23/08/2012 06:45 GMT+7

Có đất nhưng không được ở

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TT - Do vướng quy hoạch từ năm 1991 nên chính quyền địa phương không cho tám hộ dân ở P.4, TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích gần 6.000m2.

Tỉnh Vĩnh Long vừa mở con đường đi qua khu này, nhưng vẫn còn gần 2.000m2 đất với chiều dài 250m không sử dụng. Tám hộ dân nói trên muốn được trả lại đất để cất nhà, nhưng lúc này đất đã được UBND P.4 đứng tên.

sI7g8yUe.jpgPhóng to
Một hộ dân ở P.4, TP Vĩnh Long dựng nhà tạm trên phần đất còn lại của mình - Ảnh: NGỌC HẬU

Ông Lê Hoàng Vân, nguyên chủ tịch UBND P.4 từ năm 1989-1994, cho biết: “Đất đó đúng là của tám hộ dân đang khiếu nại. Khi tập đoàn tan rã, lý ra phải trả đất cho dân nhưng do không xác định được ranh và do quy hoạch lộ giới nên phường thống nhất quản lý phần đất này, khi nào giải phóng mặt bằng sẽ đo đạc lại và bồi thường cho dân”.

Thế nhưng năm 2010 tỉnh khởi công xây dựng đường Hưng Đạo Vương, UBND P.4 và UBND TP Vĩnh Long không hề đả động đến việc bồi thường cho dân như đã hứa trước đó. Thậm chí phần đất còn dư 2.000m2 cũng không trả lại cho tám hộ nói trên để họ cất nhà. Bà Đồng Thị Hạnh bị tật đôi chân đi đứng khó khăn nhưng phải đi bán vé số kiếm sống. Bà nói với giọng bức xúc: “Đất của tôi bị giải tỏa nhưng tôi không được bồi thường, và phần đất dư ra gần 126m2 (21x6m) họ cũng không trả lại. Hiện nay tôi phải ăn nhờ ở đậu nhà em dâu”. Gia đình ông Huỳnh Văn Sự có 439m2 đất bị giải tỏa làm đường và hiện dư ra 240m2 (10x24m) đất cũng không được trả lại và cả gia đình hơn mười nhân khẩu phải che căn nhà tạm trong nghĩa địa để sinh sống...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND TP Vĩnh Long có nhiều văn bản trả lời cho rằng tám hộ dân nói trên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất nên không được bồi thường. Sau đó, vào tháng 3 năm nay, UBND TP Vĩnh Long lại có tờ trình UBND tỉnh Vĩnh Long xin hỗ trợ các hộ dân trên. Trong đó nói rõ hỗ trợ toàn bộ phần đất 5.900m2 của các hộ này, kể cả gần 2.000m2 đất còn lại giờ là đất mặt tiền đường Hưng Đạo Vương nối dài.

Ông Nguyễn Văn Chình, phó văn phòng UBND TP Vĩnh Long, cho biết UBND tỉnh Vĩnh Long đã đồng ý hỗ trợ tiền cho tám hộ này nhưng chưa rõ mức hỗ trợ thế nào. Sau đó, thành phố sẽ đưa phần diện tích đất còn lại nói trên vào quỹ đất công do không thể trả lại cho dân cất nhà được vì đất thuộc diện... siêu mỏng.

Dây cáp điện bị cắt trộm, dân mất điện

Sáng 22-8, người dân thuộc khối phố Nam Đông (thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) phát hiện trạm biến áp Tam Vinh 2 bị kẻ trộm cắt lấy đi ba dây cáp điện dẫn từ máy biến áp xuống đồng hồ tổng. Anh Nguyễn Ngọc Hà, cán bộ quản lý trạm biến áp Tam Vinh 2, cho biết ba sợi dây cáp dài 24m, trị giá gần 16 triệu đồng bị cắt đứt hoàn toàn, khiến 320 hộ dân cùng nhiều nhà máy, xí nghiệp tại đây bị mất điện.

qwIXon9q.jpgPhóng to
Dây cáp điện tại trạm biến áp Tam Vinh 2 bị kẻ trộm cắt mất - Ảnh: LÊ TRUNG

Theo ông Phan Văn Tuấn - phó giám đốc Điện lực Tam Kỳ, Điện lực Tam Kỳ đã báo công an lập biên bản, đồng thời lên phương án khắc phục sự cố ngay trong chiều cùng ngày. Cũng theo ông Tuấn, tình trạng mất cắp dây cáp điện tại khu vực huyện Phú Ninh và TP Tam Kỳ thường xuyên diễn ra, bình quân mỗi tháng xảy ra một vụ cắt trộm dây cáp điện. “Chúng tôi đang phối hợp để lắp đặt thiết bị chống trộm, tuy nhiên do chi phí rất tốn kém nên hiện chưa thể lắp đặt được hết ở các trạm biến áp” - ông Tuấn nói.

Lo ngại nhà máy thuốc lá gây ô nhiễm

Nhiều hộ dân ở thôn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang (Khánh Hòa) phản ảnh nhà máy tách cọng thuốc lá Khatoco đặt ở thôn này gây tiếng ồn và khói có mùi thuốc lá khó chịu ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Bà Nguyễn Thị Tuyết - chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương - cho biết đã hai lần gửi công văn phản ánh ý kiến của người dân về vấn đề trên lên UBND TP Nha Trang. Ông Nguyễn Văn Danh - chủ tịch UBND TP Nha Trang - cho hay đã cử Phòng tài nguyên - môi trường làm việc với Sở Tài nguyên - môi trường về nội dung công văn của UBND xã Vĩnh Phương.

Ngày 22-8, ông Đặng Thái Luyện - giám đốc Công ty thuốc lá nguyên liệu Khatoco - cho biết nhằm hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm, công ty đã nhập khẩu hệ thống xử lý mùi và máy thu hồi bụi từ Mỹ. “Tuần trước, theo hợp đồng, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Khánh Hòa đã đến kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm. Dự kiến tuần tới có kết quả, nếu vượt quá tiêu chuẩn cho phép, công ty sẽ làm việc lại với nhà cung cấp thiết bị để điều chỉnh” - ông Luyện nói.

* Xe quá tải vào đường liên ấp. Nhiều hộ dân ở ấp Đông B và ấp Nam, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành (Tiền Giang) phản ảnh con đường liên ấp vừa được trải nhựa hơn một năm đã bị xe tải nặng làm hư hại nhiều chỗ. Ở đầu đường, chính quyền địa phương đặt biển báo chỉ cho xe có trọng tải 1,5 tấn vào và gác thanh chắn bằng sắt rồi khóa lại không cho xe lớn vào, nhưng nhiều tài xế xe tải đã bẻ khóa để chạy xe vào đây.

iAlaYHcM.jpgPhóng to
Chiếc xe tải này bẻ khóa cổng đường nông thôn để ra vào - Ảnh: T.TÚ

Ngày 19-8, tại vị trí thanh chắn bằng sắt này, chúng tôi thấy xe cẩu trọng tải 4,5 tấn đang định “phá rào” vào bên trong. Tuy nhiên, khi thấy chúng tôi ghi hình, tài xế đã liên tục điện thoại “xin ý kiến” và cuối cùng cho xe lui ra ngoài.

Ông Huỳnh Văn Hưng, Công an xã Nhị Bình (phụ trách ấp Đông B), cho biết khi xe quá tải vào đường trên đều xin ý kiến của lãnh đạo xã, nếu được phép ông sẽ mở thanh chắn cho vào. Một số xe không xin được đã tự ý đập ổ khóa khiến ông phải thay ổ khóa nhiều lần.

Ông Phạm Văn Tính, đội trưởng Đội giao thông công chánh huyện Châu Thành, cho biết từ khi tuyến đường liên ấp này được vận hành, thanh tra giao thông huyện chưa xử phạt bất cứ trường hợp xe tải nào vi phạm.

* Bị thu hồi đất “oan”, khiếu nại 7 năm chưa giải quyết. Bà Hồ Thị Tuyết Nhung (ngụ ấp 3, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết bà đã bị UBND huyện Phú Quốc ra quyết định thu hồi đất “oan” và đã khiếu nại từ năm 2005 đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Sau khi kết thúc đợt thanh tra của Thanh tra tỉnh Kiên Giang về việc quản lý đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc, tháng 7-2004 UBND huyện Phú Quốc đã ban hành quyết định thu hồi 4.031m2 đất của bà Nhung tọa lạc tại ấp 1, xã Cửa Cạn do “chưa được cấp có thẩm quyền giao đất đúng theo quy định của pháp luật và trùng với đất lâm nghiệp thuộc vùng đệm vườn quốc gia Phú Quốc”. Theo bà Nhung, bà đã được UBND huyện Phú Quốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1993 (giấy chứng nhận đứng tên chồng bà là Trần Văn Sanh), không phải “chưa được cấp có thẩm quyền giao đất...” như nội dung của quyết định thu hồi đất nên bà đã khiếu nại.

Ông Trương Công Quý - phó chánh thanh tra huyện Phú Quốc - cho biết trường hợp khiếu nại của bà Nhung, UBND huyện đã chỉ đạo xem xét, cấp lại đất cho bà theo kết luận của UBND tỉnh Kiên Giang sau đợt thanh tra đất đai năm 2004. Theo ông Quý, UBND huyện Phú Quốc cũng đã có nhiều văn bản nhắc nhở UBND xã Cửa Cạn thành lập hội đồng tư vấn đất đai để xem xét trường hợp của bà Nhung trình UBND huyện cấp lại đất cho bà Nhung nhưng đến nay chưa thấy xã thực hiện.

* Đập phá cầu nông thôn của dân. Ngày 21-8, ông Nguyễn Thế Lượng, chủ tịch UBND xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết đến nay ông Lê Văn Thái (ở ấp Thới Hòa) vẫn không đến làm việc theo yêu cầu của UBND xã để giải quyết việc ông đập phá cầu nông thôn của dân.

z74F9yC2.jpgPhóng to
Người dân bắc cầu tạm sau khi cầu cũ bị đập phá - Ảnh: Thanh Tú

Theo hồ sơ vụ việc, đầu tháng 6 vừa qua, nhiều hộ dân ở ấp Thới Hòa đã hùn tiền làm con đường giao thông nông thôn nối với con đường trung tâm xã. Khi thi công đến đoạn qua vườn nhà ông Thái thì ông không cho làm. Ông Thái yêu cầu người dân phải mở thêm một lối đi nữa cặp mé sông vào miếng vườn khác do ông mới mua thì mới được làm đường qua nhà ông. Nhiều hộ dân ở đây không đồng ý yêu sách này thì vào ngày 10-8 vừa qua ông Thái đã cho người đập phá cây cầu nông thôn do người dân làm để xe máy qua lại.

Bức xúc trước hành vi của ông Thái, người dân đã làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp. UBND xã Thới Sơn đã gửi thư mời ông Thái đến xã để giải quyết vụ này nhưng ông Thái không đến. Để có đường đi, người dân phải bắc cầu tạm và chờ chính quyền xử lý.

* Lúa cháy vì vướng làm kênh. Gần hai tháng nay, 4ha lúa nước vụ hè thu ở cuối tuyến kênh bêtông dẫn nước Đồng Quán (xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã bị cắt nước tưới do vướng làm kênh bêtông. Thiếu nước tưới đúng vào thời điểm lúa đang làm đòng nên toàn bộ diện tích lúa bị cháy khô (ảnh), khiến mấy chục hộ dân nơi đây đứng trước nguy cơ thiếu đói.

OmNHeY4J.jpgPhóng to
Ảnh: Bắc Bằng

Công trình kênh bêtông dẫn nước về khu Đồng Quán được khởi công từ đầu tháng 6-2012 do UBND xã Trà Dương làm chủ đầu tư. Theo cam kết, công trình sẽ hoàn thành trong 60 ngày và trong quá trình thi công phải bố trí thời gian thả nước, đảm bảo phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đến hết ngày 22-8, đơn vị trúng thầu là Công ty Hạ Thiên chỉ mới thi công đạt 60% khối lượng, đã vậy còn không điều tiết thả nước phục vụ sản xuất. “Chúng tôi sẽ kiến nghị ngừng thi công, nhằm cung ứng nước tưới cho những diện tích có thể phát triển được để cứu lúa. Những diện tích bị mất trắng do thiếu nước, sẽ đề nghị huyện cùng với xã hỗ trợ lương thực cho bà con để đảm bảo đời sống” - ông Lê Chí Thanh, chủ tịch UBND xã Trà Dương, cho biết.

* Lợi dụng khuyến học để bán vé ca nhạc. Nhiều người dân ở huyện Đắk Hà (Kon Tum) bức xúc về việc Đoàn nghệ thuật cải lương Tây Đô (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đã đến các đơn vị, doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn huyện bán vé xem... ca nhạc “gây quỹ khuyến học, khuyến tài” với giá 100.000 đồng/vé. Đoàn có thư ngỏ, giấy giới thiệu của Hội Khuyến học huyện Đắk Hà, quảng cáo chương trình có sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng. Thế nhưng, đêm 19-8 khi biểu diễn khán giả mới biết mình bị mắc lừa vì chẳng có ca sĩ nổi tiếng nào.

Bà Phạm Thị Thương - phó chủ tịch UBND huyện Đắk Hà, kiêm chủ tịch Hội Khuyến học huyện - cho biết bà là người trực tiếp ký “thư ngỏ” và không ngờ điều đó bị lợi dụng. Khi có được thư ngỏ này, nhân viên Đoàn nghệ thuật cải lương Tây Đô vừa bán vé, vừa áp đặt thu tiền ủng hộ với mức 300.000-500.000 đồng. “Chúng tôi đang làm văn bản đề nghị tỉnh Phú Yên và các ngành chức năng phối hợp kiểm tra việc hoạt động biểu diễn của đoàn này” - bà Thương nói.

Ông Nguyễn Thành Trung - chủ tịch UBND huyện Đắk Hà - cho biết huyện chỉ đạo thu lại toàn bộ số tiền đã bán vé để trả lại cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng kiểm điểm rút kinh nghiệm vì để xảy ra sự việc trên.

* Tránh xe tải chạy lùi, một phụ nữ tử vong. Khoảng 7g ngày 22-8, trên quốc lộ 1A (đoạn dưới chân cầu Bình Thuận), P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM xảy ra vụ tai nạn giữa xe tải và xe máy khiến một người chết, một người bị thương nặng.

Vào thời điểm trên, chị Nguyễn Ngọc Huyền (22 tuổi, quê Tiền Giang) điều khiển xe máy chở một cháu nhỏ lưu thông hướng từ cầu Bình Thuận đi ngã tư An Sương. Khi gần đến chân cầu Bình Thuận, chị Huyền phát hiện có một xe tải đang lùi lại nên vội đánh tay lái sang bên trái để tránh thì va vào con lươn, ngã sang phần đường dành cho ôtô. Cùng lúc đó, một chiếc xe tải chạy tới và tài xế không xử lý kịp nên cán chị Huyền chết tại chỗ, cháu nhỏ đi cùng chị Huyền bị thương nặng.

* Vỡ hụi, nhiều tiểu thương điêu đứng. Nhiều ngày qua, hàng chục người dân ở P.Kim Dinh, thị xã Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) rất lo lắng khi chủ hụi Hoàng Thị Mai Linh (ngụ tại khu phố 4, P.Phước Nguyên, thị xã Bà Rịa) bất ngờ đi khỏi nơi cư trú, tắt điện thoại, không trả tiền hụi. Trong số những người tham gia dây hụi do bà Linh tổ chức có nhiều người buôn bán nhỏ tại chợ Kim Dinh, chăn nuôi nhỏ, nội trợ. Theo thống kê ban đầu, người bị chiếm đoạt ít nhất cũng vài triệu, cao nhất lên tới hàng trăm triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (27 tuổi, trú tại khu phố Hải Dinh, P.Kim Dinh), một nạn nhân của bà Linh, cho biết: “Tôi cùng mẹ và các em tham gia 13 dây hụi do bà Linh làm chủ hụi từ nhiều năm nay. Tổng cộng cả gia đình tôi bị chiếm đoạt gần 200 triệu đồng”.

Trung tá Nguyễn Tấn Phương - đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thị xã Bà Rịa - cho biết hiện có trên 20 người là nạn nhân của bà Linh đã làm đơn tố cáo gửi công an. Theo đó, số tiền họ bị chiếm đoạt khoảng vài tỉ đồng. Theo nhiều người, nạn nhân của bà Linh còn rất nhiều và số tiền bị chiếm đoạt rất lớn. Trung tá Phương cũng xác nhận hiện bà Linh đã đi khỏi nơi cư trú và cho biết trước mắt công an sẽ làm việc với gia đình bà Linh để tìm hiểu sự việc.

* Thường xuyên bị tạt xăng, sơn vào quán ăn. Khoảng 9g ngày 22-8, tiệm bán thức ăn của chị Nguyễn Thị Hậu trên đường Nguyễn Thị Thập, P.Tân Phong, Q.7 (TP.HCM) bị hai thanh niên đi xe máy tạt nước sơn vào khiến sơn dính khắp người chị Hậu, nhiều thực khách hốt hoảng bỏ chạy.

Ông Trần Quang Dũng, phó trưởng Công an P.Tân Phong, Q.7, cho biết: “Công an phường đã nắm được vụ việc trên và đã lập hồ sơ ban đầu. Trong thời gian tới, công an phường sẽ phối hợp với tổ dân phố, quần chúng nhân dân tăng cường tuần tra, phát hiện và bắt quả tang để xử lý đối tượng có liên quan theo pháp luật”.

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên