19/12/2012 11:55 GMT+7

Xin lỗi và sau đó phải sửa lỗi

QUỐC BẢO (buu1961@...)
QUỐC BẢO (buu1961@...)

TTO - Gần 100 email của bạn đọc gửi về đồng cảm với ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc "không phải xin lỗi là xong". Tất cả mong muốn đằng sau lời xin lỗi sẽ là những việc làm thiết thực để sửa lỗi, không lặp lại những lỗi cũ.

“Không thể xin lỗi là xong”Quốc hội chất vấn thủ tướng: đoạn tuyệt xin lỗi

TTO xin trích đăng:

* Lời xin lỗi văn hóa và trách nhiệm

Việc nhận thấy những tồn tại, khuyết điểm và hơn nữa là những sai phạm của các lãnh đạo, quản lý các cấp là dấu hiệu đáng quý, thể hiện sự cầu thị, dám nhìn thẳng vào sự thật.

Tuy nhiên, nếu chỉ xin lỗi cho xong thì cực kỳ nguy hại, bởi không khéo lại là không nhận diện các mặt tồn tại, khuyết điểm và sai phạm mà còn đồng nghĩa với việc chấp nhận, và tệ hại hơn là công khai thách thức dư luận và coi thường pháp luật kỷ cương.

Vì thế cần đồng hành với lời xin lỗi là trách nhiệm phải khắc phục các tồn tại, khuyết điểm và sai phạm đó.

Khắc phục cả về mặt danh dự, uy tín, việc làm và bồi hoàn giá trị vật chất đã bị thiệt hại do những tồn tại, khuyết điểm và sai phạm của mình gây ra cho xã hội và cá nhân có liên quan.

Phải coi thái độ và kết quả khắc phục như là hành động cốt lõi của lời xin lỗi chân thực và tiến bộ trước khi nói đến văn hóa từ chức.

Quan điểm của ông Dương Trung Quốc là xác đáng và chắc chắn được nhiều người ủng hộ. Cứ yếu kém là xin lỗi... xin lỗi.... và xin lỗi... thì cả một nhiệm kỳ dài 5 năm cứ xin lỗi là xong nhiệm kỳ sao? Những sai phạm ở cấp càng cao thì nguy hại càng lớn hơn. Cứ sai phạm... xin lỗi rồi sai phạm tiếp thì làm sao chấp nhận được.

Mong rằng các vị đại biểu của dân hãy có chính kiến vì nhân dân, vì quyền lợi của dân tộc, đất nước là trên hết và không vì bất cứ ai.

Vì bản thân văn hóa từ chức cũng có mặt trái của nó. Đó là trong thực tiễn hoạt động, sự tích cực, chủ động và lòng tin có lúc cũng làm cho những cán bộ có phẩm chất và năng lực thật sự có thể phạm sai lầm.

Nếu họ còn được cống hiến, chắc chắn sau mỗi lần vấp ngã, người ta sẽ lớn lên và như thế sẽ có nhiều đóng góp hơn cho xã hội.

Mặt khác, bản thân việc từ chức nhiều khi chính là sự chối bỏ trách nhiệm mà cha ông từng có câu "trút nhớt cho lươn".

* Động thái khắc phục lỗi lầm

+ Đúng như ông Dương Trung Quốc nói, không phải xin lỗi là xong, mà sau đó phải có động thái sửa chữa thích hợp lỗi lầm của mình.

Sợ nhất là lời xin lỗi giống như phong trào vì thấy người xin lỗi trước đó không sao thì mình cũng nói lời xin lỗi để cho giống người khác.

+ Xin lỗi kèm với khắc phục và chuộc lỗi thì quá tốt, cần đáng khen. Nếu nhận thấy mình mắc lỗi, xin lỗi là tốt. Nhưng không phải xong rồi thôi, kèm theo là khắc phục và chuộc lỗi. Sau lời xin lỗi là làm gì để khắc phục và chuộc lỗi đó mới là điều quan trọng.

Nếu lời xin lỗi mà người ta chưa chấp nhận thì xem như lời xin lỗi ấy vẫn chưa có giá trị.

+ Hành động nào sau lời xin lỗi cũng là một điều đáng quan tâm. Đã là con người không ai không mắc lỗi. Nhìn được cái sai, dám nhận lỗi là một hành động dũng cảm. Song sửa chữa ngay những cái lỗi đó mới là điều quan trọng. Việc làm này thể hiện nhân cách, phẩm hạnh của mình. Còn nếu ngược lại, xin lỗi chỉ để cho qua thì đó chính là sự dối trá.

Và mong nhất là đừng xin lỗi theo kiểu phong trào, đừng cùng nhau hô khẩu hiệu.

+ Chúng tôi rất mong có nhiều đại biểu Quốc hội có suy nghĩ và phát biểu như ông Dương Trung Quốc "không phải cứ xin lỗi là xong". Nhưng chúng ta phải làm gì để những lời nói và suy nghĩ này thành hiện thực và phát huy tác dụng để trị dứt căn bệnh "xin lỗi" này?

QUỐC BẢO (buu1961@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên