07/07/2012 08:15 GMT+7

Không công bằng với bệnh nhân nghèo

Nguyễn Thị Hạnh Nguyên
Nguyễn Thị Hạnh Nguyên

TT - 48 ý kiến phản hồi về “Trả nhiều tiền được khám bệnh trước” (Tuổi Trẻ 6-7). Có người cho cách làm này tiện lợi cho người bệnh, song phần lớn nghĩ đây là phân biệt đối xử, làm bệnh nhân nghèo thua thiệt.

1vE51X8e.jpgPhóng to

Nghèo phải chịu thiệt

Tôi có hai con nhỏ nên thường xuyên đi khám chữa bệnh cho con tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Tôi rất bất bình dịch vụ đặc biệt này. Ai trong xã hội này mà không bận rộn, không vội vã, không muốn đến lượt khám chữa bệnh sớm cho con mình để được về sớm. Chỉ có khác ở chỗ là túi tiền của người nào nhiều, chấp nhận chi tiền nhiều thì được về trước mà thôi.

Nhiều lúc ngồi bên ngoài phòng khám chờ đợi quá lâu trong khi người đến sau mình lại được vào trước, tôi thấy buồn cho xã hội. Xã hội không còn có sự bình đẳng nữa rồi mà đang phân hóa giàu nghèo... Mình nghèo phải chịu thiệt thôi.

Bệnh viện hưởng lợi từ bất công

Phải xem xét ai được gì và ai mất gì với dịch vụ này. Những người đóng tiền dịch vụ VIP thì được khám nhanh, tiết kiệm thời gian. Bệnh viện thu được thêm một khoản phí. Những người chờ thì vẫn phải chờ, khác chăng là chờ lâu hơn.

Vấn đề là thời gian đó từ đâu ra, nếu không phải là thời gian của những người không đăng ký khám nhanh. Chính vì sự chen ngang mà những người không đăng ký dịch vụ phải chờ đợi lâu hơn. Tóm lại, thời gian người khám nhanh tiết kiệm được chính là thời gian những người khác bị mất đi. Việc mở dịch vụ khám nhanh là một hình thức làm gia tăng bất công xã hội. Những ưu đãi đối với người nhiều tiền đến từ thiệt thòi của bệnh nhân ít tiền. Người hưởng lợi dựa trên sự bất công này là bệnh viện. Bệnh viện nếu cương quyết đi theo mô hình này thì nên xem xét bù đắp thiệt thòi cho những bệnh nhân nghèo, ví dụ như tiền thu được từ dịch vụ được sử dụng để mở phòng khám miễn phí...

Không áp dụng ở bệnh viện công

Theo quy luật kinh tế, nếu có một sự thiếu thốn hay quá tải nào đó thì giá dịch vụ sẽ được nâng lên, bởi vì người có tiền luôn mong muốn (và thừa khả năng) trả thêm tiền để được hưởng dịch vụ đó. Người ít tiền hơn phải chịu cảnh thua thiệt. Nếu Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 là bệnh viện tư thì không có gì đáng nói. Nhưng hai bệnh viện này là của Nhà nước, kinh phí từ tiền thuế dân chúng, thế mà vẫn phân ra nhiều mức giá dịch vụ để phục vụ cùng một đối tượng bệnh nhân, nhất là bệnh nhân trẻ em, là việc làm sai hoàn toàn.

Ai cũng muốn cải thiện thu nhập cả. Chúng tôi cũng thông cảm với sự thiếu thốn của ngành y tế. Nhưng nếu muốn thu nhập tăng thêm thì hãy ra làm ở các bệnh viện tư nhân. Còn bệnh viện nhà nước là để phục vụ toàn dân, người giàu hay nghèo cũng phải được hưởng chất lượng khám chữa bệnh như nhau.

Không chỉ Bệnh viện Nhi Đồng

Nhiều bệnh viện tôi từng đến đều có tình trạng này. Nhiều nơi còn công khai cấp thẻ VIP khi khám bệnh, xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang, điện tim... đều không phải chờ đợi, nhận kết quả cũng cấp tốc. Liệu có giám đốc bệnh viện nào trả lời được trước dân về lợi ích của việc “khám dịch vụ” không? Xin chuyển vấn đề này lên bộ trưởng Bộ Y tế để có hành động mang tính đồng loạt.

Bác sĩ Nguyễn Thi Hùng, giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM: Giá khám 150.000 đồng/lần là quá cao

Các bệnh viện công mở khám dịch vụ là để tăng thu nhập cho nhân viên bệnh viện. Tuy nhiên, giá khám bệnh dịch vụ từ 150.000 đồng/lần trở lên là cao so với mặt bằng thu nhập hiện nay của người dân vì chỉ khám bệnh thông thường chứ không phải các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành khám những bệnh lý phức tạp.

Thực chất loại hình dịch vụ tại hai bệnh viện này chỉ giải quyết duy nhất một điều là khám nhanh cho bệnh nhân, chứ chất lượng khám và điều trị không có gì hơn (thời gian khám bệnh cho bệnh nhân như nhau, bác sĩ như nhau) so với khám bình thường.

Cách tổ chức khám dịch vụ theo kiểu người có tiền được khám chen ngang, khám nhanh trọn gói ngay trong những phòng bệnh mà những người ít tiền hơn đang mệt mỏi chờ đợi rất dễ làm những người bệnh này cảm nhận rõ sự phân biệt đối xử của bệnh viện, trong khi quan điểm của ngành y tế nước ta là không phân biệt đối xử điều trị giữa các bệnh nhân, dù là bệnh nhân giàu hay nghèo.

Nguyễn Thị Hạnh Nguyên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên