18/11/2013 15:28 GMT+7

Dân thiệt hại bao nhiêu, thủy điện phải bồi thường bấy nhiêu

Võ Thái Nguyên
Võ Thái Nguyên

TTO - Người dân thiệt hại bao nhiêu thì chủ đầu tư thủy điện phải đền bù bấy nhiêu. Kinh doanh thu lợi nhuận mà hà cớ gì khi gây thiệt hại cho người dân lại không chịu đền bù? Nhiều bạn đọc đã đặt vấn đề như vậy.

Trắng tay sau lũĐến 6g sáng 18-11, đã có 31 người chết do lũ lụtThủy điện không thể vô can15 thủy điện miền Trung xả tràn

5PHXWqxk.jpgPhóng to
Ngày 15-11, nước lũ dâng gần ngập cầu Sông Ba qua thị xã An Khê (Gia Lai) - Ảnh: Lê Trang

TTO xin trích đăng một số ý kiến:

Phải đền bù thiệt hại cho dân

Người dân bị thiệt hại bao nhiêu thì chủ đầu tư thủy điện đền bù bấy nhiêu. Họ kinh doanh thu lợi nhuận mà hà cớ gì khi gây thiệt hại cho dân lại không chịu đền bù. Khi hỏi tới ông nào cũng đứng ra nói xả đúng quy trình, có thông báo trước. Nhà cửa, hoa màu... chúng tôi bê đi được sao?

Chí Thái

Cứ lũ là đổ lỗi cho... ông trời!

Tôi ở huyện Tây Sơn, Bình Định. Trong mấy ngày qua đài truyền thanh có thông báo tình hình lũ lụt rất nhiều lần nhưng tuyệt nhiên không hề nghe một thông tin gì về thủy điện xả lũ cả. Toàn là do áp thấp nhiệt đới rồi tình hình thời tiết diễn biến thất thường. Vậy trong mấy ngày vừa qua lượng mưa trên toàn tỉnh là bao nhiêu? Với lượng mưa đó thì nước ở đâu ra mà gây ngập nặng nề như vậy?

Xả đúng quy trình chưa?

Không phải quan trọng là việc báo trước, mà quan trọng là quản lý phải theo khoa học. Việc xả lũ phải theo quy định nghiêm ngặt, khi thấy có dự báo mưa bão phải xả dần trước chứ để gần vỡ đập mới xả làm sao vùng hạ lưu sống nổi?

Lam967@...

Tai họa thủy điện

Thủy điện mọc lên chỉ thấy nhiều tai họa như xả lũ bừa bãi gây hư hỏng nhà cửa, thiệt hại mùa màng, làm trôi gia súc, đất đai canh tác của nông dân... để rồi người dân phải ngậm đắng nuốt cay, ấm ức trong lòng vì những vấn đề thủy điện gây ra.

datpham03@...

Phải quy trách nhiệm

Việc xả lũ phải thông báo đến tận người dân biết để tránh thiệt hại về người và tài sản. Theo tôi, UBND tỉnh phải giám sát chặt chẽ việc điều tiết nước vào mùa khô phục vụ nông nghiệp và xả lũ vào mùa mưa. Nên chăng cần huy động mọi phương tiện thông tin đại chúng, kể cả báo chí, các trang web thông báo cho người dân biết để phòng tránh. Sau cùng là trách nhiệm của giám đốc điều hành các thủy điện, chính quyền địa phương, cơ quan phòng chống lụt bão các cấp. Trong thời đại công nghệ thông tin mà các cơ quan chuyên trách không sử dụng phương tiện hiện đại để truyền thông đến người dân thì họ phải chịu trách nhiệm khi sự cố xảy ra.

Bạn đọc

Đừng tại anh, tại ả

Vấn đề không phải chỉ thông báo xả rồi xả mà là việc điều hành tích nước như thế nào vào đầu mùa mưa. Không thể theo quy trình là đến tháng đó thì phải tích chừng đó nước, mà phải theo dõi diễn biến mưa ở thượng nguồn trong lưu vực hồ hằng ngày để xả lũ sớm, chứ lo tích cho đầy hồ rồi mới xả là đại họa khủng khiếp cho hạ du. Lúc này phải chú ý đến lưu tốc kinh khủng chứ không phải chỉ lưu lượng là đủ. Cần phải nghĩ đến tính mạng và tài sản dân vùng hạ du chứ khi xảy ra rồi nói quanh co, tại anh tại ả, chỉ có dân là gánh chịu thôi. Giá điện tăng dân cũng gánh, xả lũ dân cũng gánh!

pvhaudng@...

Phải quy định cụ thể

Nhà nước phải quy định rõ quy trình xả nước hồ thủy điện; trong đó phải quy định việc các chủ thủy điện phải thông báo cho người dân vùng hạ lưu trước 4 ngày khi xả nước; việc xả nước phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại, gồm có các mục sau: mức nước xả, các biện pháp ứng cứu khi ngập lụt xảy ra - đặc biệt xả nước phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn và đại diện nhân dân vùng hạ lưu.

Hoàng Ngọc Sơn

Chỉ rõ mặt!

Nói vì nông dân, vì các miền quê yên ả, mà sao chúng ta cứ làm xáo trộn các làng quê thế này? Đất đai là "cần câu" của nhà nông thì cứ lấy bừa đất làm công nghiệp rồi bỏ hoang cả chục năm. Vậy là nhấc cái "cần câu" của cô bác ta rồi. Giờ mở bừa thủy điện gây lũ lụt kinh khủng thì người quê càng khốn khổ. Chả hiểu vì làm điện mà ngập lụt, tan hoang, nhà cửa đường sá tơi bời mười năm chưa chắc khắc phục xong thì cái thu từ thủy điện có bù nổi không? Phải chỉ rõ mặt, gọi rõ tên những thủy điện đang tàn phá, làm khổ người dân quê!

doquangdan@...

Hậu quả của thủy điện

Tại sao khắp cả nước làm dự án nhà máy thủy điện mà không nghĩ đến hậu quả của việc làm nhà máy thủy điện. Tuy rằng nhà máy thủy điện cung cấp điện cho dân sử dụng nhưng hậu quả của việc xả lũ là rất nặng nề. Nước ta là nước nhiệt đới quanh năm nắng và gió, sao chúng ta không nghĩ đến việc dùng năng lượng hiện có là nắng và gió để cung cấp điện cho bà con? Tuy giá thành cao nhưng mang lại hiệu quả và bảo vệ môi trường. Rất mong Chính phủ và chính quyền các cấp khi duyệt 1 dự án nhà máy thủy điện nào đó nên suy nghĩ và so sánh lợi và hại của dự án đem lại.

Bạn đọc

TTO

Võ Thái Nguyên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên