* Ông PHẠM XUÂN SINH (giám đốc khu du lịch thác Cam Ly):
Du khách đã “chê”
Đã có nhiều công ty lữ hành tuyên bố không đưa du khách đến thác Cam Ly tham quan. Lý do họ đưa ra rất thuyết phục: nước suối Cam Ly ô nhiễm, bốc mùi hôi nên du khách đến tham quan rồi phàn nàn, làm mất thương hiệu của đơn vị tổ chức tour. Là điểm du lịch cuối cùng nơi suối Cam Ly chảy qua nên chúng tôi rất khổ sở. Từ giám đốc, bảo vệ đến nhân viên vệ sinh suốt ngày lo đi dọn rác, vớt rác, còn thời gian đâu mà phục vụ du khách nữa? Rác thải đổ về đây đa dạng lắm, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, hộp xốp ươm giống, bàn ghế hư, bơm kim tiêm, bao cao su, xác động vật... cứ nổi lềnh bềnh, không thể nào dọn xuể. Buổi sáng nhìn thác đổ nước màu xanh của tảo lam chảy về từ hồ Xuân Hương, buổi chiều thì lại đỏ ngầu bùn đất theo mưa đổ về mà tôi ngán ngẩm. Rác thì cố gắng có thể dọn, nhưng nước bốc mùi thì chúng tôi không cách nào khắc phục, đành phó mặc.
* Ông NGUYỄN MINH (nông dân vùng nông nghiệp Thái Phiên, Đà Lạt):
Suối Cam Ly thành hố rác
Chuyện người dân xả rác nông nghiệp xuống suối Cam Ly đã thành chuyện thường ngày ở đây. Dọc bờ suối có cả ngàn ống nước thải dẫn ra từ trong nhà, trong vườn. Mỗi khi mưa lớn người dân tống hết tất cả cây cỏ xuống suối để nước cuốn đi. Lượng rác nhiều quá đã đem đi làm phân bón, tái chế đủ kiểu vẫn còn dư, không biết mang bỏ ở đâu nên người dân đành phải đổ xuống suối. Chính quyền có vận động nhưng người dân nghe xong là xong, không có chỗ để bỏ rác nên cứ đợi mưa to là họ dọn hết đổ xuống suối. Nước chảy mạnh tống rác đi xa, xóa sạch dấu vết nên không thể quy trách nhiệm cho ai.
* Tiến sĩ LÂM NGỌC TUẤN (trưởng khoa môi trường Đại học Đà Lạt):
Phương pháp chưa đúng
Là người nhiều năm tham gia các diễn đàn bàn về việc giải quyết ô nhiễm ở các danh thắng nằm ở hạ lưu suối Cam Ly như hồ Than Thở, hồ Xuân Hương và thác Cam Ly, tôi cho rằng việc các danh thắng bị ô nhiễm như hiện nay là tất yếu. Đó là câu chuyện không thể khác hơn khi con suối Cam Ly dài hơn 60km hằng ngày đổ nước về các danh thắng và mang theo lượng lớn chất thải, rác thải từ vùng trồng trọt rau hoa ngắn ngày rộng hơn 2.800ha. Cách đây hơn mười năm, việc các danh thắng bị ô nhiễm nguồn nước đã được nhiều chuyên gia môi trường nói đến, cảnh báo và đưa ra rất nhiều phương án giải quyết. Nói một cách sòng phẳng thì chính quyền Lâm Đồng đã rất nỗ lực trong việc khắc phục ô nhiễm như cử người dọn tảo lam, xây hồ lắng ở hồ Xuân Hương, dựng đập cao su chắn rác ở thác Cam Ly. Tại hồ Than Thở, ban quản lý khu du lịch này cũng tốn không biết bao nhiêu tiền cho việc nạo vét hồ định kỳ và xây hồ lắng chất thải. Tuy nhiên rồi đâu lại vào đó, hiệu quả không thấy mà chỉ thấy tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng thêm.
Tôi cho rằng phương pháp giải quyết ô nhiễm của chính quyền chưa đúng. Hồ Xuân Hương là một điểm suối Cam Ly đi qua và nhiều nguồn thải khác từ khu dân cư, nhà hàng, sân golf... chảy về. Muốn trả vẻ đẹp cho hồ Xuân Hương thì ngay lập tức phải cô lập hồ với các nguồn nước thải đang đổ vào hồ. Dòng chảy của suối Cam Ly phải được điều chỉnh để né hồ Xuân Hương, chảy thẳng về hạ nguồn. Khi làm được điều này rồi thì tiến hành các biện pháp kỹ thuật khác để xử lý nước trong hồ. Biện pháp này có thể điều chỉnh để áp dụng cho hồ Than Thở và thác Cam Ly. Hiện nay, chính quyền đang làm ngược lại, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong khi hằng ngày hồ Xuân Hương vẫn nhận nước thải đổ về. Hậu quả của phương pháp bị áp dụng ngược là sau một trận mưa to, mọi cố gắng đều bị xóa sạch. Nước ô nhiễm đang được xử lý bị thay bằng một lượng nước ô nhiễm mới. Tôi nhấn mạnh ô nhiễm tại các danh thắng này không phải ở rác, đó chỉ là bề mặt, mấu chốt là chất thải nông nghiệp bằng nhiều cách đang hòa tan vào nước suối Cam Ly nên việc xây các hồ lắng, đập chắn rác chỉ sạch sẽ bề mặt.
Biện pháp căn cơ nhất, lý tưởng nhất tôi muốn nói đến lại là biện pháp gần như bất khả thi: quy hoạch lại vùng trồng trọt rau hoa ngắn ngày, đẩy vùng này ra xa hai bên bờ suối Cam Ly. Tuy nhiên, muốn làm thì làm từ rất lâu, giờ thực hiện sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của khoảng 7.000 người dân. Nhưng chân thành mà nói, để cứu môi trường suối Cam Ly, cứu các danh thắng phải tiến hành ngay. Tốn kém nhiều nhưng chắc chắn có hiệu quả tốt, còn hơn tốn nhiều tiền từ năm này qua năm khác nhưng không giải quyết được vấn đề.
Buồn cho Đà Lạt Hơn 60 ý kiến phản hồi của bạn đọc đã bày tỏ nỗi buồn cho Đà Lạt, đồng thời cảnh báo sẽ quay lưng nếu các danh thắng ở đây tiếp tục bị ô nhiễm. * Vấn đề nhức nhối Sáng nay đọc báo mà quá buồn cho Đà Lạt. Là người Đà Lạt không buồn sao được khi Đà Lạt lại bị chê trong mắt du khách vì sự ô nhiễm mà không giải quyết được. Chính quyền TP đã nỗ lực cải tạo lòng hồ nhưng xem ra tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng hơn. Người dân tha hồ thả rác thải, chất thải xuống lòng hồ, lòng thác; các nhà hàng quanh hồ kinh doanh thu tiền nhưng cứ việc xả nước thải trực tiếp xuống lòng hồ... Đây là vấn đề nhức nhối mà người dân Đà Lạt ngày đêm trăn trở. vuonghue2808@... * Cần giải quyết tận gốc Hồ Xuân Hương và thác Cam Ly là hai thắng cảnh gắn với tên tuổi của thành phố du lịch Đà Lạt. Vậy mà giờ đây khách du lịch phải “bịt mũi” khi đến hai danh thắng này! Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần giải quyết tận gốc vấn đề. THANH LOAN * Không du lịch cùng ô nhiễm Cảnh thơ mộng vào ban mai với những rừng thông bạt ngàn cùng không khí trong lành, mát mẻ của Đà Lạt là sức hút chúng tôi khi tham quan rồi vẫn muốn tham quan nữa. Nhưng tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng trong các năm gần đây làm chúng tôi phải suy nghĩ khi chọn đi du lịch Đà Lạt. Không thể nào chấp nhận một kỳ đi nghỉ mát quý báu trong năm lại phải hít thở cùng với ô nhiễm. Nếu tình trạng ô nhiễm này không chấm dứt ngay thì không xa nữa Đà Lạt sẽ không còn là địa điểm lựa chọn của người đi du lịch. chuongvoky05@... |
Phóng to |
Vùng nông nghiệp Thái Phiên (P.12, TP Đà Lạt) nằm ngay cạnh hồ Than Thở - một điểm suối Cam Ly chảy qua - Ảnh: Mai Vinh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận