Phản hồi bài Bảng tương tác vào trường học, phụ huynh lại tốn tiền
Phóng to |
Cô trò lớp lá Trường mầm non Vàng Anh Q.5, TP.HCM làm quen với bảng tương tác thông minh - Ảnh tư liệu |
Bảng tương tác vào trường học, phụ huynh lại tốn tiền
Tính khoa học, hiệu quả của thiết bị này mới là vấn đề chính yếu, quan trọng nhất chứ không phải tiền. Mặc dù tiền có thể là vấn đề khó khăn hiện ra ngay tức thì, ngay trước mắt khi câu chuyện về bảng tương tác được đặt ra.
Một khi người ta chứng minh thuyết phục rằng bảng này có tác dụng tích cực đến học sinh như là một phần không thể thiếu, nếu thiếu nó sẽ gây tác hại nghiêm trọng, thiệt thòi không đáng có cho học sinh trong giáo dục hiện đại thì chắc chắn nhà nước và xã hội sẽ biết cách xoay sở cho con em mình được sử dụng.
Ngược lại, nếu nó tốt nhưng không có cũng không sao thì liệu có nên mua?
Một vấn đề khác, cần xác định rõ đây là phương pháp bổ trợ hay thay thế. Nếu là bổ trợ thì cái được thêm so với chi phí phát sinh thêm có tỉ lệ thuận hay không (bài báo đã đăng ý kiến chuyên gia giáo dục là nó không phù hợp một cách rất xác đáng, mặc dù có thể còn ý kiến khác). Nếu là thay thế thì chi phí cho các thiết bị, phương pháp bị thay thế có giảm không, giảm như thế nào, giảm bao nhiêu hoặc tại sao không giảm.
Mặc khác, khi yêu cầu trang bị bảng tương tác, có vẻ người ta chỉ nhấn mạnh đến lợi ích của người học chứ chẳng mấy quan tâm đến người dạy và nhà quản lý (với thực tế hiện nay ở các trường) sẽ như thế nào với thiết bị này. Ở góc độ này, một hành động có vẻ nhân văn (giúp học sinh phát triển hơn) nhưng không đầy đủ vì vậy nó trở nên “thiếu” nhân văn.
Dường như, kỹ thuật marketing của nhà thương mại đã len lỏi vào cơ quan quản lý nhà nước khi mà người ta chỉ nói, (mang tính nhồi sọ người nhận thông tin?) về tính tốt, sự cần thiết của sản phẩm của mình mà né tránh hoặc gia giảm những tác động tiêu cực, vô bổ của sản phẩm làm hao tiền tốn của.
Thêm nữa là, cớ chi lại có cái sáng tạo này khi mà mục tiêu của nó là “phục vụ đề án “phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi”” khi mà “trong đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015” (của Bộ GD-ĐT), hay văn bản hướng dẫn về danh mục thiết bị dạy học trong trường mầm non (do Bộ GD-ĐT ban hành) không hề nhắc đến bảng tương tác”.
Phải chăng những người lập đề án hay soạn thảo danh mục kia lạc hậu, thiếu thông tin, không cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật?
Phải chăng chỉ có bảng tương tác như vậy, mới xứng tầm là môi trường giáo dục của một thành phố lớn nhất, hiện đại nhất nước, mới thể hiện vai trò, vị thế dẫn đầu của một thành phố dẫn đầu về nhiều mặt trong đó có giáo dục, là trung tâm giáo dục lớn nhất nước?
Phải chăng như vậy mới là biểu hiện sinh động của của một thành phố có truyền thống sáng tạo, đột phá trong nhiều giai đoạn phát triển?
Hay là điều gì khác?
Cả cách người ta chi tiền phân nửa, còn lại phân nửa thì bỏ tiền ra mua, (phân nửa này do nhiều người hùn lại, tuy mỗi người “chẳng bao nhiêu” nhưng cũng làm dấy lên cảm giác bất an, bức bối khi mà đối tượng (nhà trường) được đặt trong tình thế tâm lý khó cưỡng lại được, tự mình không muốn từ chối bởi lẽ đã được cho không phân nửa rồi còn gì, lại có ai ép buộc đâu).
Mặt khác, tính phục tùng, kỷ luật đặc trưng trong quan hệ nội tại của cơ quan “nhà nước” (giữa cơ quan với cơ quan, cơ quan với cá nhân, cá nhân với cá nhân) làm người ta khó lòng mà nói khác đi, làm khác đi.
Và khi mà nhà trường đã “muốn” thì phụ huynh cũng sẽ khó lòng mà nói khác đi, làm khác đi, phụ huynh cũng phải “muốn” theo nhưng chưa chắc thích.
Ép buộc nhưng không ép buộc, không ép buộc mà là ép buộc, là vậy.
Cũng nên nhắc lại rằng cái 50% chi tiền phân nửa ban đầu ấy cũng từ đóng góp của người dân.
Cũng sẽ có nhà trường, phụ huynh từ chối (vì nhiều lý do chứ không đơn thuần là nó không phù hợp). Nhưng tỉ lệ này là bao nhiêu? Chưa có số liệu tổng kết chính thức nhưng có thể lấy mẫu sau đây: Theo thống kê từ bài báo: quận Phú Nhuận đăng ký mua 28/42 bộ (67%), quận 7 đăng ký mua 23/44 bộ (52%), quận 3 chưa triển khai chứ không phải là không triển khai nên không tính.
Như vậy, nhà cung cấp sản phẩm chắc chắn chiếm trên 50% thị phần của phân khúc trường học ở TP.HCM. Cũng cần nói rõ, phần còn lại không mua không phải vì sẽ mua chỗ khác mà là không có nhu cầu. Ở góc độ kinh doanh, đây có thể nói là một kết quả thật ngoạn mục cho sản phẩm kén khách này. Chúc mừng cho nhà cung cấp nào thắng được gói thầu này.
Điều đáng sợ là liệu người ta có thực sự vì chuyện giáo dục trẻ con, hay chỉ vì một chiêu thức kinh doanh, mà không loại trừ có tiêu cực từ chiêu thức vận động hành lang. Nếu tiêu cực đó là có thật thì quá buồn, vì nó liên quan đến con nít. Thật vậy, nếu con nít là đối tượng của những sai trái nhắm đến làm đối tượng khai thác thì còn điều gì buồn hơn. Mong là nó không xảy ra và tôi đã sai.
* Tin bài liên quan:
Không nên thu những khoản ngoài quy địnhQuỹ hội phụ huynh là của ai?Thí điểm giám sát thu - chi tiền trường“Lớp học 5 sao”ở Nha TrangQuỹ hội phụ huynh: tìm tiếng nói chungLạm thu: trường “đá bóng” cho ban đại diện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận