27/07/2012 20:41 GMT+7

Sao cứ đụng tới là chết?

NGUYỄN QUANG THÂN
NGUYỄN QUANG THÂN

TTO - Bảo vệ bò tót không chỉ vì đó là giống quý hiếm được xếp hạng mà còn vì lợi ích và tương lai của chính con người.

Xin giữ nguyên xác bò tót nhưng không đượcBò tót chết: “Bắn như thế quá liều rồi”

6N1d4Jzo.jpgPhóng to
Con bò tót lúc ở sân bay Phú Bài - Ảnh do cán bộ sân bay Phú Bài cung cấp

Đàn bò nhà vốn gốc bò rừng nhưng bị nuôi nhốt, thuần hóa nhiều thế hệ nên thoái hóa là lẽ đương nhiên.

Đông Dương từng có bò xám Kouprey, con bò huyền thoại nay không còn hi vọng được nhìn thấy và được coi là đã diệt chủng. Bò xám được phát hiện năm 1937 ở biên giới Việt Nam, Campuchia và Thái Lan nhưng rồi biến mất sau đó. Các đoàn khoa học quốc tế từng cưỡi voi hay máy bay, đi bộ luồn rừng qua những vùng đất khô nóng khắc nghiệt, bệnh tật, mìn chôn trong đất, họng súng - và đau đớn hơn tất cả - là sự thất bại sờ sờ khi nhiều lần nhìn thấy dấu chân bò còn mới nguyên nhưng các cuộc bắt giữ nó đều bất thành.

Để trình làng về tất cả những cái đó, họ chỉ nhặt nhạnh được một bộ sưu tập về bò xám gồm vài trăm ký xương và một ít phim ảnh mù mờ. "Thông tin về con thú này cũng giống như cuộc săn tìm người tuyết và loại người chân to” - James Mackinnon, nhà sinh vật Anh từng điều khiển những cuộc bảo vệ nhiều loài động vật bị đe dọa ở châu Á, nói.

Theo ông Noel Vietmayer - một chuyên gia chuyên đánh giá giá trị kinh tế của các loài động vật nhiệt đới thuộc Viện Hàn Lâm khoa học quốc gia Mỹ, "bò xám có khả năng là nguồn gen có giá trị nhất Trái đất làm tăng sức đề kháng bệnh tật và khả năng chịu đựng cho đàn súc vật nuôi thế giới". Ông đánh giá việc lai tạo với bò xám có thể cung cấp 1 tỉ USD về nâng cao gen, một con vật có thể cải tạo và nâng cao số đông, nếu không nói là tất cả đàn bò thế giới.

Nhưng không còn bò xám nữa. Khoa học chỉ còn đặt hi vọng vào bò tót để lai tạo giống của đàn bò nhà trong tương lai. Nhưng cũng chỉ còn khoảng vài trăm con bò tót ở Việt Nam. Và mới hôm qua đây, thêm một con bò tót trong số đó bị chết vì sự bất cẩn và thiếu kiến thức cũng như trình độ chuyên nghiệp của con người.

Ai đã làm bò xám diệt chủng? Con người! Ai đã giết con tê giác cuối cùng ở Đông Dương? Con người! Và ai đang đe dọa bò tót, hổ Đông Dương, voi châu Á cùng nhiều loài hoang dã khác tiếp tục bị diệt chủng trên bán đảo vốn từng rất phong phú động vật rừng này? Cũng chính là con người!

Con người đây là chúng ta. Chúng ta là những người nông dân nghèo phải vào rừng săn thú mà sống. Là bọn săn trộm muốn làm giàu nhờ nghề giết thú. Là kiểm lâm vô trách nhiệm và thiếu tay nghề, thậm chí có khi đóng vai đồng lõa. Là những kẻ thừa tiền, tự nhận là “sành ăn”, “sành điệu”, muốn đưa cả thế giới động thực vật lên đĩa rồi tống vào bụng thỏa thích. Và trách nhiệm nặng hơn hết là của những người quản lý. Họ có trách nhiệm trong tất cả các khâu của cái dây chuyền bất hạnh ấy.

Chỉ nói riêng mỗi việc di dời động vật hoang dã. Voi chết ở Xuyên Mộc năm nào, chết ở Tánh Linh năm nào. Vì thuốc mê quá liều hay không đúng quy cách hoặc vì thiếu trình độ di dời. Cũng từng “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Và bây giờ bò tót Gaurus box chết cạnh một sân bay hiện đại cũng vì những lỗi đã từng được “rút kinh nghiệm sâu sắc” ấy! Sao cứ đụng tới là chết?

Tiềm lực của 90 triệu dân và một hệ thống nhà nước đã không bảo vệ được một con tê giác cuối cùng. Nỗi đau ấy đang tấy lên vì cái chết của con bò tót với dáng vóc Hercules và to như con voi. Bất kể vì nguyên nhân gì sẽ được tìm ra và phân tích, nhưng bất lực trước sinh mệnh của một con bò đi lạc và đã nằm trong vòng tay con người chắc chắn đã làm nhiều người, nếu không nói là tất cả chúng ta xấu hổ nếu chúng ta còn biết xấu hổ.

NGUYỄN QUANG THÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên