Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Việt Dũng |
Ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội): Lựa sức mà làm
Tôi thấy đây là một hiệu ứng của Hội nghị trung ương 6 vừa kết thúc. Lâu nay, có những lỗi mà người dân nhìn thấy rất rõ nhưng không thấy ai nhận trách nhiệm và xin lỗi, thì nay Thủ tướng đã đứng lên và nói rằng tôi nhận trách nhiệm và xin lỗi. Như vậy người dân sẽ cảm thấy đó là hành động thẳng thắn giữa một diễn đàn công khai là Quốc hội.
Cùng với lời xin lỗi là những giải pháp được tuyên bố khá mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Thủ tướng nói riêng và Chính phủ nói chung. Tuy nhiên cá nhân tôi cũng thấy lo lắng, bởi vì nền kinh tế đang đứng trước những khó khăn rất lớn, liệu rằng bằng ý chí có thể vượt qua được hay không? Nhất là trong cách đặt vấn đề thì tôi thấy Chính phủ vẫn đi theo nếp cũ, chẳng hạn là cách đặt ra những con số tăng trưởng. Tôi cho rằng đã đến lúc phải tái cấu trúc cả tư duy để phân biệt tăng trưởng sạch và tăng trưởng không sạch, tăng trưởng tích cực và tăng trưởng tiêu cực..., nhất là trong lúc nền kinh tế như cơ thể đang ốm yếu phải lựa sức mà làm. Đặc biệt phải làm sao để người dân chia sẻ được với Chính phủ trong việc làm, chứ chỉ nhìn vào ý chí của Chính phủ không thôi tôi e ngại lời hứa sẽ khó thành hiện thực.
Tôi thấy nhiều người dân nói rất hay là Vinashin, Vinalines không quan trọng bằng “Vina... cho”. Đây không chỉ là cách chơi chữ, mà người ta muốn nói đến trách nhiệm của Chính phủ, trong đó có cả trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đồng tiền, tài nguyên đất nước. Vừa qua, do tình trạng chủ quan, duy ý chí, buông lỏng quản lý, để tình trạng xin - cho diễn ra tràn lan, đi tỉnh nào cũng thấy có sân bay, sân golf, bến cảng...
Đại biểu NGUYỄN TẤN TUÂN (phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa): Siết kỷ luật, kỷ cương
Thủ tướng nhận lỗi trước Quốc hội thể hiện trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu trong quản lý, điều hành đất nước. Tuy nhiên, người dân cũng đang trông đợi trong điều hành của Chính phủ thời gian tới cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm quản lý nguồn vốn, tài sản của nhà nước. Như vừa qua là trách nhiệm chung chung, không rõ đâu là trách nhiệm người đứng đầu, đâu là trách nhiệm tập thể...
Từ bài học rất đau như vừa qua, trong thời gian tới cần lập lại trật tự, kỷ cương trong điều hành, quản lý đất nước. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và có biện pháp xử lý trách nhiệm thích hợp. Trước hết, cần minh bạch vốn của Nhà nước - tức vốn của dân - đã giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Những tập đoàn, tổng công ty nào làm ăn không hiệu quả thì mạnh dạn “giải tán” và thu lại nguồn vốn. Trong quá trình bổ nhiệm các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước, phải đặt chế độ trách nhiệm cá nhân lên hàng đầu. Nếu không làm tròn trách nhiệm, nhiệm vụ được giao thì cần xem xét tín nhiệm.
Đại biểu Quốc hội CÙ THỊ HẬU (chủ tịch Hội Người cao tuổi VN): Cải thiện đời sống người dân
Thủ tướng nhận trách nhiệm trước nhân dân đã để xảy ra tình trạng một số sai phạm như thời gian qua là vấn đề tốt, cũng là bài học để các thành viên Chính phủ và Thủ tướng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Đã thấy được những khuyết điểm cần khắc phục, sửa chữa, nếu Chính phủ chỉ đạo, điều hành quyết liệt sẽ khắc phục được trì trệ hiện nay của nền kinh tế.
Cử tri đặt yêu cầu việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng phải đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn hiện nay, làm sao cải thiện đời sống người dân... Việc quản lý của Chính phủ phải sát thực tế, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đưa ra các quyết sách không quan liêu. Trong công tác, việc đề bạt cán bộ không đúng chuẩn chất cũng là việc mà Chính phủ cần rút kinh nghiệm.
Chính phủ phải điều hành cho đời sống người dân khá hơn
Ông Đào Danh Kính (đảng viên P.7, Q.3, TP.HCM):
Đọc lời xin lỗi của Thủ tướng Chính phủ, bản thân tôi thấy Thủ tướng tự kiểm điểm và nhìn nhận như vậy là nghiêm túc. Quan trọng là thời gian sắp tới phải giải quyết ra sao.
Nghe báo cáo của Thanh tra Chính phủ, người dân thấy sốt ruột vì nạn tham nhũng lại tăng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng trong nhiều ngành, nhiều cấp với nhiều biểu hiện tinh vi, phức tạp. Hành động cụ thể để Chính phủ sửa sai, sửa lỗi là phải đánh thật mạnh vào nạn tham nhũng, xử lý mạnh tay cá nhân nào tham nhũng. Ngoài ra, Chính phủ cần điều hành, quản lý xã hội tốt hơn, phải dẹp được nạn trộm cướp, giựt dọc để đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân.
Bà Ngô Thị Thúy Hằng (Q.Thanh Xuân, Hà Nội):
Điều mà nhân dân quan tâm lúc này là hành động cụ thể của Chính phủ sau lời xin lỗi. Ví dụ: thời gian sắp tới việc điều hành, quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước được khắc phục thế nào? Chính phủ quản lý, điều hành thế nào để đời sống người dân khá hơn? Những cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc ra sao?...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận