi là cầu nối của quê hương với bà con Việt kiều xa xứ”.

Báo tin để giúp người

Giải thưởng tháng 10 cũng trân trọng trao đến hai bạn đọc báo tin đường dây nóng về “Học sinh lớp 1 kiểm tra giữa kỳ như thi đại học” (Tuổi Trẻ ngày 24-10), “Bị đề xuất thôi việc, một giáo viên tự tử” (Tuổi Trẻ ngày 3-10), và bạn đọc đã gửi hình ảnh về “Hai tô phở giá 256.000 đồng” (TTO ngày 25-10).

Cho biết mình là người đều đặn đọc báo Tuổi Trẻ đến nay đã hơn 20 năm, ông Trương Tứ Quý (ở Trà Vinh, người báo tin giáo viên tự tử) cho biết: “Khi bắt gặp những nỗi oan của người dân, những mảnh đời khốn khổ, tôi thông tin ngay cho đường dây nóng báo Tuổi Trẻ. Khi báo tin xong, tôi luôn cảm thấy yên tâm bởi chắc chắn sẽ có phóng viên xuống xác minh vụ việc. Tôi xem mình như người cùng làm báo với Tuổi Trẻ và việc báo tin này cũng là cách giúp đỡ người khác”.

Ông Nguyễn Trọng Thắng (Hà Nội), người đã chụp hình phiếu tính tiền hai tô phở ở sân bay Tân Sơn Nhất với giá quá mắc và cung cấp thông tin về TTO, cũng bày tỏ: “Tôi gửi thông tin đến Tuổi Trẻ vì thấy Tuổi Trẻ là tờ báo có những thông tin gần gũi với đời sống, thân thiện với bạn đọc. Mặt khác việc chặt chém ở sân bay Nội Bài cũng được báo chí đưa nhiều. Còn ở TP.HCM đưa ít hơn nên khi thấy sự việc, tôi gửi thông tin tới báo với mong muốn phản ánh cho hành khách biết thêm khi đến Tân Sơn Nhất”.

S.BÌNH - T.PHÙNG

Đ.QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên