09/10/2013 13:11 GMT+7

Phương pháp của GS.TS Nguyễn Thiện Thành đã cứu sống tôi

GS.TS. Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN NAM
GS.TS. Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN NAM

TTO - Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp cấy Filatov và truyền huyết thanh Bogomolet, cứu sống hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, người dân trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

1t6UkH7a.jpgPhóng to
Ông Lê Hoàng Quân - chủ tịch UBND TP.HCM (bìa trái) đến thăm và chúc mừng GS.TS Nguyễn Thiện Thành nhân Ngày nhà giáo Việt Nam năm 2009 - Ảnh: H.HG

GS.TS Nguyễn Thiện Thành qua đờiCuộc đời thầy Nguyễn Thiện Thành là những cuốn sách quý

Tôi biết bác sĩ Nguyễn Thiện Thành từ những năm tháng ông trực tiếp tham gia cứu chữa, điều trị cho nhiều cán bộ, chiến sĩ, người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Vì năm 1949, tôi đã chính thức nhập ngũ vào quân đội, công tác tại Tổ quân nhạc Khu 8 trực thuộc Phòng chính trị Bộ tư lệnh Khu 8. Về sau, tôi chuyển sang công tác tại Đoàn văn công Mặt trận Đồng Tháp Mười.

Đầu năm 1950, trên đường đi công tác ở Trà Vinh, không may gặp địch càn quét, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành giặc bị bắt.

Ngày “trao đổi tù binh”, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được Pháp phóng thích sau khi quân ta thả đại tá bác sĩ Quân y Duris.

Hôm đó tôi, nhạc sĩ Hoàng Việt, NSND Quang Hải cùng một số anh em nhạc công ở Tổ quân nhạc khu 8… xúc động, vui mừng, đánh nhạc chào đón ông được trả tự do về với đồng đội.

Buổi lễ “đón nhận” ngày hôm ấy diễn ra tại chợ Thiên Hộ - Chiến khu Đồng Tháp Mười, có Trung tướng Nguyễn Bình đến dự rất long trọng. Đó là lần đầu tiên, tôi được tiếp xúc với bác sĩ Nguyễn Thiện Thành.

Thời gian này, tôi bị bệnh tật hành hạ, phần do thể trạng yếu ớt, phần do những ngày tháng tham gia kháng chiến, sống trong thiếu thốn, đói khát, vô vàn khó khăn. Những cơn đau dạ dày ác nghiệt cùng với chứng bệnh đường ruột rất nặng dường như muốn cướp đi mạng sống của tôi. Phương pháp cấy nhau theo học thuyết Filatov của bác sĩ Nguyễn Thiện Thành ra đời, rất hiệu quả đã cứu sống tôi.

Niềm tin từ phương pháp Filavtov vào những năm kháng chiến chống Pháp lan rộng trong đời sống y học Việt Nam. Chiến tranh thiếu thốn muôn phần, thuốc men khan hiếm, đặc biệt là ở những nông thôn Nam bộ.

Trên thân thể tôi, từ vai đến hai cánh tay và bụng đều cấy đầy nhau khô theo phương pháp Filavtov. Với niềm tin tuyệt đối, mãnh liệt, tôi tin phương pháp ấy như một loại thuốc đặc trị để cứu lấy mạng sống tôi.

Cho đến năm 1954, tôi tập kết ra Bắc về đơn vị C10, D35 của sư đoàn 338. Tôi được đơn vị cho đi điều trị ở Quân y viện K32 và sau đó chuyển về mổ đến ba lần ở Quân y viện 108 tại Hà Nội.

Sau này, khi đất nước giải phóng, tôi gặp lại bác sĩ Nguyễn Thiện Thành tại nhà anh Bảy Luân - người bạn thân. (Bảy Luân lúc đó là giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24). Ngồi cùng chung mâm cơm, tôi có cơ hội trao đổi với vị bác sĩ khả kính nhiều điều bổ ích.

Ngược lại, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành chuyện trò với tôi không phải cương vị của người thầy thuốc mà là một vị bác sĩ rất yêu âm nhạc.

Ông rất thích tiếng đàn violoncello, một nhạc cụ dây trầm, tiếng đàn ấm gần giống tiếng hát giọng nam trung. Ông bảo với tôi là đang tìm kiếm tác phẩm viết cho nhạc cụ violoncello để nghe.

Tôi có giới thiệu với ông tác phẩm “Biển đêm”, tôi viết độc tấu có phần đệm piano cho đàn violoncello, do giáo sư Hoàng Dương biểu diễn, đã công diễn nhiều nơi.

Nghe tin bác sĩ Nguyễn Thiện Thành ra về cõi vĩnh hằng, tôi vô cùng xúc động.

Một vị bác sĩ có tâm lớn, một nhà khoa học tài năng có những cống hiến rất lớn cho nền y học nước nhà, đặc biệt là quân dân miền Nam trong thời kỳ kháng chiến đã ra đi mãi mãi.

GS.TS. Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên