Tuyên chiến với cướp giậtCướp giật táo tợn trên đường phố Sài GònTáo tợn chặt tay người đi đường cướp tài sản
Phóng to |
Một đối tượng cướp giật bị bắt nóng ở cầu Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Sơn Bình |
* Rời ngân hàng, bị cướp
Khoảng 11g ngày 22-11, sau khi rút tiền tại ngân hàng trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh), tôi về đến đường Võ Thị Sáu thì bị bốn người đi trên ba xe máy ép, dàn cảnh đụng xe và cướp của tôi 50 triệu đồng. Hiện nay tình hình cướp giật tại TP.HCM quá báo động. Đề nghị cơ quan công an cần tăng cường tuần tra, tấn công bọn cướp giật để người dân được sống bình an.
* Đón taxi bị giật dây chuyền
Tôi sống tại đoạn đường Trần Hưng Đạo, nơi xảy ra vụ cô gái đang đi bộ bị đối tượng chạy xe máy giật giỏ xách. Cách đây khoảng hai tháng, người nhà tôi cũng bị giật dây chuyền khi đón taxi ở đây. Hai tên cướp đi xe máy, dàn cảnh cản đường taxi tấp vào lề để đón khách, sau đó chúng len vào giữa taxi và khách, rồi giật dây chuyền một cách rất nhẹ nhàng. Người dân khu vực này cần cẩn thận vì đoạn đường ở đây rộng rãi, có nhiều nhánh chạy ra đại lộ Đông - Tây và các ngả đường khác để tẩu thoát.
* Đổ xăng, bị cướp túi xách
Khoảng 21g ngày 22-11, trên đường đi làm về tôi ghé cây xăng trên đường Kinh Dương Vương để đổ xăng. Lúc mở yên xe để đổ xăng, bất ngờ một người đi xe tay ga chồm lên giật phăng túi xách để trong cốp xe của tôi gồm giấy tờ và tiền bạc. Vì quá bất ngờ nên không ai phản ứng kịp. Tôi mong ngành công an phải có biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng cướp giật, vì hiện nay chúng quá lộng hành, quá manh động và không từ thủ đoạn nào.
* Nhiều nạn nhân
Cuối tháng 6 vừa qua tôi bị cướp túi xách, trong đó có laptop và tài liệu quan trọng. Tôi bị cướp ở đường Trần Xuân Soạn (Q.7). Sau khi bị cướp, tôi tới trình báo công an phường thì nghe một anh công an nói rằng mấy vụ này khó tìm ra thủ phạm lắm. Đúng là khó thật, vì từ đó đến nay cũng chưa có thông tin gì.
Tôi kể chuyện này cho bạn bè thì nhiều người kể họ từng bị cướp, ít nhất là một lần, trong đó nhiều người bị cướp dọc đường Trần Xuân Soạn. Tình trạng cướp giật như vậy rất nguy hiểm cho người đi đường. Giờ tôi cảm thấy rất bất an khi ra đường.
* Cướp trong hẻm
Buổi sáng đi làm, vừa chạy xe đến một khúc cua trong hẻm trên đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, bất ngờ tên cướp trờ tới giật túi xách đựng laptop của tôi. May là tôi cẩn thận quàng quai túi xách vào móc xe nên túi xách bị vướng lại, vụ cướp giật bất thành. Khi tôi tri hô thì tên cướp đã bỏ chạy, hỏi ra người dân gần đó cho biết đã xảy ra mấy vụ cướp tại khúc cua này. Những ngày sau đó đứng trên gác trọ quan sát, tôi vẫn thấy tên cướp lượn ra lượn vô mấy vòng của khu hẻm. Sau đó khoảng hai ngày, tôi lại nghe một chị trong hẻm kể mới bị giật túi xách để trên xe, theo mô tả thì đúng như tên cướp hôm trước tôi gặp. Hình như tên này chuyên cướp trong con hẻm nhà tôi. Tôi kể ra đây mong mọi người cẩn thận tự bảo vệ mình trước và mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để người dân cảm thấy an tâm hơn khi ra đường.
* Chỉ một đối tượng
Tại khu vực đường Dương Quảng Hàm và đường số 20, P.5 và P.6, quận Gò Vấp, tôi bị kẻ cướp giật dây chuyền làm cả xe và người ngã xuống đường. Ở khu vực này, tôi đã chứng kiến vài người khác cũng bị cướp dây chuyền như tôi. Đối tượng cướp là một thanh niên chừng 20-25 tuổi, chạy xe một mình. Qua lần bị cướp và nhiều lần chứng kiến người khác bị cướp, bây giờ ra đường tôi rất sợ hãi.
Tôi nghĩ để bắt được đối tượng cướp này không khó. Chỉ cần cho một phụ nữ mang nữ trang ở cổ và công an giả đóng dân thường núp quanh đoạn đường đó thì chắc là bắt được. Mong ngành công an ra tay, không nên để kẻ cướp nhởn nhơ ngoài xã hội như thế.
Những cách tự bảo vệ Đây là một số gợi ý nhằm giúp người dân tự bảo vệ mình trước nạn cướp giật đang lộng hành: 1. Không nên đeo trang sức giá trị cao như vòng vàng, lắc, dây chuyền, hoa tai... khi ra đường. Nếu có đeo trang sức đắt tiền, cần trang bị áo khoác, khăn choàng... nhằm tránh thu hút sự chú ý của các đối tượng cướp giật. 2. Khi lưu thông trên đường mà có mang giỏ xách, máy tính xách tay thì cần cho vào cốp xe hoặc cài quai đeo giỏ xách, balô, cặp... vào móc xe cẩn thận, tránh sơ suất tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tội phạm ra tay. Lưu ý không nên đeo giỏ xách, balô trên người hoặc để ở baga phía trước. 3. Tránh nghe điện thoại di động khi đang đi trên đường mà nên dừng hẳn xe, đỗ vào lề đường để nghe. 4. Khi sử dụng các loại xe máy đắt tiền cần tránh/hạn chế đi vào những tuyến đường vắng người, tối hoặc khi đêm khuya để đề phòng bất trắc. Khi có nhu cầu phải đi cần đi cùng người thân, chú ý quan sát phía sau bằng gương chiếu hậu để nhận biết xem có đối tượng khả nghi bám theo không để xử lý kịp thời. 5. Khi rơi vào tình huống bị cướp giật hoặc bị gây thương tích do cướp giật, người dân cần cố gắng giữ bình tĩnh, tìm cách bảo toàn tính mạng và tri hô lớn, rõ ràng để có người hỗ trợ. Gặp cướp có vũ khí nguy hiểm thì không nên kháng cự hoặc cố gắng giữ tài sản đến cùng, tránh tình trạng đối tượng phạm tội sẽ manh động và gây án đến cùng, dẫn đến thiệt hại tính mạng cho người dân. 6. Nếu chẳng may bị cướp giật, người dân cần đến trình báo cơ quan công an nơi xảy ra sự việc hoặc công an nơi gần nhất để điều tra, xử lý. Khi trình báo cho cơ quan công an cần nêu địa điểm, thời gian xảy ra sự việc, nhận dạng bọn cướp, biển số xe, loại xe... giúp cơ quan công an khoanh vùng đối tượng. 7. Cuối cùng, người dân nên theo dõi trên các phương tiện thông tin truyền thông để kịp thời nắm bắt các hình thức gây án mà bọn tội phạm hay ra tay, các tuyến đường “nóng” thường xảy ra cướp giật... để phòng ngừa, ứng phó. Người dân cũng nên quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân để bảo vệ tính mạng, tài sản và ngăn chặn hành vi phạm tội nếu thấy vụ việc xảy ra. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận