Chống kẹt xe giờ tan học: chuyện không chỉ của nhà trườngĐón con gây ùn tắc sẽ bị phạt?
Phóng to |
Phụ huynh đón con tại Trường tiểu học Trần Quang Cơ, Q.10, TP.HCM phải tràn xuống lòng đường chờ tới lượt vào trường đón con - Ảnh: Như Hùng |
* Ông Lê Văn Thành(trưởng phòng nghiên cứu văn hóa - xã hội Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM):
Xử phạt là cứng nhắc
Theo tôi, nếu xử phạt những phụ huynh đón con trước cổng trường gây ùn tắc là quá cứng nhắc.
Việc phụ huynh đưa đón con đi học là một nếp của người dân TP, chưa thể khác đi trong vòng năm hay mười năm tới. Vận tải công cộng chưa phát triển đủ để học sinh đi học bằng xe công cộng (chẳng hạn như xe buýt), nhiều phụ huynh lại không yên tâm giao con cho xe đưa đón, hoặc không an tâm khi để các cháu ra ngoài xã hội mà không có cha mẹ bên cạnh.
Tuy nhiên, nhiều trường học hiện nay không có cơ sở đủ rộng để phụ huynh vào hết trong sân trường chờ con học xong. Vỉa hè cũng không đủ cho phụ huynh nên việc đứng ở lòng đường chờ con là chuyện chẳng đặng đừng. Các phụ huynh không ai cố tình làm vậy, cũng không ai có lợi lộc gì khi đứng dưới lòng đường đón con.
Tôi nghĩ chính quyền nên phối hợp cùng với nhà trường giải quyết chuyện ùn tắc trước cổng trường giờ tan học. Trước hết phải dẹp những hàng quán bán rong trước cổng trường để thêm chỗ đậu xe cho phụ huynh. Giờ tan học cần có bảo vệ của nhà trường hướng dẫn phụ huynh xếp và đậu xe lên lề đường, hoặc đứng sát phía trong, không làm cản trở giao thông. Chính quyền cần cử lực lượng dân quân hoặc tổ bảo vệ dân phố điều tiết giao thông, nhắc nhở người đi đường, trao đổi với những nhà bên cạnh trường để các phụ huynh được đậu xe ở vỉa hè trong thời điểm gần giờ tan học. Bên cạnh đó, nhà trường thông qua học sinh để nhắc nhở phụ huynh khi đến trường chờ đón con nên tìm một chỗ đậu xe an toàn, gọn gàng, không đứng dưới lòng đường.
* Ông Nguyễn Minh Hòa(trưởng khoa đô thị học Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM):
Không nên đổ lỗi cho dân
Các trường học trong nội thành chủ yếu được xây dựng từ trước những năm 1980, vào thời điểm đó không ai lường trước được xe máy gia tăng quá nhanh như hiện nay, và số người ở 14 quận nội thành tăng từ 2,7 triệu lên hơn 5 triệu. Điều đó đồng nghĩa với việc trẻ em đi học các cấp tăng lên. Trước hoàn cảnh lịch sử đó, chúng ta phải chấp nhận một hiện thực và tìm cách giảm bớt hệ quả. Việc phạt phụ huynh là điều không nên và không cần thiết về mọi phương diện: văn hóa ứng xử, kinh tế - xã hội và trật tự. Không ai đảm bảo phạt là sẽ làm cho tốt hơn, mà có thể gây phản ứng từ người dân. Nói cho cùng, lỗi này là từ những người của cơ quan công quyền, người làm quy hoạch (giao thông, không gian, kinh tế - xã hội) gây ra, bây giờ đổ lên đầu dân là không ổn.
Trước mắt có một vài việc nên làm:
- Những phụ huynh gần trường nên đi bộ đón con, không chạy xe máy. Các trường nên ưu tiên dành khoảng trống cho phụ huynh chờ đón con trong sân trường. Hầu hết trường nào cũng dành khoảng sân lớn trưng bày cây cảnh, làm thảm cỏ, thậm chí làm hồ nước, hòn non bộ rất lớn. Điều này có góp phần làm đẹp cho trường nhưng chiếm chỗ nhiều quá, nên thu xếp gọn lại bằng cách xếp theo tầng cao hay đưa vào các hành lang. Các trường nên thiết kế lại cổng trường cho rộng hơn nữa, có thể trổ thêm nhiều cổng sao cho vào giờ cao điểm việc thoát sao cho nhanh và dễ dàng hơn, đặc biệt những lúc mưa to.
- Những trường nằm sát ngay các giao lộ cần có bảng hướng dẫn phụ huynh biết được cách đi qua các con hẻm. Các trường nên có địa điểm cố định tập kết các lớp khi tan trường, có bảng ghi tên lớp với chữ to và màu sắc khác nhau dễ nhận biết để phụ huynh dễ tìm các cháu. Việc chạy nháo nhào do không tìm được nhau, nhất là lúc mưa to khiến tình cảnh thêm rối ren. Các trường cần tăng cường đội ngũ hướng dẫn, điều tiết giao thông trong nội bộ sao cho việc ùn ứ ở cổng trường giảm đi. Cuối cùng là các cảnh sát giao thông, nếu xuất hiện ở cổng các trường trong vai trò hỗ trợ giao thông thông thoáng thì tốt hơn là tìm cơ hội để phạt người dân trong lúc đón con dễ phạm các quy tắc giao thông như chạy lên vỉa hè, chạy ngược chiều ngắn...
Phối hợp tốt sẽ không ùn tắc Năm học trước, con trai tôi học tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trường này nằm trên phố Lò Đúc, một con phố hai chiều, rất nhỏ. Trường cũng không rộng và không có sân to để phụ huynh vào trường đón con. Là trường điểm nên số lượng học sinh rất đông, lại học chung, buổi sáng là khối THCS, buổi chiều là khối tiểu học, nhưng suốt ba năm (lớp 1, 2, 3) con học tại đây, tôi không thấy xảy ra tình trạng tắc đường bao giờ. Trước tiên, tôi phải cảm ơn nhà trường vì đã phối hợp rất tốt với chính quyền địa phương và công an khu vực để dẹp toàn bộ gánh bán hàng rong ở khu vực cổng trường nhằm không làm cản trở giao thông giờ các cháu tan học, để các cháu bé không mua và ăn những thứ quà vặt không rõ nguồn gốc gây nguy hiểm đến sức khỏe. Ngoài ra, nhà trường còn tạo được quan hệ rất tốt với những cửa hàng nằm dọc trên vỉa hè phố Lò Đúc để khi các cháu tan trường có thể đứng trước cửa tiệm bán đồ mà không bị trách mắng hay xua đuổi. Trường có năm cấp học đã chia thành năm giờ tan học khác nhau. Khối lớp 1 học ít nhất nên các cháu được bố trí ra sớm nhất, sau đó là các lớp 2, 3, 4, 5. Mỗi khối lớp chênh nhau từ 10-15 phút. Địa điểm trả các cháu được nhà trường “thỏa thuận” với các hộ kinh doanh ngay trên phố Lò Đúc. Tan học, cô giáo chủ nhiệm sẽ cầm bảng tên lớp và đưa các cháu của lớp mình ra địa điểm được thông báo trước (địa điểm này được cố định trước một cửa hàng, một gia đình nào đó nằm trên mặt phố) cho phụ huynh dễ nhận thấy. Khi lớp nào chuẩn bị ra sẽ có loa thông báo cho phụ huynh được biết. Ví dụ khối lớp 3 của con tôi có năm lớp thì năm lớp tan cùng giờ, nhưng các cháu đứng ở năm địa điểm khác nhau trên vỉa hè. Phụ huynh biết trước giờ và địa điểm đón con nên chỉ mất ít phút để chờ đón con xong là giải phóng được lòng đường và vỉa hè. Những cháu nào cha mẹ đến đón muộn thì cô giáo sẽ đứng chờ cùng học sinh khoảng 20 phút. Nếu cha mẹ vẫn không đến đón, cô sẽ đưa các cháu vào sân trường cho vui chơi. Khi nào cha mẹ đến đón thì loa của nhà trường sẽ gọi để cháu ra về. Điểm rất hay nữa là ngày nào cũng thế, chừng 16g15 các cháu tan học thì từ 16g các chú công an khu vực hoặc bảo vệ dân phố đã đến khu vực cổng trường để giữ gìn trật tự. Và từ 16g-17g các ôtô sẽ hạn chế qua đường này mà được hướng dẫn đi vòng qua đường Lê Ngọc Hân bên cạnh. Bởi vậy dù trường rất đông học sinh nhưng chưa bao giờ tình trạng ùn tắc xảy ra dù đường bé, sân trường chật chội. Năm nay con tôi không học ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân nữa, cháu đã chuyển vào TP.HCM theo học tại Trường Lê Trọng Tấn (Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), trường mới của con có sân rất rộng để phụ huynh gửi xe, và nhà tôi gần trường nên con đã tự đi học và tự về nhà. Nhưng hôm nay, đọc trên báo thấy thông tin phụ huynh đón con xảy ra kẹt xe thì nhà trường chịu trách nhiệm, tôi bỗng thấy nội thành Hà Nội nhỏ hơn TP.HCM rất nhiều và đường phố Hà Nội cũng nhỏ hơn đường phố TP.HCM nhưng có trường ở Hà Nội đã có giải pháp để chống tắc đường vào giờ đón con. Tôi nghĩ đây là kinh nghiệm mà các trường ở TP.HCM có thể tham khảo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận