Trước đây, vào những năm 1980 nước ta đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị về xử phạt vi phạm chính sách liên DS - KHHGĐ. Nghị định số 114/2006/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em ban hành năm 2006 cũng đã có những quy định xử phạt về kinh tế hoặc phi kinh tế. Nhiều địa phương đã có những quy định cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, nghị định này. Có thể kể ra một vài hình thức phạt liên quan đến vi phạm chính sách DS - KHHGĐ như sau: phạt tiền, phạt hiện vật, phải đóng góp vào quỹ phúc lợi xã hội, không được cấp đất hoặc cấp nhà ở, bị chậm tăng lương, bị kéo dài thời gian tập sự, chuyển công việc khác, thậm chí đuổi việc hoặc không tuyển dụng...
Có ý kiến cho rằng hình thức xử phạt như vậy chủ yếu ở các địa phương miền Bắc mà ít xảy ra ở miền Nam. Có thể lý giải điều này như sau: Dường như người dân ở miền Bắc còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng coi trọng con trai hơn con gái, bằng chứng là tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất thuộc về khu vực đồng bằng sông Hồng với 122,4 bé trai/100 bé gái, thậm chí có huyện tỉ lệ này là 139 bé trai/100 bé gái. Vì tâm lý “khát con trai” nên nhiều người sẵn sàng chấp nhận các hình thức xử phạt về kinh tế. Và cán bộ địa phương những nơi đó hiểu được tâm lý người dân muốn có con trai nên đưa ra các mức phạt kinh tế vì biết người vi phạm có thể chấp nhận, một kiểu cung - cầu trong vấn đề dân số? Năm 1993 khi chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu về DS - KHHGĐ ở Thái Bình, hiện tượng phạt 500kg thóc với sinh con thứ ba, 1.000kg thóc với sinh con thứ tư... đã không còn là chuyện lạ.
Trở lại trường hợp Hà Nội, trong năm 2011 số sinh con thứ ba trở lên là 8.472, tăng 185 trẻ so với cùng kỳ năm 2010. Năm 2012, toàn thành phố có 11.860 trẻ ra đời là con thứ ba trở lên, tăng 3.311 trẻ. Báo chí đã đề cập đến người dân xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội đã phải đóng tiền phạt “vi phạm quy định sinh đẻ có kế hoạch”. Muốn làm khai sinh cho con thứ ba, thứ tư của mình, người dân phải nộp phạt lần lượt là 1-1,5 triệu đồng thì mới được cấp giấy khai sinh. Nếu cả ở nông thôn và đô thị của Hà Nội đều có hình thức “phạt kinh tế” người sinh con thứ ba thì mỗi năm nguồn thu từ xử phạt này khoảng 8-10 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này được sử dụng như thế nào?
Điều đáng quan tâm là lãnh đạo thì nói không có chuyện xử phạt sinh con thứ ba, nhưng cán bộ chuyên trách lại khẳng định “đây là quy chế hoạt động của địa phương, địa phương nào cũng có”. Có thể xem đây là biến thể của hình thức xử phạt người vi phạm chính sách DS - KHHGĐ, điều mà chúng tôi cho rằng rất không nên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận