18/12/2012 04:34 GMT+7

Nhân rộng "20 điều giáo viên cần nhớ"

sinh.dangtrung@...
sinh.dangtrung@...

TT - Nhiều bạn đọc bày tỏ sự khâm phục cái tâm của người thầy trong câu chuyện “Ông hiệu trưởng và 20 điều giáo viên cần nhớ” (Tuổi Trẻ 15-12) và mong muốn 20 điều này sẽ được nhân rộng trong đội ngũ những người làm nghề giáo.

Ông hiệu trưởng và “20 điều giáo viên cần nhớ”20 điều công bộc cần nhớ

amfFphel.jpgPhóng to
Thầy Nguyễn Văn Đăng cùng các học sinh của mình. - Ảnh: Hà Bình

Giản dị nhưng tuyệt vời

“20 điều giáo viên cần nhớ” của thầy Nguyễn Văn Đăng thật giản dị, gần gũi nhưng tuyệt vời. Chân lý của giáo dục mà thầy đưa ra là: “Hãy nhớ rằng giờ học là một phần cuộc sống của trẻ, vì vậy đừng làm cho giờ học gò bó, cứng nhắc quá. Qua mỗi giờ học, đứa trẻ cần trở thành một nhân cách cởi mở, say mê, sáng tạo và phát triển toàn diện. Tuyệt vời nhất là trong mỗi giờ học đều có những “phát minh” nho nhỏ được diễn ra, những chân lý nho nhỏ được phát hiện, những đỉnh cao tri thức được chinh phục và những cuộc tìm kiếm được bắt đầu”. Nếu phần lớn thầy cô đều áp dụng được chân lý này, chắc chắn sẽ đào tạo được những thế hệ trẻ giàu tri thức và nhân cách.

Ước gì...

Đọc bài báo tôi thấy trào dâng nhiều cảm xúc. “Hãy nhớ rằng giờ học là một phần cuộc sống của trẻ...”. Ước gì con tôi được đào tạo trong môi trường như thế này để không còn thấy áp lực, vừa được học để thu nhận kiến thức vừa hưởng trọn tuổi thơ thoải mái của mình.

Cần sự gần gũi

Tôi rất hoan nghênh bài phát biểu của thầy Đăng. Ở nước ngoài, thầy cô giáo rất gần gũi với học sinh và luôn lắng nghe ý kiến của học sinh. Qua đó, học sinh rất tự tin có thể nói bất cứ ý nghĩ nào của mình với thầy cô giáo. Điều đó làm thầy cô hiểu học trò nhiều hơn, nhưng mặc khác họ cũng rất nghiêm khắc và công bằng với học sinh. Còn học sinh và sinh viên của chúng ta hiện nay chưa có sự tự tin lắm. Hãy áp dụng những điều của thầy Đăng để hỗ trợ các em.

Thắp lên ngọn đuốc

Khi đọc những điều căn dặn của thầy Đăng, tôi thấy trong giáo dục ngày nay cần có những người thầy như thế mới mong cải tạo được cách dạy học cho học sinh, sinh viên hiện nay. Hãy thắp cho học sinh, sinh viên ngọn đuốc trong lòng để các em hăng say học tập, nghiên cứu giúp các em trưởng thành và tự tin trong học tập, giúp các em trở thành người có ích, đừng biến các em thành vật thí nghiệm như hiện nay. Chúc thầy luôn khỏe để cống hiến.

Tâm sáng của nhà giáo

Tôi rất thích đọc bài báo này. Tôi cho rằng nếu ở Việt Nam, cứ mỗi ngày hoặc mỗi tuần có một nhà giáo tốt được lên báo như thế này thì trong một thời gian không xa, nhiều nhà giáo nhỡ bị thiếu kinh nghiệm, thiếu tâm yêu nghề hoặc đại khái như thế sẽ tự soi lại mình, như thế người tốt sẽ nhiều lên và nói đến giáo dục Việt Nam, nhiều người sẽ yêu quý và trân trọng hơn.

Hãy áp dụng

Đọc bài viết về thầy Nguyễn Văn Đăng tôi mừng lắm, nhất là thấy các bạn tham gia mục ý kiến bạn đọc đều ủng hộ thầy. Thỉnh thoảng có dịp đến trường, tôi lại thấy phần nhiều giáo viên chúng ta điều khiển lớp học còn nặng tính “gia trưởng” lắm. Mong rằng tất cả giáo viên đều thấy suy nghĩ mà thầy Đăng chia sẻ là đúng để áp dụng. Muốn thế, có lẽ giới quản lý giáo dục cũng cần lắm cách đối xử tôn trọng và bình đẳng với giáo viên để tư tưởng dạy học này mang tính thuyết phục.

Phổ biến 20 điều ấy

Tôi là một giáo viên nên cũng có những trăn trở ít nhiều giống với thầy Đăng. Tôi mong quý báo xin phép thầy Đăng để đăng toàn bộ 20 điều ấy lên mặt báo để những giáo viên như tôi có một tấm gương soi lại mình và định hướng cho mình trong nghề nghiệp.

Đọc bài báo tôi thấy vui vô cùng và mong rằng thầy Đăng tiếp tục là tấm gương đạo đức cho các thầy cô giáo khác. Nếu tôi là một quan chức có trách nhiệm trong ngành giáo dục, tôi sẽ đích thân đến trường thầy Đăng tìm hiểu để nhân rộng việc áp dụng 20 điều này trong học đường. Tôi đề nghị quý báo cho đăng tải cụ thể 20 điều của thầy Đăng đã làm để giáo viên có thể nghiên cứu áp dụng.

20 điều giáo viên cần nhớ

Dưới đây là “20 điều giáo viên cần nhớ” được thầy hiệu trưởng NGUYỄN VĂN ĐĂNG (Trường THCS Phước Đông, Cần Đước, Long An) sưu tập và giới thiệu với giáo viên trong trường:

1. Hãy vui cùng những thành tích nhỏ bé của học trò và hãy chia sẻ những thất bại của chúng.

2. Bạn là người rất gần gũi với học trò, hãy cố gắng để chúng luôn cởi mở với bạn. Hãy vừa là bạn vừa là thầy của chúng.

3. Đừng ngại thừa nhận với học trò là mình không biết về một vấn đề nào đó. Hãy cùng chúng tìm câu trả lời.

4. Hãy cố gắng khơi dậy sự tự tin trong mỗi em học sinh. Khi đó chúng sẽ đạt tới nhiều đỉnh cao trong học tập.

5. Đừng đòi hỏi một “kỷ luật lý tưởng” trong giờ học. Bạn đừng độc đoán quá, hãy nhớ rằng giờ học là một phần cuộc sống của đứa trẻ, vì vậy đừng làm cho giờ học gò bó quá, cứng nhắc quá. Qua mỗi giờ học đứa trẻ cần trở thành một nhân cách cởi mở, say mê, sáng tạo và phát triển toàn diện.

6. Hãy cố gắng để giờ giảng của bạn không khuôn mẫu quá, chuẩn mực quá. Tuyệt vời nhất là trong mỗi giờ học đều có những “phát minh” nho nhỏ được diễn ra, những chân lí nho nhỏ được phát hiện, những đỉnh cao tri thức được chinh phục và những cuộc tìm kiếm bắt đầu.

7. Các cuộc gặp gỡ với phụ huynh học sinh cần thiết thực và hiệu quả. Mỗi buổi họp phụ huynh là dịp để bạn cung cấp thêm cho họ những kiến thức về tâm lí, sư phạm, về quá trình học tập.

8. Hãy bước vào lớp với nụ cười. Khi học trò chào, hãy nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng cúa chúng, vui thì chia vui, buồn thì động viên.

9. Hãy luôn ghi nhớ: Học trò không phải là một chiếc bình cần đổ đầy kiến thức, các em là những ngọn đuốc cần được thắp lên.

10. Điểm kém ảnh hưởng không tốt đến việc hình thành nhân cách của học trò. Bạn hãy cố gắng chùng nào có thể để tránh cho các em điểm kém. Hãy tìm cách khác để khắc phục tình trạng này.

11. Mỗi bài giảng của bạn phải là một bước tiến, dù là rất nhỏ, về phía trước trong việc khám phá tri thức. Học sinh cần phải vượt qua những khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và bạn hãy tính toán sao cho mức độ của những khó khăn đó thật phù hợp.

12. Đừng tìm những con đường dễ dàng nhất trong việc giảng dạy. Như thế học trò sẽ lười suy nghĩ, bạn cần làm cho chúng thấy việc học là lao động thực sự. Điều quan trọng nhất là bạn phải luôn khích lệ, luôn ở bên chúng khi khó khăn.

13. Nếu phải cân nhắc giữa hai điểm số khi cho điểm học sinh thì bạn hãy chọn điểm cao hơn. Hãy chắp cho đứa trẻ đôi cánh, hãy tin ở em, cho em hy vọng.

14. Không cần che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng cần tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm đó. Bạn hãy giúp chúng nhận ra, phát triển chúng thêm.

15. Hãy nhớ rằng trên lớp học sinh cần phải cảm thấy hấp dẫn và thú vị. Chỉ có sự hấp dẫn mới làm các em tập trung chú ý được.

16. Khi tiếp xúc với phụ huynh học sinh, bận cần nhớ rằng đối với họ đứa con là quí giá nhất trên đời. Vì thế, bạn hãy hết sức tế nhị, tránh đừng để phụ huynh bị tổn thương.

17. Đừng sợ xin lỗi học trò nếu thấy mình sai.Xin lỗi chỉ làm tăng uy tín của bạn trong mắt các em mà thôi. Khi các em mắc lỗi, bạn cũng đừng nóng nảy quá.

18. Hãy cố gắng sống hết mình với các em. Vui cùng vui, buồn cùng buồn. Đùa nghịch và dạy dỗ. Hãy kiềm chế khi các em nói dối. Công bằng, kiên trì và trung thực là khẩu hiệu của bạn.

19. Đừng dạy học sinh quá tự tin - sau này chúng sẽ bị xa lánh; quá rụt rè- chúng sẽ bị coi thường; quá lắm lời- chúng sẽ không được ai tính đến; quá cứng nhắc- chúng sẽ bị khước từ.

20. Một lần nữa xin nhắc lại: Hãy kiềm chế, bình tĩnh, kiền trì và mềm mỏng.

sinh.dangtrung@...
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên