Phóng to |
Xe hàng hơn 2 tấn bạch tuộc được lưu giữ tại bãi xe của Công ty TNHH Trường Giang (TP Hải Dương) đã bốc mùi hôi thối - Ảnh: Thân Hoàng |
Có một nguyên tắc được quán triệt trong xã hội văn minh. Đó là một khi phải gánh chịu một mất mát, dù là về vật chất hay tinh thần, mà không phải do lỗi của mình, cũng không phải do ông trời, thì người bị thiệt hại có quyền truy tầm cho được người nào đã trực tiếp gây tổn thất cho mình và buộc người này phải bồi thường.
Trong vụ bạch tuộc bị thối rữa, rõ ràng ông trời không phải là thủ phạm. Nếu lô hàng không bị cơ quan cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh Hải Dương tạm giữ thì đã không bị hư hỏng. Mấu chốt của câu chuyện là liệu chủ của lô hàng kém may mắn này có phạm một lỗi ứng xử pháp lý nào đó dẫn đến hậu quả đáng tiếc ấy. Cụ thể hơn, điểm tranh cãi trong câu chuyện liên quan đến việc kiểm dịch lô hàng trước khi đưa đi tiêu thụ.
Có một nguyên tắc khác của xã hội có tổ chức dựa trên nền tảng luật pháp, đặc biệt là của nền kinh tế thị trường. Đó là mọi chủ thể đều được tự do, muốn làm gì thì làm, trừ những việc bị cấm theo các quy định rành mạch của luật pháp. Với nguyên tắc đó, không chỉ bạch tuộc mà mọi hàng hóa được phép lưu thông thoải mái, không bị ràng buộc bất kỳ điều kiện hạn chế nào, ngoài những điều kiện được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật.
Được biết, liên quan đến câu chuyện, có một thông tư của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định thủy sản, sản phẩm thủy sản khi vận chuyển, lưu thông trong nước phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát trong trường hợp được đưa ra khỏi vùng có công bố dịch đối với loài đó. Quy định này, được coi là một giới hạn, một ngoại lệ đối với nguyên tắc tự do nói trên, phải được áp dụng theo đúng câu chữ, không thể được diễn giải kiểu này kiểu khác để mở rộng phạm vi áp dụng một cách tùy tiện.
Khi trả lời phỏng vấn báo chí, đại diện cơ quan đã quyết định tạm giữ lô hàng cho rằng chủ hàng chưa hiểu đầy đủ nội dung của thông tư, cụ thể: thông tư phải được hiểu xuôi là sản phẩm thủy sản tại vùng có dịch thì bắt buộc phải có giấy kiểm dịch, chứ không thể hiểu ngược là vùng không công bố dịch thì không cần kiểm tra giấy kiểm dịch.
Đúng là hàng xuất xứ từ vùng không có dịch vẫn có thể cần được kiểm dịch, nhưng các trường hợp bắt buộc kiểm dịch phải được xác định rõ ràng trong các văn bản pháp luật được công bố. Nói theo đại diện cơ quan cảnh sát trong câu chuyện dễ khiến người ta nghĩ rằng nhà chức trách có quyền đòi hỏi hàng hóa được kiểm dịch khi nào thấy cần, cả trong trường hợp luật không quy định cụ thể.
Với lập luận này, người ta phải hiểu rằng người dân chỉ làm những việc được cho phép chứ không phải có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Rõ hơn, muốn tránh rủi ro thì trước khi làm bất kỳ việc gì, người dân phải hỏi ý kiến cơ quan có thẩm quyền và chỉ được làm sau khi được nhà chức trách cấp giấy phép. Không thể hình dung một xã hội thượng tôn luật pháp đích thực mà trong đó con người ta phải sống, ứng xử theo cách như thế!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Vụ bắt đền công an 2 tấn bạch tuộc: Sẽ kiện ra tòa2 tấn bạch tuộc hư: CA khẳng định không có trách nhiệm bồi thường40 chủ hàng đòi cảnh sát Hải Dương đền 2 tấn bạch tuộcBắt giữ hơn 2 tấn bạch tuộc: Thủy sản vùng dịch mới cần giấy...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận