13/12/2012 23:11 GMT+7

Không được thất hứa lần hai với dân

TR.TÂN - HÒA XUÂN - ANH KIỆT - V.TRƯỜNG - L.TRUNG
TR.TÂN - HÒA XUÂN - ANH KIỆT - V.TRƯỜNG - L.TRUNG

TT - Ngày 13-12, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Ninh Thuận, ông Phạm Văn Hậu - giám đốc Sở Xây dựng - đã trả lời chất vấn về chuyện người dân phải sử dụng nước nhiễm mặn, nhiễm bẩn.

Họp HĐND các tỉnh:

RPn1ZHyh.jpgPhóng to
Vườn tược bỏ hoang vì nhiễm mặn ở xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: DUY THANH

Đó là người dân các phường Mỹ Hải, Đông Hải, Mỹ Đông (TP Phan Rang - Tháp Chàm), nằm sát nhà máy nước của Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận. Ông Phạm Văn Hậu cho biết dự kiến đến cuối tháng 12-2012, người dân vùng này mới được sử dụng nước sinh hoạt đạt chuẩn.

Ông Hậu giải thích hiện nay việc mua lại Xí nghiệp nước Đông - Mỹ Hải của Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận chưa đạt được thống nhất về giá nên người dân trong vùng phải sử dụng nước của xí nghiệp này. Ông Nguyễn Chí Dũng - bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh - yêu cầu Sở Xây dựng cần thực hiện đúng lời hứa với dân, bởi vụ việc này đã thất hứa một lần, không được tiếp tục thất hứa lần thứ hai.

* Cùng ngày, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Phú Yên, đại biểu K’So Chiểu đã chất vấn về việc chi trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên trên địa bàn tỉnh còn rất chậm, 30% nhà giáo chưa được giải quyết chế độ này. Còn đại biểu Lê Thanh Đồng hỏi về việc Bộ Tài chính rót về 49,6 tỉ đồng để chi miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên nhưng đến thời điểm này chỉ mới giải ngân được hơn 20 tỉ đồng.

Ông Đỗ Duy Vinh - giám đốc Sở Tài chính - cho biết việc chi trả chậm là do Sở Giáo dục - đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chậm tổng hợp danh sách. Việc giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên bị chậm vì phải kê khai thủ tục đầy đủ. Còn việc trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên chậm do thất lạc hồ sơ và chưa đủ điều kiện được hưởng, nhất là các giáo viên mất quyết định tuyển dụng.

* Trước đó, ngày 12-12, tại cuộc họp thứ 5 HĐND tỉnh Đắk Lắk, đại biểu Y Bion Niê đã chất vấn về việc Trường THPT Tôn Đức Thắng (xã Tam Giang, huyện Krông Năng) đưa vào sử dụng tạm thời 7/32 phòng học được 4-5 tháng nay nhưng việc dạy và học của giáo viên, học sinh vô cùng khó khăn vì nhiều hạng mục như nhà vệ sinh, sân trường... vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện.

Ông Phạm Ngọc Nghị, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Đắk Lắk, cho biết dự án xây dựng Trường THPT Tôn Đức Thắng do UBND huyện Krông Năng làm chủ đầu tư không phải là công trình ưu tiên giải quyết trả nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, công trình này cần phải hoàn thành một số hạng mục để giáo viên, học sinh yên tâm dạy và học nên trong năm 2013 tỉnh sẽ bố trí thêm 1,5 tỉ đồng cho dự án này, số nợ còn thiếu sẽ bố trí tiếp trong các năm sau.

* Ngày 13-12, trong phiên chất vấn tại kỳ họp lần 6 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII, ông Nguyễn Văn Sỹ - chủ tịch HĐND tỉnh - đã yêu cầu UBND tỉnh trả lời về việc triển khai khắc phục những tồn tại ở những khu tái định cư (TĐC) các dự án thủy điện trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Quang, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, được UBND tỉnh giao trách nhiệm trả lời đã thẳng thắn cho đây là vấn đề bức xúc thật sự. Qua kiểm tra, UBND tỉnh đã thừa nhận tất cả khu TĐC các dự án thủy điện đang gây khó cho người dân, nhất là tình trạng thiếu đất sản xuất.

Từ thực tế đó, theo ông Quang, giải pháp không còn cách nào khác là phải tiếp tục hi sinh rừng, chuyển đổi đất rừng làm đất sản xuất cho dân. Đây là việc làm rất khó nhưng không thể không làm. Tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương về vấn đề này. Ông Quang dẫn chứng vừa qua tại xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, các cơ quan chức năng đã chuyển 832ha rừng sang đất sản xuất để cấp cho dân... và công việc này đang tiếp tục tiến hành đối với dân TĐC thủy điện Sông Tranh 2, các dự án thủy điện khác ở Đăk Mi 4, A Vương cũng vậy.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ lưu ý cơ quan chức năng tham mưu và UBND tỉnh cần quyết liệt giải quyết những tồn tại bức xúc mà cử tri nêu trên cơ sở phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu trong việc đưa ra các giải pháp, giải quyết cho từng vấn đề cụ thể. Ông Sỹ cũng nhắc “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” là tiêu chí hàng đầu đặt ra khi thực hiện các dự án thủy điện.

Về nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết từ đầu mùa mưa năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lượng mưa chỉ đạt 60-70% lượng mưa trung bình nhiều năm nên không đảm bảo nguồn nước sinh hoạt nông nghiệp. Hiện còn thiếu 100 triệu m³ nước khiến 8.000ha lúa thiếu nước trầm trọng.

Ông Nguyễn Văn Sỹ đề nghị UBND tỉnh làm việc với các ban quản lý dự án thủy điện về vấn đề điều tiết nước trong mùa khô, còn nếu không thực hiện được điều đó thì vấn đề huy động mọi nguồn lực tiết kiệm nước của người dân dưới hạ du đều vô ích. Tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn EVN chỉ đạo các nhà máy thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Côn, Sông Tranh 2 hạn chế đến mức thấp nhất việc xả nước phát điện từ nay đến trước ngày 20-12.

TR.TÂN - HÒA XUÂN - ANH KIỆT - V.TRƯỜNG - L.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên