24/08/2012 09:02 GMT+7

Không né tránh vấn đề gai góc

VIỄN SỰ - LÊ KIÊN ghi
VIỄN SỰ - LÊ KIÊN ghi

TT - Bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “Phải biết hổ thẹn với tiền nhân” (Tuổi Trẻ ngày 23-8) đã đem lại nhiều cảm xúc với bạn đọc, khơi gợi những cái nhìn mới. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến.

EBlnIWRm.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 ở TP Đà Nẵng ngày 7-7 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

TS PHAN VĂN HOÀNG (nguyên tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM): Khởi đầu những điều mới mẻ

Bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lôi cuốn tôi từ những câu chữ đầy cảm xúc và chia sẻ. Những cảm xúc đó rất Việt Nam, khi Chủ tịch nước nói về thời khắc trong ngày độc lập mà không phải trong những đại lễ, những bài diễn văn long trọng mà từ những xóm làng, đô thị, từ những nỗi đau đáu về góc phố, hàng cây, cả tiếng chuông chùa sẽ ra sao nếu không có ngày độc lập này. Đó là cách mở đầu bài viết hết sức gần gũi, không chỉ những người đã trải qua nhiều thời khắc quan trọng của đất nước mà tôi nghĩ cả những người lao động bình thường, những thế hệ khác nhau của người Việt Nam ai cũng cảm thấy đồng cảm.

Trong một trang rưỡi của tờ báo, có lẽ hiếm khi nhiều vấn đề gai góc đến vậy được người đứng đầu đất nước chuyển tải. Từ câu chuyện giá cả tăng cao; vấn đề đất đai ở Văn Giang, Tiên Lãng; thu hẹp khác biệt về hòa hợp dân tộc; chủ quyền lãnh thổ... đều được nói đến bằng một thái độ không né tránh. Tôi nghĩ có nhiều độc giả sẽ phải ngừng đọc giữa chừng để suy nghĩ về hình ảnh đất nước mình qua lời Chủ tịch nước: một đất nước anh hùng, đã vượt qua nhiều thử thách nhưng thu nhập của người dân chỉ mới ở mức đầu tiên của thu nhập trung bình. Một đất nước đang vật lộn với cơ chế thị trường, có những thành tựu nhưng cũng có cả nguy cơ từ “những người có tư tưởng xa lạ... chọc gậy bánh xe”. Thậm chí “cõng rắn cắn gà nhà” hay cả những nỗi hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém đã cản bước đi lên của dân tộc.

Cách đặt vấn đề không né tránh về những nguy cơ ấy của Chủ tịch nước không làm cho người đọc cảm thấy nhụt chí hay thêm âu lo, mà tôi nghĩ có thể sẽ khởi đầu những điều mới mẻ. Đó là sự thẳng thắn đặt ra những nguy cơ, những hạn chế đã kéo dài quá lâu, đòi hỏi phải khắc phục càng nhanh càng tốt. Tôi mong những vấn đề, những nguy cơ phải đặt ra thường xuyên, mọi nơi, mọi thời điểm chứ không chỉ là chia sẻ hay tự vấn nhau trong những dịp nào đó.

Những vấn đề Chủ tịch nước chia sẻ lần này thực tế chỉ mới là tác động một chiều. Phải làm sao người dân lúc cần, khi có những tâm tư, cảm xúc về đất nước cũng có thể trao trút, có thể chia sẻ với chính quyền, với Chủ tịch nước và những lãnh đạo khác của đất nước một cách thoải mái và gần gũi như Chủ tịch nước. Để không chỉ suy nghĩ của Chủ tịch nước mà suy nghĩ của tất cả người Việt Nam đều có thể đến với nhau, hòa nhịp với nhau.

TS Nguyễn Đình Lộc (nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp): Cần nhìn thẳng sự thật để giải quyết đúng vấn đề

Có lẽ cảm hứng về ngày Quốc khánh đã làm Chủ tịch nước xúc động để viết một bài khá dài, trong đó nêu lên những vấn đề khó khăn, thách thức mà đất nước đang gặp phải.

Tôi cho rằng nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức để giải quyết đúng tầm mức vấn đề mà nó đặt ra là cách để “không hổ thẹn với tiền nhân”. Vấn đề lớn nhất, thách thức nhất được đặt ra hiện nay mà chính các văn kiện của Đảng đã thừa nhận là nguy cơ đến sự tồn vong của chế độ, đó là nạn tham nhũng. Rồi chính các văn kiện của Đảng cũng thừa nhận rằng “một bộ phận không nhỏ” đảng viên thoái hóa, biến chất. Chính vì nhìn nhận vấn đề ở tầm mức như vậy, cho nên Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới ban hành nghị quyết 4 với tinh thần “chỉnh đốn” rất cao.

Được biết, Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũng đã tiến hành nhiều phiên kiểm điểm theo tinh thần của nghị quyết. Điều tôi băn khoăn nhất là tinh thần của nghị quyết thì rất mạnh, quyết tâm thì rất cao, nhưng nếu không triển khai quyết liệt thì nó cứ dần êm xuôi đi như trước đây. Tôi tha thiết mong muốn Đảng làm có hiệu quả. Nghị quyết 4 đã đánh tiếng trống, đừng làm nhân dân thất vọng.

Một trong những đặc điểm lớn trong thời đại ngày nay mà chúng ta cần phải nhớ, đó là người dân bây giờ không dễ tính mà ngày càng đòi hỏi rất cao. Điều này là đáng mừng. Phải có sự tiến bộ về trình độ dân trí, về sự giác ngộ thì mới có được điều đó. Người dân không đơn giản chờ đợi, mà biết đòi hỏi và hành động. Nếu đảng cầm quyền thừa nhận rằng một “bộ phận không nhỏ” đảng viên thoái hóa, biến chất thì người dân đòi hỏi phải lôi “bộ phận không nhỏ” này ra trước nhân dân xem sao.

Hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc bên cạnh bày tỏ cảm xúc từ bài viết, đã bày tỏ mong muốn những cảm xúc đó sẽ biến thành hành động thiết thực trong thực tiễn để xây dựng đất nước.

Khơi lòng tự hào

Tôi có thể thấy cả một tâm huyết được truyền vào trong bài viết, mà chỉ có những ai hết lòng vì đại cuộc, vì dân tộc mới có được. Cảm ơn Chủ tịch nước đã khơi lại lòng tự hào dân tộc và buộc mỗi người phải suy nghĩ lại trách nhiệm của bản thân mình đối với đất nước.

Đánh thức tinh thần Phù Đổng

Sáng nay lên mạng đọc được bài viết của Chủ tịch nước, liền in đem đến lớp đọc cho học trò nghe. Cả lớp im lặng nghe. Đọc xong tôi hỏi: “Nếu Chủ tịch nước kêu gọi tình nguyện ra Trường Sa, các em đi không?”. Cả lớp đồng thanh: “Đi”. Nhìn những ánh mắt sáng ngời, tôi thấy lòng ấm lại, dẫu ngoài kia trời mưa rất to. Đất nước ta, Tổ quốc ta, dân tộc ta đời nào cũng vậy, tinh thần Phù đổng sẽ giữ toàn vẹn lãnh thổ này.

Chung tay chống tham nhũng

Cảm ơn ông vì đã đánh thức trong tôi những cảm xúc đặc biệt về những thời khắc lịch sử đã qua của dân tộc. Những cảm xúc của những niềm vui vô bờ và nỗi đau xé lòng... Không phải bàn cãi gì nữa, vào lúc này đây, giặc tham nhũng đang là kẻ thù lớn nhất của dân tộc. Có thể nhận thấy rõ những tâm tư của Chủ tịch nước là “cháy lòng”, là lời đánh thức toàn dân cùng hợp sức đập tan giặc tham nhũng để từ đây thật sự xây dựng một đất nước văn minh và tiến bộ, xứng đáng với tiền nhân.

Chuyển thành hành động

Đọc bài viết của Chủ tịch nước, tôi cảm nhận trong con người ông thấm đẫm những giá trị tinh thần của con người VN. Mong ông hãy chuyển nó thành hành động cụ thể, lan tỏa trong lòng mọi người, để mỗi người dân VN cảm thấy yêu đất nước này hơn thay vì thái độ bàng quan. Chúng ta còn nợ nhân dân nhiều lắm.

VIỄN SỰ - LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên