Giấc mơ biển cả của những người đi mãi không về năm đó giờ đang được chính con em họ tiếp nối...
Phóng to |
Nguyễn Bão Biển: “Con rất thích và sẽ tiếp nối nghề đi biển của cha” - Ảnh: Tấn Đức |
Xã Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau) là nơi gánh chịu những hậu quả bi thảm nhất của bão Linda (cơn bão số 5-1997) với hơn 500 ngư dân thiệt mạng. Biện Nhị, Chệt Tửng, Lung Lá, kinh Xáng Mới... vẫn những địa danh xưa, vẫn những con người cũ, từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác bám biển mưu sinh. Nhưng bây giờ ngư dân nơi đây đang hướng ra biển với tâm thế khác.
“Bão Biển” và “Hận Biển”
Chúng tôi tìm đến nhà Hận Biển, cậu bé sinh đúng vào những ngày bão Linda quét qua vùng đất cực Nam. Cha Hận Biển là con út trong một gia đình quê ở Miệt Thứ (Kiên Giang), di cư về vùng đất Khai Hoang, giáp ranh hai xã Khánh Lâm và Nguyễn Phích lập nghiệp. Cha Hận Biển, khi ấy chưa tròn 21 tuổi đời, đã gửi người vợ trẻ mang bụng bầu hơn 8 tháng lại cho cha mẹ già, rồi đi bạn (làm ngư dân) cho một chủ ghe ở thị trấn U Minh.
Đêm 2-11, nghe tin bão ập tới bất thình lình, người vợ trẻ đã linh cảm được điều xấu nhất, cứ bồn chồn không yên. Bão tan, xác ngư dân tới tấp đưa về cửa biển Khánh Hội. Một tuần, rồi hai tuần trôi qua vẫn không thấy tin tức gì của chồng. Rồi chị chuyển dạ. Một bé trai kháu khỉnh tóc xoăn ra đời, chị lấy luôn nỗi lòng mình đặt tên cho con - Trần Hận Biển.
Hận Biển chập chững biết đi, góa phụ trẻ biết chắc chồng mình đã không trở về qua tin tức của những ngư dân may mắn sống sót trên chiếc ghe bị nạn cùng địa điểm, cách Hòn Khoai (Cà Mau) hơn chục hải lý. Tắt hi vọng, góa phụ trẻ ôm con cùng cha mẹ chồng quay lại Miệt Thứ. Hiện ngôi nhà tranh tạm bợ của họ chỉ còn trơ lại nền đất. Chị Oanh, một hàng xóm, cho hay: “Mấy năm sau ngày cha Hận Biển gặp nạn, chú nó lên đón cả gia đình về quê. Nghe đâu giờ nó cũng tiếp tục nghề đi biển của cha”.
Chúng tôi ngược lộ Khai Hoang - Khánh Hội rồi thuê vỏ lãi theo con kênh Xáng Mới vô ấp 7 (xã Khánh Hội) đi tìm Bão Biển. “Con không cha như nhà không nóc”, vậy mà Bão Biển ra đời trong cảnh nhà trống tới hai nóc nhà, theo cả nghĩa đen và nghĩa ẩn dụ của từ này. Mẹ Bão Biển sinh em trong một đêm mưa gió mịt mùng, căn nhà bên bờ kênh Xáng Mới bị bão tốc phăng mái, trong khi người chồng, người cha cũng bị bão nhấn chìm vào lòng biển.
Nhưng dẫu sao Bão Biển vẫn có cái “may mắn” hơn Hận Biển khi cậu biết đích xác ngày cha mình - anh Nguyễn Văn Út - ra đi mãi mãi nhờ một người bạn ghe sống sót trở về báo tin.
Bão Biển lên 2 tuổi, mẹ cậu, chị Nguyễn Kiều Phương, khi ấy mới tròn 20 tuổi đã gửi cậu lại cho bà ngoại, lên Bình Dương làm công nhân. Bão Biển lớn lên như cây lau, cây sậy ngoài đồng. Ở tuổi 15, trông cậu chững chạc như thanh niên trưởng thành với nước da ngậm phèn, ngậm muối, đen đúa và rắn rỏi đúng chất con “nhà nòi” miệt biển.
Học hết lớp 7, Bão Biển bỏ ngang, vì “thích đi biển hơn thích học bài”. Và cậu cũng đã mấy lần theo ghe ra biển làm việc như một ngư dân thực thụ. Trước lựa chọn của đứa cháu ngoại, bà Sáu Lánh, ngoại Bão Biển, chỉ còn biết vuốt đầu cháu mà dặn: “Cẩn thận nghe con, cha bây đã bỏ mình ngoài biển rồi đó”. Nó cười vô tư: “Thì cha sẽ phù hộ cho con trúng mùa”, rồi chạy vù ra hướng biển.
“Chí Tâm” lại ra khơi
Tại làng biển Khánh Hội, hộ ông Trần Văn Húa (Năm Húa, 75 tuổi) là một trong những gia đình chịu thiệt hại nặng nề nhất trong bão Linda, khi có tới ba con ruột, hai con rể và một cháu ngoại tử nạn không tìm thấy thi thể. Ngoài ra, hai chiếc tàu cùng ngư cụ trị giá cả tỉ đồng, là gia sản gần cả đời cha con ông dành dụm được, cũng tan theo cơn bão. Thế nhưng sau cơn bão gia đình ông vẫn phải gượng đứng lên để bám biển mưu sinh, vì đó là nghề duy nhất đã truyền qua ba đời trong dòng họ ông Năm Húa.
Cơn bão “thế kỷ” Bão Linda (bão số 5) xuất hiện từ ngày 1 đến 3-11-1997, là cơn bão gây thiệt hại nặng nhất về người và của cho Nam bộ và vùng biển phụ cận trong 100 năm qua. Bão có sức gió lên tới 150 km/giờ, làm thiệt mạng khoảng 4.500 người (đa số là ngư dân Cà Mau), hư hại hơn 200.000 căn nhà, 325.000ha ruộng. (Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương) |
“Anh biết vì sao tàu đã có số rồi mà còn kèm theo tên hiệu Chí Tâm không. Đó là tên hai đứa em ruột của tôi, Trần Minh Chí và Trần Chí Tâm, đã bỏ mình trong cơn bão. Họ đã mất nhưng cha tôi muốn mỗi chuyến ra khơi đều có sự hiện diện của các con. Đó cũng là cách ông nhắc chúng tôi phải hết sức cẩn trọng, không được lơ là trước biển cả đầy tôm cá mà cũng đầy bất trắc” - anh Trần Văn Cò tâm sự.
Cách nhà ông Năm Húa hơn nửa giờ đò dọc là gia đình chị Trần Thị Lăng. Trước bão Linda, gia đình chị có hai chiếc tàu câu mực. Lúc bão ập đến, chồng chị - anh Trần Văn Oanh - đi trên một tàu cùng sáu ngư dân, con trai đầu Trần Văn Huấn (khi ấy mới 16 tuổi) làm tài công trên chiếc tàu thứ hai. Bão biển đã nhấn chìm chồng chị cùng hai chiếc tàu, người con trai may mắn được một tàu ở Rạch Giá vớt được sau hai ngày trôi trên biển trong tình trạng bị cá cắn lở khắp người. Chồng mất để lại cho chị năm đứa con, bốn trai, một gái, đứa nhỏ nhất mới lên 7.
Điều bất ngờ là chỉ vài tháng sau khi trị lành vết thương tinh thần và trên thân thể, người con đầu Trần Văn Huấn lại tiếp tục xuống tàu ra khơi. Rồi lần lượt cả 3 người em của Huấn là Trần Văn Hóa, Trần Văn Lanh, Trần Văn Khanh cũng tiếp nối anh ra biển, người làm tài công, người đi bạn.
Bão làm thay đổi nhận thức của ngư dân
Đó là nhận xét của ông Đỗ Chí Sĩ, chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau. “Trước bão Linda, ngư dân Cà Mau ít ai tin rằng vùng biển bao đời lặng sóng này lại có thể xảy ra bão lớn. Chính vì vậy ý thức phòng tránh bão của ngư dân rất thấp là một trong những nguyên nhân dẫn tới hậu quả tang thương đến vậy. Còn bây giờ hầu như tất cả phương tiện ra khơi, ngoài việc đầu tư tàu công suất lớn còn trang bị đầy đủ phao cứu sinh cùng thiết bị vô tuyến, viễn thông để có thể tiếp nhận thông tin thời tiết ở bất cứ vị trí nào trên biển” - ông Sĩ cho biết.
Ông Sĩ cũng đưa ra con số chứng minh: toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 5.000 tàu khai thác thủy sản trên biển, trong đó 3.600 chiếc có công suất trên 20 CV. “Tuy còn phải tiếp tục đầu tư, nâng cấp để đi xa hơn, nhưng nếu so với thời điểm trước bão Linda thì quy mô và trang bị của đội tàu đã bứt phá vượt bậc” - ông Sĩ khẳng định.
Ông Trần Văn Quang, phó bí thư xã Khánh Hội, người có hàng chục năm gắn bó với công tác dân vận của địa phương có đông đảo người dân sinh sống bằng nghề biển, cho hay: “Hồi bão Linda, tôi cầm loa đi dọc theo đê biển kêu gọi người dân gia cố nhà cửa, dùng mọi phương tiện gọi người thân trên biển trở về nhưng thấy nhiều người quá dửng dưng. Còn bây giờ nhớn có tin bão là dân cuống cuồng lo đối phó. Nhờ vậy thiệt hại do mấy trận bão về sau đã giảm rất nhiều”.
Nữ anh hùng bán tàu trả nợ
Trong cơn bão Linda, Nguyễn Thị Hồng là nữ thuyền trưởng duy nhất lèo lái con thuyền vượt qua mắt bão. Trong đêm 2 rạng sáng 3-11, mặc dù đang quay cuồng trong mắt bão, nhưng nghe tiếng kêu cứu của ngư dân, chị Hồng (khi ấy ở tuổi 42, với gần 20 năm kinh nghiệm đi biển) đã ra lệnh cho thủy thủ đoàn buộc dây vào phao ném xuống biển lần lượt kéo những người bị nạn lên tàu. Sau một đêm vật lộn với sóng dữ đến lả người, kể cả phải đổ bỏ 50 tấn cá cơm cho tàu của mình nhẹ bớt, người phụ nữ kiên cường này đã cứu được 36 người. Sau hành động dũng cảm này, chị đã được phong tặng Anh hùng Lao động, Phụ nữ tài năng thời kỳ đổi mới và nhiều danh hiệu cao quý khác. Cũng sau cơn bão, tàu bị hỏng nặng, cộng với lượng cá cơm khá lớn trên tàu mà chị mua rồi đổ đi, tổng thiệt hại trên 300 triệu đồng. Được hỗ trợ một phần, cộng với số tiền vay ưu đãi sau bão, chị Hồng đã sửa chữa con tàu và tiếp tục ra khơi. Nhưng rồi do lâm vào cảnh thất bát liên tục, có lúc con tàu “lịch sử” trị giá hơn 700 triệu đồng phải nằm bến, nữ anh hùng của biển cả thất nghiệp, nhiều khi phải xoay qua nghề bán nước mắm để mưu sinh. Nhớ biển, nhớ nghề, chị đi gõ cửa khắp nơi để xin việc làm phù hợp với sở trường nhưng đều bị từ chối, dù trước đó người ta đã hứa hẹn đủ điều. Cuối cùng chị đã phải đứt ruột bán con tàu để trả nợ. Một ngày đầu tháng 11-2012, chúng tôi trở lại khu phố Tân Hà, phường Tân Long (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) tìm thăm chị Hồng. Trong căn nhà cổng chính vẫn luôn giữ một màu xanh nước biển, một cháu gái của chị cho biết sau khi kết hôn với doanh nhân người Úc (vào tháng 2-2006), nữ thuyền trưởng anh hùng đã theo chồng “cập bến” bên bờ đại dương.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận