01/02/2013 06:13 GMT+7

Nói thiếu đói đúng hay sai?

TÒA SOẠN
TÒA SOẠN

TT - Báo Tuổi Trẻ ngày 29-1, trang 1 có tựa bài: “Làm rõ vì sao trẻ em thiếu đói”. Một số bạn đọc cho rằng trong từ điển không có từ thiếu đói, nói “thiếu đói” có nghĩa là no, là không đói.

Thêm một chút cho các cháu ăn ngon

* PGS.TS Bùi Mạnh Hùng trả lời:

Vấn đề bạn đọc đặt ra rất thú vị. Dùng từ điển để tra cứu, tìm hiểu nghĩa và cách dùng của các từ ngữ là cần thiết. Tuy vậy, không phải khi nào từ điển cũng có đủ những từ ngữ mà ta cần tìm. Trong tiếng Việt hiện đại, thiếu như một vị từ (thuật ngữ dùng để chỉ chung cả động từ và tính từ, vì hai nhóm từ này trong tiếng Việt không có sự khác biệt về ngữ pháp như tiếng Anh) có hai khả năng kết hợp chính sau đây:

1) Kết hợp với một bổ ngữ chỉ “nội dung” của thiếu (thiếu cái gì?). Bổ ngữ đó có thể là danh từ (thiếu tình cảm, thiếu nghị lực, thiếu năng lực, thiếu liêm sỉ); hoặc vị từ (thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu ngủ). Ta gọi đó là mô hình “chính phụ”.

2) Kết hợp với một vị từ có quan hệ bình đẳng và gần nghĩa với thiếu: thiếu hụt, thiếu sót, thiếu đói, thiếu nợ. Ta gọi đó là mô hình “đẳng lập”.

Cả hai mô hình trên đều có sức sản sinh cao. Về mô hình đẳng lập, ngoài thiếu hụt, thiếu sót, thiếu đói, thiếu nợ, có vô số từ ngữ được cấu tạo theo cách đó như đói khổ, đói khát, đói nghèo, giàu mạnh, giàu sang, yêu thương, chờ mong, chờ đợi, tốt đẹp, nhầm lẫn, lẫn lộn...

Thiếu đói được báo chí dùng theo mô hình đẳng lập trong khi nhiều độc giả lại hiểu theo mô hình chính phụ, và do quan hệ nghĩa giữa thiếu và đói nên về logic hình thức thì có thể suy luận “thiếu đói có nghĩa là no, không đói”. Nhưng ngôn ngữ có logic riêng của nó. Trong giao tiếp không ai hiểu theo cách suy luận logic ấy.

Vì sao tiếng Việt đã có yêu, chờ, nợ, đói, nghèo, giàu mà phải dùng thêm yêu thương, chờ đợi, thiếu nợ, thiếu đói, nghèo khổ, giàu sang? Việc cấu tạo những từ ngữ có hai tiếng như vậy có những lý do chủ yếu sau đây:

1) Nhấn mạnh thêm nghĩa (yêu thương, chờ đợi, nhầm lẫn...) hoặc tạo một sự phân biệt nào đó về nghĩa (nợ và thiếu nợ, đói và thiếu đói). Chắc không có doanh nghiệp nào không có nợ. Nhưng thiếu nợ được hiểu là “nợ mà chưa (khó/không) trả được”, nghĩa là “có vấn đề”. Bill Gates chắc cũng có lúc đói (bụng) vì làm việc quá giờ ăn, nhưng thiếu đói không phải là một trạng thái lâm thời mà là một tình cảnh. Có thể hiểu là “thiếu mọi thứ và/nên đói” (hoặc “thiếu ăn đến mức đói”). Thiếu đói gần nghĩa với thiếu ăn, nhưng thiếu đói có vẻ nghiêm trọng hơn thiếu ăn.

2) Tạo sự cân đối cho câu văn, một đặc tính được người Việt coi trọng. Chẳng hạn, nói Chúc anh khỏe và vui! hay Chúc anh mạnh khỏe và vui vẻ! thì “xuôi tai” hơn là Chúc anh mạnh khỏe và vui!; nói Nhiều người dân những vùng bị bão lụt thiếu đói thì nghe cân đối hơn Nhiều người dân những vùng bị bão lụt đói, vì trong câu thứ hai chủ ngữ khá dài, nhưng vị ngữ thì chỉ có một từ đơn tiết (đói).

3) Đôi khi thể hiện một nếp nghĩ hay nhân sinh quan nào đó của người Việt. Trong tiếng Việt có nghèo khổ, nghèo hèn, đói khổ và cũng có giàu mạnh, giàu sang, nhưng không có giàu sướng. Phải chăng khi nói như vậy, cha ông ta quan niệm nghèo, đói là khổ và hèn, còn giàu thì có sức mạnh (ảnh hưởng) và sang trọng, nhưng giàu chưa hẳn là sướng?

Hi vọng mấy dòng trên có thể biện minh cho cách dùng thiếu đói. Có thể tiếp nhận thiếu đói vào tiếng Việt, nhưng mong sao nước Việt được nói lời tiễn biệt thiếu đói.

TÒA SOẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên