30/08/2013 06:15 GMT+7

Họ có xứng đáng nhận lương khủng?

HỮU CHƠN (TP.HCM)
HỮU CHƠN (TP.HCM)

TT - Hơn 350 ý kiến phản hồi của bạn đọc đều bày tỏ sự bực xúc với mức lương quá cao của các lãnh đạo bốn công ty dịch vụ công ích (gọi tắt là doanh nghiệp công ích - DNCI) ở TP.HCM, đồng thời đề nghị phải làm rõ về việc trả lương này.

YZzThRZ0.jpgPhóng to

Đau lòng và bất bình

200.000 đồng và 2,6 tỉ đồng! Tôi đã có hai cảm xúc trái ngược nhau: đau thắt và bất bình khi đọc những thông tin về hai con số này trên báo Tuổi Trẻ ngày 27-8 (bài “Đi thi đại học với 200.000 đồng” và “Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM lãnh lương 2,6 tỉ đồng/năm”).

Tôi thử làm phép chia để thấy rằng trung bình một ngày lương của vị giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM là 7,123 triệu đồng (tính cả ngày nghỉ). Còn cô học trò Nguyễn Thị Hồng Ngân ở huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre, mỗi ngày ở TP.HCM để thi đại học chỉ dám tiêu chưa đầy 30.000 đồng (vì vẫn còn hơn 80.000 đồng mang về quê).

Tất nhiên em Ngân đáng thương được sự giúp đỡ của nhiều tấm lòng mới có kết quả “siêu tiết kiệm” như vậy. Song một lần nữa, mức sống cách biệt ấy khiến người ta không khỏi giật mình.

Tôi nhớ cách đây không lâu, báo Tuổi Trẻ cũng nêu một giám đốc doanh nghiệp nhà nước hưởng lương cao chót vót, khoảng 80 triệu đồng/tháng, dư luận đã cảm thấy sốc. Ấy vậy mà so với mức lương của vị giám đốc DNCI này xem ra vẫn thuộc hàng “tép riu”.

Không cần thiết phải hỏi tiền ở đâu ra mà trả lương cao ngất ngưởng như vậy. Bởi vì dù có giải thích thế nào đi nữa cũng đều là tiền mồ hôi nước mắt của người dân đóng thuế. Phù phép hay hợp thức hóa bằng cách nào cũng có lỗi với nhân dân.

Có một điều không thể không hỏi là những vị giám đốc nhận lương cao vừa bị báo chí chỉ ra, cơ quan chủ quản có biết không, nếu biết sao vẫn để tồn tại vô lý như vậy? Trách các ông giám đốc nhận lương khủng kia là một lẽ, song cái cơ chế và bộ máy quản lý buông lỏng trách nhiệm, hoặc nhắm mắt làm ngơ để xảy ra tình trạng này mới là điều đáng trách nhiều lần hơn.

Sự thách thức dư luận

Việc trả lương khủng ở các DN nêu trên đương nhiên là bất hợp lý, đặc biệt ở chỗ đó là các DNCI, tức đầu vào, nguồn thu từ ngân sách nhà nước (tiền đóng thuế của dân), chứ không phải “tự bơi”, tự cạnh tranh tìm kiếm trên thương trường. Trong tình hình nhiều DN đang thoi thóp, thu ngân sách rất khó khăn, mất cân đối thì việc trả lương quá cao của DNCI là sự thách thức dư luận nhân dân, những người đóng thuế cho ngân sách nhà nước.

Trước sự việc bất hợp lý trên, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo xử lý khắc phục và thu hồi một phần trong tổng quỹ lương đã chi trả của bốn DNCI. Tuy nhiên, nếu chỉ khắc phục, thu hồi một phần những gì mà các cán bộ quản lý của các DN trên đã nhận thì chưa thỏa đáng. Là những người đóng thuế, chúng tôi kiến nghị chính quyền TP cần phải làm rõ những khuất tất đằng sau việc trả lương khủng này. Cần tiến hành kịp thời việc thanh tra, không chỉ về trả lương bất hợp lý mà là toàn diện các hoạt động của các DNCI của TP. Sở dĩ nói như vậy, bởi thời gian qua người dân chúng tôi đã nhìn thấy phần nào những vô lý trong chi tiêu, đầu tư xây dựng... liên quan đến bốn DNCI nói trên. Ví dụ như: giá thành một bảng điện tử giao thông lắp đặt gần đây trên địa bàn TP.HCM tới 1,4 tỉ đồng (trong khi giá một tivi được coi là hiện đại nhất chỉ khoảng 100 triệu đồng). Hay việc sau mỗi đêm mưa lớn, sáng ra có cần chi tiền ngân sách cho xe bồn đi tưới cây “để xài tiền khủng” trên các đường phố như hiện tại?

Quá vô lý

Đó là ý kiến chung của rất nhiều bạn đọc phản hồi về vụ lương khủng này.

Bạn đọc Quang Minh cho rằng “Dịch vụ gì toàn những ngành độc quyền: cấp thoát nước, vệ sinh đô thị, san lát vỉa hè, chiếu sáng... Độc quyền thì chắc chắn là siêu lợi nhuận. Lợi nhuận cao không phải do các ông tài giỏi mà do cơ chế ưu đãi thôi. Vì vậy đừng nói là “tôi làm ra tôi hưởng”, tiền đó là của nhân dân”.

Bạn đọc Đặng Đức Hiếu cũng phân tích: “Nếu rời bầu sữa ngân sách ra, thử xem các ông giám đốc này làm được như vậy không? Thực tế là dân ta thán nước ngập, vỉa hè hư, cây đổ đứt đường điện... Nếu không xem lại cách chi ngân sách cho các DNCI này thì dân dù có đóng thêm bao nhiêu loại thuế vẫn không lấp đầy được thâm thủng ngân sách”.

Bạn đọc Vũ Thường nhìn vấn đề ở góc cạnh khác khi cho rằng: “Công ty thoát nước chỉ ký hợp đồng lao động thời vụ mà không có hợp đồng dài hạn với nhiều người lao động là không tuân thủ Luật lao động. Động thái này rõ ràng là hình thức bóc lột nhân công, vì tước đi của người lao động quyền lợi chính đáng về lương, thưởng, được bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nếu thực hiện đúng pháp luật, chi phí lương đáng ra phải trả cho người lao động này sẽ cao hơn rất nhiều, không còn đâu dôi ra nhiều để chia chác nhau như thế. Hãy thử suy nghĩ xem, các ông giám đốc này (vẫn là viên chức nhà nước) đã bóc lột của biết bao gia đình để mình được hưởng lợi một cách không chính đáng? Tôi còn quan tâm nữa là việc các ông giám đốc này ăn chia khủng từ tiền thuế của dân đã nộp thuế thu nhập cá nhân bao nhiêu tiền? Đề nghị cơ quan chức năng nên tiếp tục điều tra làm rõ”.

“Tôi thấy đã đến lúc Nhà nước nên tổng kiểm tra lại các chế độ, định mức trong hoạt động của các DNCI để tính lại cho hợp lý. Nếu cần có thể thu hẹp loại hình DNCI lại, tìm kiếm các mô hình khác hiệu quả hơn” - bạn đọc Trần Đại Nghĩa đề nghị.

Còn bạn đọc Ba Long mở rộng thêm: “Xin UBND TP.HCM nên ghé thăm các doanh nghiệp nhà nước khác..., chắc chắn sẽ thấy được thêm bức tranh toàn diện hơn”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Lương khủng nhờ “bầu sữa” ngân sáchChủ tịch TP.HCM nói về vụ giám đốc nhận lương khủngKhông thể tùy tiện trả lương hơn 200 triệu đồng/thángLương giám đốc công ty thoát nước 2,6 tỉ đồng/nămNước ngập, điện rò rỉ: lãnh đạo vẫn có thể nhận lương cao?

HỮU CHƠN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên