28/08/2012 06:49 GMT+7

Sớm cải thiện bữa ăn công nhân

NG.NAM - MAI HƯƠNG ghi
NG.NAM - MAI HƯƠNG ghi

TT - Bức xúc và đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể để cải thiện bữa ăn công nhân là ý kiến số đông trong các phản hồi bài “Xà xẻo bữa cơm công nhân”.

BgWkHwIy.jpgPhóng to
Bữa ăn của công nhân tại Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1, Q.Thủ Đức, TP.HCM) được công ty chăm lo chất lượng - Ảnh: Duy Minh

* Ông Nguyễn Tầm Dương(phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương):

Phải có quy định về bữa ăn giữa ca

Hiện nay các doanh nghiệp (DN) lo bữa ăn giữa ca cho công nhân là họ thấy cần thiết phải làm như vậy để đảm bảo sức khỏe cho người lao động nhằm sử dụng lao động lâu dài, đạt năng suất lao động cao, chứ chưa có luật nào quy định bắt buộc DN phải làm điều này. Vì vậy, để giải quyết vấn đề bữa ăn giữa ca thì phải đưa ra quy định và trên cơ sở đó mới có thể tính đến chuyện đảm bảo định lượng và chất lượng bữa ăn phù hợp.

Với đội ngũ chuyên gia ở nước ta, việc nghiên cứu định lượng bữa ăn, giá cả suất ăn phù hợp với thể trạng người VN không khó. Vấn đề cần giải quyết là giá trị bữa ăn phải tính thế nào khi giá cả của từng vùng miền khác nhau. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn chuyện một nhân viên được giao đi mua cơm cho công nhân nhưng lại ăn chặn tiền cơm của công nhân thì không thể kiểm soát được. Giám đốc các DN cần rà soát kỹ nhân viên được giao đi đặt cơm và đây là trách nhiệm của các ông chủ.

* Ông Trần Thanh Hải(phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM):

Cần định lượng về chuẩn dinh dưỡng

Chuyện bữa ăn giữa ca kém chất lượng là vấn đề mà tổ chức công đoàn TP.HCM đã được công nhân, cán bộ công đoàn cơ sở phản ảnh khá nhiều lần. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến ngừng việc tập thể và làm tình hình quan hệ lao động thêm phức tạp.

Để giữ mối quan hệ lao động trong DN ổn định, tôi cho rằng chủ DN nên có sự quan tâm và tôn trọng đúng mức bữa ăn giữa ca cho công nhân. Để hạn chế chuyện tiền suất ăn bị xà xẻo, chia năm xẻ bảy, tốt hơn hết, tùy theo quy mô của từng nơi mà DN nên trực tiếp tổ chức bữa ăn giữa ca cho công nhân. Bằng cách này, DN sẽ có điều kiện nâng chất bữa ăn, giám sát được về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế thời gian qua, một số DN đã làm tốt vấn đề này và được người lao động rất hài lòng như ở Công ty Freetrend (Khu chế xuất Linh Trung 1), Công ty Thuốc lá Sài Gòn...

Về trách nhiệm của tổ chức công đoàn, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ công đoàn cơ sở thường xuyên nắm tình hình, ghi nhận ý kiến của công nhân về bữa ăn để có cơ sở làm việc, thương lượng với ban giám đốc có hướng điều chỉnh cho hợp lý. Vừa qua, đơn cử như ở Công ty TNHH Domex Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1), để có bữa ăn giữa ca ngon hơn, công đoàn cơ sở đã tổ chức lấy ý kiến của tập thể công nhân rồi đề nghị nhà bếp xây dựng thực đơn trong tuần, đề nghị DN nâng mức tiền ăn. Chính nhờ làm tốt điều này mà từ năm 2009 đến nay, DN không lần nào xảy ra ngừng việc tập thể.

Một vấn đề quan trọng nữa là các ngành chức năng, đặc biệt là ngành y tế, cần sớm đưa ra được bảng quy chuẩn về hàm lượng dinh dưỡng tối thiểu cần thiết cho công nhân của từng ngành nghề cụ thể. Căn cứ vào đó, chủ DN sẽ biết để đầu tư cho bữa ăn công nhân. Cơ quan chức năng, đơn vị kiểm tra, giám sát cũng có cơ sở để xử lý khi DN cho công nhân ăn không đủ chất.

* Bà Trần Thị Hồng Vân(chủ tịch công đoàn Công ty Nissei Electric VN, Khu chế xuất Linh Trung 1, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Lắng nghe công nhân để điều chỉnh kịp thời

Suất ăn giữa ca tại công ty là 15.000 đồng và công ty luôn giám sát chặt chẽ chất lượng bữa cơm công nhân. Tại Nissei có xây dựng bếp ăn tập thể và thuê hai đơn vị bên ngoài vào nấu. Hằng ngày cán bộ công đoàn và lãnh đạo công ty đều xuống nhà ăn kiểm tra chất lượng. Vài lần công ty phát hiện nhà bếp đưa nguồn thực phẩm không đạt vào nấu và đã chấn chỉnh ngay. Phía nấu ăn giải thích là họ “sơ suất trong lúc nhập hàng”. Bên cạnh đó trong các cuộc họp của công ty, khi công nhân phản ảnh chất lượng bữa ăn kém thì phía công ty sẽ họp với công đoàn, nhà bếp để điều chỉnh món ăn, chất lượng suất cơm theo yêu cầu của công nhân.

Để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho công nhân, công ty đã có nhiều hỗ trợ cho phía nhà bếp như lo toàn bộ tiền gas, nước và chi phí mặt bằng. Hiện nay công ty đang xây dựng quy chế kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào của nhà bếp và định lượng bữa ăn để suất ăn của mỗi công nhân được đảm bảo vệ sinh và đủ chất dinh dưỡng. Theo tôi, việc định lượng suất ăn và kiểm tra chất lượng bữa ăn phải có sự phối hợp nghiêm túc của các cơ quan y tế địa phương. Một thực tế diễn ra tại một số nơi là khi cán bộ y tế đến kiểm tra thì nhà bếp dường như biết trước nên chuẩn bị rất kỹ, còn bình thường thì đâu lại vào đó.

Ý kiến bạn đọc

* Một bữa cơm tiệm bình dân hiện nay giá thấp nhất là 15.000 đồng, không hiểu 8.000 đồng thì công nhân ăn gì, làm sao đủ sức khỏe để làm việc?

* Khi suất ăn công nghiệp bị cắt xén như thế, thiệt hại trước tiên là những người sử dụng dịch vụ (công nhân, công ty), còn người được lợi nhất chính là kẻ mất lương tâm có được “đặc quyền”. Nếu bị phát hiện, kẻ bất lương chỉ bị đuổi việc mà không có bất cứ một sự đền bù nào do họ gây ra. Sau đó họ lại nhảy qua công ty khác làm và cứ đòi hỏi “hoa hồng” như thế. Bộ phận nhân sự của các DN hãy liên kết với nhau, lập danh sách đen để loại những kẻ bất lương ngay từ vòng đầu tiên.

* Phải có quy định về việc tổ chức bữa ăn cho công nhân. Công ty phải có bếp ăn và được giám sát theo quy trình chặt chẽ, giá cả bữa ăn phải theo thời giá thị trường để đảm bảo chất dinh dưỡng cho công nhân. Nội bộ công ty phải thông tin minh bạch bữa ăn của công nhân từ thu chi đến tất cả các thứ liên quan. Như vậy bữa ăn của công nhân mới không bị xà xẻo.

NG.NAM - MAI HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên