30/04/2013 07:42 GMT+7

Địa đạo "thiếc tặc" lại bủa vây thung lũng Tình yêu

VÕ TRANG
VÕ TRANG

TT - Sau thời gian án binh bất động vì bị lực lượng chức năng truy quét gắt gao, gần đây một số “thiếc tặc” đã lén lút hoạt động trở lại tại khu vực thượng nguồn của khu du lịch thung lũng Tình Yêu (Đà Lạt).

Lấp cửa hầm của “thiếc tặc”“Thiếc tặc” đào địa đạo dưới thung lũng Tình Yêu

OzWkJxN2.jpgPhóng to
Thang gỗ dẫn xuống một địa đạo do “thiếc tặc” đào - Ảnh: VÕ TRANG

Sáng 29-4, men theo con đường rải đá cấp phối dân lập (do dân làm vườn xây dựng để vận chuyển hàng nông sản - PV) xuyên qua những cánh rừng thông bạt ngàn, chúng tôi đến hiện trường khu vực Hố Đam. Địa danh này cách khu du lịch thung lũng Tình Yêu chỉ hơn 800m về phía đông (thuộc tiểu khu 144B, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Viên quản lý; Công ty TNHH Thùy Dương nhận khoán bảo vệ rừng). Tại đây, chúng tôi phát hiện nhiều địa đạo “thiếc tặc” với dấu đất còn mới nguyên.

Nằm dọc theo khe suối hẹp vắt ngang qua khu vực Hố Đam, được che chắn tầm nhìn bởi rừng lau sậy um tùm là bãi đất đỏ nhão nhoẹt do các đối tượng đào đãi thiếc trái phép tại đây làm nơi tập kết. Cách đó khoảng 10m là cửa của một địa đạo (địa đạo số 1) chui vào bên dưới quả đồi thông. Đường hầm địa đạo này rộng 1-1,2m, cao khoảng 1,5m với các dấu tích đất đào còn mới nguyên, nhưng chỉ ăn sâu hơn chục mét thì dừng. Do bị cơ quan chức năng phát hiện trước đó một ngày nên các đối tượng “thiếc tặc” phải tạm dừng để thoát thân, để lại một địa đạo “cụt”. Cách địa đạo số 1 chưa đầy 30m, chúng tôi lại phát hiện thêm một cửa địa đạo mới (địa đạo số 2) được đào theo hình chữ nhật (dài khoảng 2m, ngang 1,5m) với chiều thẳng đứng, được ngụy trang sơ sài bằng mấy cành củi khô. Bên dưới mấy nhánh củi này là một đường hầm sâu hun hút vào trong lòng đất. Lần theo thang gỗ dẫn xuống bên dưới, chúng tôi thấy có dép nhựa và một số vật dụng để đào đất mà các đối tượng đào đãi thiếc trái phép tại đây chưa kịp tẩu tán. Đường hầm chật chội này được kè chắn bằng gỗ thông, muốn vào bên trong phải đi khom người. Chúng tôi chỉ vào được khoảng 10m nên không thể ước lượng được độ dài của đường hầm.

Tiếp tục khảo sát quanh khu vực, cách địa đạo số 1 khoảng 50m về phía thượng nguồn con suối, chúng tôi lại phát hiện thêm một địa đạo nữa (địa đạo số 3). Tuy nhiên, cửa địa đạo này được các đối tượng đào đãi thiếc kè chắn bằng ván bìa nên chúng tôi không thể vào bên trong đường hầm khảo sát được.

Một đầu nậu từng tham gia khai thác thiếc trái phép tại khu vực Hố Tom (nằm trong khu du lịch thung lũng Tình Yêu trước đây), nay đã giải nghệ, cho biết khu vực Hố Đam nằm trên kẹp thiếc gần như lộ thiên, kéo dài từ thung lũng Tình Yêu chạy qua hồ Chiến Thắng đến bãi Kẹp Sắt (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). “Khu vực này có nền đất yếu và có sự giám sát gắt gao của đơn vị chủ rừng nên rất ít người dám xâm nhập... Có thể những người đào các địa đạo trên không phải là dân địa phương mới dám liều như thế” - người này phỏng đoán.

Trước đây, vào tháng 6-2012, cũng tại tiểu khu 144B, ngành chức năng TP Đà Lạt từng phát hiện và đánh sập một địa đạo “thiếc tặc” hướng vào lòng khu du lịch thung lũng Tình Yêu (báo Tuổi Trẻ đã phản ánh).

Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Đức Cứ, chủ tịch UBND P.8 (TP Đà Lạt), xác nhận lực lượng chức năng của phường phối hợp với đơn vị quản lý bảo vệ rừng - Công ty TNHH Thùy Dương - vừa phát hiện địa đạo đào đãi thiếc trái phép tại khu vực trên vào ngày 28-4. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tiếp cận được hiện trường, các đối tượng đào đãi thiếc trái phép tại đây đã bỏ trốn vào rừng. Cơ quan chức năng đã lập biên bản thu giữ một máy phát điện, một xe rùa cùng một số thiết bị đào đãi thiếc khác. Đồng thời đã báo cáo vụ việc cho UBND TP Đà Lạt để điều tra làm rõ.

VÕ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên