Thời gian gần đây, khi báo Tuổi Trẻ liên tiếp đăng những bài viết về tình trạng các di tích lịch sử VN đang bị đe dọa (ngày 23 đến 28-3; 4, 6, 9, 10-4), tôi đã bức xúc và suy ngẫm rất nhiều. Hôm nay, tôi - một học sinh lớp 10 - thiết nghĩ cần phải viết đôi lời để cho người lớn (đặc biệt là những người đã gây ra những việc như vậy) thấu hiểu nỗi thống khổ của học sinh VN - một bộ phận quan trọng mà Bác Hồ kính yêu và cả xã hội VN đang mong chờ vào công lao học tập của chúng tôi.
Tôi còn nhớ như in những tiết học công nghệ, địa lý... thầy cô vẫn bảo chúng tôi rằng: “Cần có một lòng tự hào dân tộc chính đáng”. Vâng! Không tự hào sao được khi một đất nước “nhỏ bé” với những con người “bé nhỏ” nhưng đã làm nên bao trang sử hào hùng, lẫm liệt. Thế nhưng, lịch sử cũng chỉ là những trang giấy trôi bềnh bồng theo năm tháng. Phải làm sao đây khi học sinh VN học sử VN lại không có cơ hội (hoặc ít) để nhìn và lĩnh hội những công trình kiến trúc, những chiến địa một thời “sấm vang chớp giật” của ông cha ta bởi những cơ quan mỗi ngày càng làm nó rơi vào quên lãng, cứ trùng tu một cách “vô tình nhưng cố ý”.
Ôi! Lòng đau biết bao khi nghe câu nói của vị giám đốc Sở VH-TT&DL Long An thốt ra khi được hỏi về việc đập bỏ di tích... vì làm mất mỹ quan đô thị: Sẽ khôi phục nhưng chưa có tiền.
Nhưng khôi phục rồi sẽ ra sao? Những “tân di tích” này liệu còn là chứng nhân những giọt mồ hôi và xương máu bao người? Có ai từng đặt câu hỏi như vậy khi quyết định đập bỏ di tích không? Tự ngẫm tôi thấy hổ thẹn với tổ tiên quá. Tôi nhớ câu chuyện về thái phó Tô Hiến Thành - dù tiên vương mất nhưng vẫn một lòng thờ ấu chúa, không đổi dạ trước những cám dỗ của gian thần: “Nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng... Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm”.
Khi nghe thầy sử giảng về những sự kiện lịch sử, tôi không khỏi liên tưởng tới từng viên gạch cổ đang bị đập bỏ bởi những nhát búa vô tình. Giọt nước mắt như chảy ngược vào tim khi 16 năm qua tôi chưa có đủ điều kiện để đi nhiều và tôi luôn có tâm niệm khi nào làm ra đồng tiền, tôi sẽ đi đến những nơi ghi dấu lịch sử cha ông. Thế nhưng, giờ đây một dấu chấm hỏi to tướng như đè nặng trong tôi, rằng đến lúc tôi có thu nhập thì các di tích có còn cho tôi đến thăm không? Hơi viển vông, nhưng thực tại đã cho chúng ta thấy 50% câu trả lời.
Thật hùng hồn khi người lớn luôn miệng nói rằng: “Thế hệ trẻ hôm nay phải học cho ngày mai”. Theo cách mà tôi từng trải, học là phải nhồi nhét vào đầu những kiến thức (lý thuyết là chính) hết sức vĩ đại. Tại sao họ không ra sức giữ gìn những công trình ấy, để sau giờ học giáo viên và học sinh có những buổi ngoại khóa thú vị mà trực quan, thực tế. Đâu cần phải lao vào lợi ích cá nhân, vì “có tiền cho con học trung tâm tiếng Anh này, ngoại ngữ kia” mà làm những việc chạm đến người xưa và cả người nay như vậy.
Những câu chữ của đứa học trò lớp 10 có lẽ không sâu sắc bằng các cô chú nhà báo nhưng đây là suy nghĩ thật của tôi. Tôi không mong gì hơn là mọi người hãy ra sức bảo vệ, lên án gay gắt những việc trùng tu mà không giữ được hồn di tích. Có lẽ gọi hai tiếng “người lớn” thì không chính xác bởi nó quá khái quát mà việc này thì chỉ có một vài bộ phận gây nên, nhưng tôi muốn những người đã, đang và có ý định hủy hoại các công trình lịch sử hãy tự suy ngẫm.
Hai tiếng “người lớn” là vì tôi cũng một phần “tha thứ” cho những người đã làm sai, và mong họ khắc phục, vì tôi muốn mọi người hiểu rằng chúng ta có khả năng nhận thức và tác động đến nhau. Mong muốn cuối cùng của tôi trong bài viết này là “người lớn hãy vì mai sau!”.
Tin, bài liên quan:
Bài 1: Dân thôn “tô tượng” phá đền chùa! Bài 2: Cổ vật - cá rán hớ hênh trước miệng mèo gian Bài 3: Trùng tu: trăm tuổi thành... một tuổi! Bài 4: Tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích Bài cuối: "Sai sót xảy ra là điều đáng tiếc"Phóng sự ảnh: Báo động từ di tích!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận