08/03/2013 08:29 GMT+7

Hướng dẫn mới về xử phạt xe vi phạm giao thông

C.MAI lược ghi
C.MAI lược ghi

TT - Như Tuổi Trẻ ngày 7-3 đã thông tin, thông tư số 11/2003 của Bộ Công an (hướng dẫn một số quy trình về xử phạt vi phạm giao thông theo nghị định 34 và 71 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15-4) ngoài việc quy định không được dừng xe để xử phạt “xe không chính chủ”, còn quy định nhiều nội dung khác.

Zzbrz3xq.jpgPhóng to
Từ ngày 15-4, xe vi phạm không xuất trình được giấy tờ xe, chỉ xuất trình biên bản vi phạm đã bị lập trước đó, nếu biên bản đã quá ngày hẹn mà không đến giải quyết thì CSGT sẽ tạm giữ xe - Ảnh: H.L.

Chủ xe có thể bị phạt “nguội” thay người điều khiển xe

Theo khoản 2 điều 56 nghị định 34, trường hợp xử phạt “nguội” (cơ quan chức năng phát hiện vi phạm thông qua việc ghi lại hình ảnh và biển số đăng ký của xe) thì chủ sở hữu xe có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người đã điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm. Về quy định này, thông tư 11 hướng dẫn cụ thể: chủ xe phải yêu cầu người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm đến cơ quan đã gửi thông báo vi phạm để giải quyết.

Trường hợp không xác định được người điều khiển xe hoặc người này không chịu hợp tác, chủ xe phải trực tiếp đến cơ quan đã gửi thông báo để giải quyết. Khi đến giải quyết phải xuất trình thông báo đã nhận, giấy đăng ký xe và phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và chấp hành quyết định xử phạt thay cho người điều khiển xe vi phạm.

Không cộng dồn thời hạn tước giấy phép lái xe

Khi lập biên bản đối với người vi phạm (mà nghị định 34 có quy định vi phạm đó bị tước giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không có thời hạn) thì người thi hành công vụ tạm giữ giấy phép lái xe để đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính. Khi ban hành quyết định xử phạt phải ghi rõ thời hạn tước giấy phép lái xe là bao lâu. Thời hạn tước giấy phép lái xe tính từ thời điểm tạm giữ giấy phép lái xe. Trường hợp một người cùng lúc có nhiều vi phạm giao thông mà các vi phạm này đều thuộc trường hợp bị tước giấy phép, thì thời hạn tước giấy phép không phải là cộng dồn các thời hạn lại mà lấy thời hạn tước giấy phép dài nhất để xử phạt.

Trong thời hạn ba ngày, quyết định xử phạt phải được thông báo về cho cơ quan cấp phép lái xe. Hết thời hạn tước giấy phép, người có thẩm quyền xử phạt trả lại giấy phép cho người vi phạm. Trường hợp người vi phạm phải học và kiểm tra lại Luật giao thông đường bộ thì phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả học và kiểm tra lại cho cơ quan xử phạt mới được nhận lại giấy phép lái xe.

Những trường hợp bị tạm giữ xe

Để đảm bảo xử lý vi phạm hành chính, nghị định 34 quy định việc tạm giữ giấy tờ xe. Thông tư 11 hướng dẫn các thủ tục giữ giấy tờ xe như sau: với trường hợp vi phạm chỉ bị áp dụng hình thức phạt tiền có thể tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Nếu ngoài hình thức xử phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng bổ sung tước giấy phép lái xe thì tạm giữ giấy phép lái xe. Trường hợp không có giấy phép lái xe thì phải tạm giữ xe vi phạm.

Trường hợp người điều khiển xe đã bị lập biên bản vi phạm, bị giữ giấy tờ nhưng quá ngày hẹn trong biên bản mà không đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, vẫn tiếp tục điều khiển xe sẽ bị xử phạt như hành vi không có giấy tờ. Khi người vi phạm tiếp tục vi phạm và xuất trình biên bản quá hạn thì cảnh sát giao thông tạm giữ một trong các giấy tờ còn lại hoặc tạm giữ xe nếu người vi phạm không còn giấy tờ nào.

Chủ xe trốn tránh: chịu chi phí đưa xe về nơi tạm giữ

Khi quyết định tạm giữ xe vi phạm hành chính, người thi hành công vụ phải thông báo cho người vi phạm và những người có mặt tại đó biết. Nếu chủ xe không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, gây cản trở, cố tình không chấp hành yêu cầu tạm giữ xe thì cảnh sát giao thông lập biên bản có sự xác nhận của người chứng kiến (nếu có), có quyền ghi hình, trực tiếp điều khiển xe hoặc cẩu, kéo xe vi phạm về nơi tạm giữ. Sau đó, cảnh sát giao thông sẽ ra thông báo yêu cầu người vi phạm phải đến giải quyết và phải chịu mọi chi phí cho việc đưa phương tiện đó về nơi tạm giữ.

Phạt “nguội”: vi phạm nhiều, xử phạt ít

Theo Phòng cảnh sát đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, năm 2012 PC67 đã sử dụng 27 camera (20 cố định, 7 di động) trên các tuyến đường để ghi hình xử phạt qua hình ảnh. Kết quả đã ghi hình, trích xuất và hoàn chỉnh 17.669 phiếu báo vi phạm, bao gồm 11.493 trường hợp phạt “nguội” (qua ghi hình cố định), 6.176 trường hợp phạt “nóng” (qua ghi hình di động). Trong số 11.493 trường hợp phạt “nguội” chỉ có 2.869 trường hợp đến Kho bạc Nhà nước nộp phạt với số tiền trên 2 tỉ đồng.

Thượng tá Trần Thanh Trà - trưởng Phòng PC67 - cho biết hiện nay lượng xe không chính chủ nhiều nên đa số trường hợp bị ghi hình khi xác minh chủ cuối cùng rất khó khăn. Đây là vướng mắc trong phạt “nguội” xe vi phạm. Ngoài ra, nhiều trường hợp dù đã truy ra chủ xe nhưng họ vẫn không chịu đóng phạt. Thời gian qua việc phạt “nguội” chủ yếu là phạt ôtô, còn xe máy rất ít.

HOÀNG LỘC

C.MAI lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên