Theo đa số ý kiến của bạn đọc, để bớt gây phiền toái cho người dân không còn cách nào khác là ga Sài Gòn phải tự thay đổi và làm mới mình, không thể chấp nhận cung cách phục vụ rối rắm "đến hẹn lại lên" như đã và đang xảy ra.TTO xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu của bạn đọc:
Phóng to |
Quá sức chịu đựng khi mạng www.vetau.com.vn liên tục báo lỗi - Ảnh: Mậu Trường |
Thực trạng và 5 giải pháp cho ngành đường sắt
Có lẽ ngành đường sắt phải chờ đến khi có đường sắt cao tốc mới chịu nâng cấp dịch vụ bán vé thôi. Còn việc quản lý khác thì ôi thôi: bắt xe đến ga tàu thì bắt đầu thấy một dàn những xe ôm, cò mồi, buôn bán lê thê, xả rác bừa bãi ngoài cổng đến sân ga.
Mua vé tàu tập cho tôi tính kiên nhẫn! Ai chưa đặt chỗ mua vé tàu chứ tôi mua được vé rồi. Tuy nhiên, qua vụ này tôi cũng cảm ơn rất nhiều vì đã học thêm được tính kiên nhẫn. Từ 8g sáng đã có mặt trong phòng vi tính của công ty rồi. 9g vẫn chưa vào được, bạn bè bèn hỗ trợ mỗi đứa 15 phút liên tục online. 10g, 11g... và đến 16g. Hết giờ làm việc mà trang vé tàu vẫn chưa xuất hiện. 19g tiếp tục online ở nhà. OK vào đăng nhập: "Không có chỗ theo yêu cầu" liên tục xuất hiện. Và cuối cùng tôi cũng đặt được 4 vé cho cả nhà nhưng chỉ còn chiều về sau tết. Tiếp tục đặt chỗ nữa nhưng trang web không cho tôi đặt thêm nữa. Và như vậy, chiều đi tôi đành phải mua vé xe vậy. |
Còn hệ thống đặt chỗ (ví dụ như vetau.com.vn) thì chỉ có ý nghĩa với dịp tết, mà dịp tết thì nghẽn mạch hết 23 giờ trong ngày, các ngày tháng không cao điểm muốn đặt chỗ thì potay.com? Lại phải ra ga hoặc mấy điểm bán vé. Một điểm cuối nữa là con tàu nó cũ kỹ làm sao!
Nói xấu thì cũng phải nói đẹp!
Tôi vẫn chấp nhận đi tàu vì tính an toàn so với các phương tiện hiện nay ở Việt Nam như xe đò và máy bay. Sự cố xe đò thì có thể bị thương thôi chứ sự cố máy bay thì mất xác. Thứ hai là giá thành cũng có thể chấp nhận được; ví dụ với đoạn Sài Gòn - Nha Trang hoặc ra đến miền Trung thì giá vài trăm nghìn đồng là không quá cao (có thể cao so với dịch vụ nhận được). Thứ ba là thời gian linh hoạt: tôi thường chọn những chuyến tàu khởi hành buổi chiều tối, đến sáng hôm sau là đến miền Trung (vẫn ngủ được 1 giấc mà tàu chạy cũng khá êm ái), đỡ tốn thời gian rất nhiều.
Đề xuất với ngành đường sắt:
1- Cải tiến hệ thống đặt chỗ qua mạng thật chuyên nghiệp, tự đầu tư hoặc có thể thuê 1 đơn vị chuyên nghiệp để làm, có thể đặt chỗ quanh năm suốt tháng được, làm như vậy sẽ đỡ rất nhiều công sức người dân, giảm bớt số lượng cò mồi, giảm nhân viên bán vé, giảm nạn “phe vé” (vé bị mang ra bán lại cho chợ đen, trong khi người mua đàng hoàng thì lại kêu hết vé?!). Có thể bán lại dịch vụ đặt chỗ cho các đại lý, ngành đường sắt chỉ quản lý số lượng vé theo lịch trình và quản lý việc phân bổ vé một cách hợp lý.
2- Cải tiến lại các toa tàu cho sạch sẽ, tươm tất, cấm ăn uống linh tinh trong tàu, quản lý nghiêm khắc với hành khách không tuân thủ nội quy đi tàu, cấm việc buôn bán bẩn thỉu ảnh hưởng đến vệ sinh của toa tàu.
3- Nhà nước cần phải đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của ngành đường sắt, trước mắt cần phải cải tiến phòng chờ, sân ga cho khang trang hơn, không thể bằng sân bay, nhưng ít ra thì khách du lịch đi tàu cũng phải hứng khởi với một nhà ga tươm tất và sạch sẽ; cải tiến hệ thống phục vụ tại sân ga như dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, dịch vụ khuân vác (mình có 1 cái vali cần 1 xe đẩy mà phải thuê 1 người đẩy phụ xe, trong khi chỉ cần xe đẩy thì mình tự đẩy được: vừa tốn công vừa chật chội, vừa tăng chi phí).
4- Việc đầu tư 1 đường sắt song hành có lẽ tiết kiệm chi phí mà đủ để giải quyết hoàn toàn nhu cầu đi lại của người dân, vì trong tương lai khi người ta có tiền nhiều thì đi xa họ sẽ đi máy bay, chẳng nhiều người đi từ Sài Gòn ra Hà Nội lại đi tàu cao tốc.
5- Tha thiết mong mỏi các ông bà nghị đừng xây dựng đường tàu cao tốc, ít nhất trong vòng 30 năm nữa khi mà dân ta vẫn còn quá nghèo.
Giải quyết vấn nạn kẹt vé
Theo tôi, để giải quyết vấn nạn kẹt mạng khi mua vé tàu có thể dùng các biện pháp sau:
1- Vì nhà ga không đủ năng lực vận hành hệ thống website bán vé tàu, website này nên để một công ty chuyên về công nghệ thông tin thực hiện và vận hành. Công khai tên công ty này lên hệ thống thông tin đại chúng. Họ sẽ có trách nhiệm vận hành tốt hệ thống này vì danh dự cũng như uy tín của bản thân họ nếu để xảy ra sự cố. Nói như ông Sang là cách nói cù cưa, huề cả làng. Nếu anh sợ tốn chi phí mua thiết bị chỉ để phục vụ mấy ngày tết thì anh hãy đi thuê. Việc nghẽn mạng vé tàu làm lãng phí của xã hội biết bao nhiêu thời gian. Nên tốn chi phí đầu tư nhằm gián tiếp giảm lãng phí của xã hội là điều nên làm.
2- Nếu ga Sài Gòn không đủ năng lực bán vé với số lượng lớn, hãy để các công ty tư nhân đảm nhiệm việc này. Họ sẽ được hưởng 4-5% trên mỗi vé bán được. Nếu chi hoa hồng mà mua được vé thì tôi nghĩ mọi người sẽ đồng tình còn hơn là mất thời gian chầu chực để rồi vừa tốn phí chợ đen, vừa mất thời gian, vừa bực mình. Khi đó ga Sài Gòn chỉ làm nhiệm vụ chính là phục vụ khách thôi và không còn chức năng phát hành vé.
Tại sao?
Tại sao mua vé tàu không được? Theo tôi có 2 ý chính sau đây:
1 - Quyền lợi của nhân viên ngành đường sắt khi cung cầu không gặp nhau, nên chả ai dại gì gỡ cái nút thắt.
2- Sự làm ngơ và ngoan cố của một số người có trách nhiệm trong việc giải quyết bài toán giao thông vận tải.
Ai sẽ vào cuộc?
Đến khi nào người dân mới mua được tấm vé một cách đàng hoàng đây? Đặt mua đâu thuộc về ga cũng đều nhận được một câu trả lời là hết vé, nhưng ra khỏi cổng nhà ga thì muốn mua bao nhiêu vé loại nào cũng có tha hồ lựa ngày mà đi, chào mời tấp nập như cái chợ bán vé tàu trước ga.
Đây là căn bệnh ung thư quá nặng của ga Sài Gòn mà bất cứ người dân đi tàu nào cũng biết, nhưng tôi chẳng thấy ai vào cuộc để ngăn chặn căn bệnh ung thư này, cứ để nó tiến triển mãi.
Cứ thế này người dân chỉ biết kêu trời chứ biết dựa vào ai đây?
Vé tàu tết
Không biết ga Sài Gòn thiết kế trang web bán vé qua mạng kiểu gì mà từ sáng đến tối người mua không vào được. Chẳng lẽ nhà ga không đủ nhân lực, vật lực để thiết kế trang web hay là cố tình để trang web như thế! Thật là buồn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận