18/07/2012 13:31 GMT+7

Tiếng vỗ tay bao giờ hết lạc nhịp?

HÀ THANH (lehathanh@...)
HÀ THANH (lehathanh@...)

TTO - Tôi không được diễm phúc nghe trực tiếp dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker biểu diễn nhưng tôi thường nghe các chương trình của họ qua đĩa CD.

Viết tiếp bài Thót tim vì... tiếng vỗ tay

Biết tin dàn nhạc này sẽ trình bày bài nhạc Việt, tôi đã tìm kiếm ngay trên YouTube.

QWVECWtq.jpgPhóng to
Dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội - Ảnh: VOV

Tôi đợi chờ nghe xem dàn nhạc quốc tế nổi tiếng này sẽ trình bày nhạc Việt Nam như thế nào. Còn gì tuyệt vời hơn là khi nghe âm hưởng quen thuộc của bài nhạc Việt Nam được trình bày thật du dương, nhẹ nhàng, ấm áp và vô cùng xúc động bởi dàn nhạc nổi tiếng thế giới.

Dẫu biết rằng chất lượng âm thanh trong video clip không tốt nhưng tôi hi vọng đủ để mình có được những cảm nhận đẹp về phần trình diễn của dàn nhạc.

Nhưng...

Tôi thật sự giật mình khi nghe tiếng vỗ tay từ dưới khán phòng. Chưa kịp nghe xong đoạn dạo đầu đã nghe tiếng vỗ tay.

Dàn nhạc trình bày nhạc phẩm Bèo dạt mây trôi - Nguồn: YouTube

Rồi khi vào đoạn chính tiếng vỗ tay lại càng mạnh hơn, lại còn "thể hiện" đánh nhịp cho dàn nhạc. Rồi cả tiếng huýt sáo, tiếng hú của cả nam lẫn nữ.

Cảm giác của tôi khi nghe tiếng vỗ tay, tiếng hú hét trong clip này là nổi gai ốc vì nó lạc nhịp, lạc điệu, lạc lõng, lạc đề và làm mất luôn phần trình bày của dàn nhạc... và vô tình làm hỏng luôn toàn bộ clip. Có lẽ chỉ còn thiếu có phần chạy lên tặng hoa, ôm hôn nhạc trưởng và chụp ảnh... như thường thấy ở các sân khấu ca nhạc của Việt Nam.

Tôi có cảm giác không được tôn trọng và thật sự nghĩ rằng một số vị khán giả đang không tôn trọng những người khác. Có lẽ lòng nhiệt tình của những khán giả này không xuất phát từ tinh thần thưởng thức âm nhạc chân chính?! Hay khán giả chỉ quen với việc cổ vũ bất kỳ lúc nào mà quên mất phải nghe, thấm từ đầu đến cuối mới đánh giá được hay dở trong phần trình bày?!

Người của ban tổ chức (BTC) có đứng ra nhắc nhở không? Dù sao dân ta cũng còn chưa làm quen với việc thưởng thức âm nhạc giao hưởng, thính phòng. Vậy nếu BTC có một hướng dẫn cụ thể, nhẹ nhàng, lịch sự ngay trước chương trình (bằng cách để MC nhắc luôn với mọi người bằng tiếng Việt) hoặc thậm chí ngay trong tờ chương trình phát kèm thư mời (ghi bằng tiếng Việt - Anh) sẽ được mọi người để ý, làm theo.

Tôi nghĩ nếu BTC làm như thế thì chúng ta sẽ không có những tràng pháo tay lạc nhịp. Sẽ chẳng ai cười chê người không biết mà có tinh thần học hỏi, tiếp thu. Dần dà, 1 lần, 2 lần, nhiều lần như thế, sẽ làm cho mọi người có được phong cách thưởng thức âm nhạc đúng nghĩa, lịch sự, tôn trọng dàn nhạc, bài nhạc và cả tôn trọng chính mình và mọi người xung quanh.

* Còn cả tiếng khò khò trong nhà hát

Bài viết này làm tôi nhớ đến buổi biểu diễn của NSND Đặng Thái Sơn tại Nhà hát lớn TP.HCM cách đây không lâu. Tại nhà hát này người ta không vỗ tay như ở Nhà hát lớn Hà Nội mà người ta chụp hình, người ta nói chuyện điện thoại và người ta... ngáy khò khò. Khi nghỉ giải lao mọi người có vé trong nhà hát này hỏi nhau có hiểu gì không và hỏi cách nào có vé!

Trong khi đó, nhiều học sinh, sinh viên Nhạc viện TP.HCM đứng ngoài nhà hát tiếc nuối vì không có vé vào nghe.

Những tấm vé của chương trình này cũng như chương trình của dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker đã đến với những người may mắn (được nhà tài trợ tặng) nhưng đến không đúng với người có sở thích và có ít nhiều hiểu biết về âm nhạc cổ điển.

Qua việc này theo ý kiến riêng của tôi, để các khán giả dần dần tiếp thu và thưởng thức nhạc cổ điển, khi thiết kế chương trình phát vé nên để 2/3 đến 3/4 số vé cho giảng viên, sinh viên nhạc viện và các trường ĐH, các nghệ sĩ, nhạc sĩ... sau đó số còn lại mới dành cho khán giả yêu âm nhạc.

Như vậy hi vọng bớt đi trường hợp "tiếng vỗ tay thót tim", tiếng tách tách của máy hình và tiếng ngáy khò khò trong các buổi biểu diễn mà nhiều người mơ ước được nghe nhưng không có cơ hội.

* Tặng hoa, chụp hình... loạn xạ trên sân khấu và nói chuyện... trong rạp phim

Nếu khán phòng giao hưởng thót tim vì tiếng vỗ tay thì những sân khấu ca nhạc khác lại bực bội bởi chuyện khán giả nhảy lên sân khấu để tặng hoa, chụp hình ngay khi ca sĩ đang hát... dù những điều này đã được MC nhắc nhở trước khi chương trình diễn ra. Trong liên hoan phim châu Âu diễn ra mới đây tại TP.HCM, tôi đã phải bỏ về vì hàng ghế phía sau cứ trò chuyện rì rào. Đi thưởng thức văn hóa nhưng nhiều người ứng xử rất không có văn hóa.

Như thể bỏ tiền ra, bỏ thời gian ra thì khán giả tự cho mình cái quyền của thượng đế!

Văn hóa khán giả?

Có phải văn hóa ứng xử của khán giả đang có vấn đề? Lỗi tại ai? Những khó chịu gặp phải trong những trường hợp khán giả đã xử sự thiếu văn hóa? Cá nhân bạn đã trang bị những gì để đến với một sự kiện văn hóa giải trí? Và nhất là làm sao để khán giả đến thưởng thức một sự kiện văn hóa giải trí nào đó cũng sẽ biết cách cư xử có văn hóa?

Rất mong bạn đọc Tuổi Trẻ Online chia sẻ những câu chuyện và quan điểm của mình trong vấn đề này. Ý kiến gửi về địa chỉ mail tto@tuoitre.com.vn, hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài.

HÀ THANH (lehathanh@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên