"Nó xanh tốt như tấm lòng người dân thành phố hướng về biển đảo...”.
Phóng to |
Chị Nguyễn Thị Quý (giữa) tại Trường Sa Ảnh: T.T.D. |
Đó là một đoạn ghi chép trong quyển sổ nhật ký hành trình “Góp đá xây Trường Sa” của chị “ve chai” Nguyễn Thị Quý (Q.12, TP.HCM), trong chuyến đi khánh thành công trình “Góp đá xây Trường Sa”. Trong quyển nhật ký ấy, ngoài những dòng ghi chép về đặc điểm từng đảo còn là những dòng chữ viết họ tên, thông tin về những chiến sĩ đã hi sinh, kể cả về hai nấm mộ vô danh.
Sau khi thắp nhang cho năm ngôi mộ trên đảo Nam Yết, người phụ nữ ấy lặng lẽ mở lon nước ngọt và nhẹ nhàng rót vào từng chiếc ly nhỏ đặt trên mỗi bàn thờ liệt sĩ và cả hai ngôi mộ vô danh. “Họ còn quá trẻ. Có người bằng tuổi con trai tôi... Đời cha ông mình đã đổ xương máu nhưng đời con em mình đâu phải đã hết đổ xương máu! Tôi đã hiểu giữ được đảo quan trọng đến mức nào. Ở đất liền tấc đất là tấc vàng chứ đất ở đảo chìm là bằng máu, bằng mồ hôi, bằng tính mạng con người”.
Khi lên đảo Đá Lớn, đảo chìm đầu tiên mà đoàn đại biểu “Góp đá xây Trường Sa” đến thăm, chị Quý lân la đến trò chuyện với chiến sĩ tên Nguyễn Quang Châu đang cầm súng đứng gác bên bia chủ quyền. Người phụ nữ ấy cũng trò chuyện, hỏi thăm nhiều anh em, từ chiến sĩ đến chỉ huy đảo. Đến bất cứ đảo nào, hiếm khi thấy chị ngồi trong các phần giao lưu ca hát mà lẳng lặng xuống bếp, trò chuyện với những chiến sĩ phải làm nhiệm vụ trực hoặc lo cơm nước, không được nghe văn công hát, ít được mọi người biết.
Khi đến đảo Trường Sa Lớn, lúc vào khu hậu cần nấu ăn, một người trong đội xuồng của tàu gọi chị vào. Trong số các chiến sĩ của đảo có người nhận ra “chị Quý ve chai góp đá xây Trường Sa” trên tivi. “Người chiến sĩ ấy nói: “Trường Sa rất cảm ơn chị. Tổ quốc rất trân trọng những con người có tấm lòng như chị”. “Tôi không cầm được nước mắt - chị kể - Tại sao họ - những con người ngày đêm chịu nhiều gian khổ, thiếu thốn và luôn đối mặt với nguy hiểm, sống còn ấy, lại cảm ơn tôi, một người đang được họ bảo vệ. Tôi bảo những người trong đất liền phải cảm ơn Trường Sa thì họ cũng khóc. Tôi đã thấy rõ tình cảm dân quân trong những lúc như thế”.
Trước đây, người phụ nữ ấy luôn thắc mắc: biển đảo là như thế nào? Bây giờ chị đã biết, đã hiểu. Chị tâm sự: “Tôi đã hiểu giữ được đảo chìm quan trọng đến mức nào. Tôi sẽ nói với hai con mình rằng dù làm bất cứ công việc nào cũng phải có trách nhiệm với đất nước. Nếu quay lưng với biển đảo sẽ rất có tội với đất nước mình. Mong Tuổi Trẻ tiếp tục phát động “Góp đá xây Trường Sa” lâu dài hơn, biển đảo mà, không thể chỉ ngày một ngày hai, một năm hai năm mà phải có sự gắn kết lâu dài”.
Sẽ làm nhiều hơn cho Trường Sa Ca sĩ Lê Minh (nhóm MTV): “Tôi rất nhớ những lần chia tay đầy cảm xúc ở mỗi đảo đi qua. Lần nào các anh cũng đứng ở cầu cảng và vẫy tay rất lâu. Khi chia tay Trường Sa Lớn, các anh hét thật to vì gió lớn quá: đất liền bắt nhịp đi, Trường Sa hát theo. Rồi các anh hát “Ngày qua ngày, đêm qua đêm..”, Nối vòng tay lớn... Khi tàu bắt đầu rời cầu cảng, một chiến sĩ đã hét lên: “Trường Sa nhớ đất liền, yêu đất liền”. Khi nghe những đứa bé ở Trường Sa hát bài Khúc quân ca Trường Sa rất hùng hồn, dõng dạc chứ không phải là Ba thương con, Con cò bé bé..., tôi cảm nhận được khí chất của người lính đảo truyền vào lời hát của các bé, tình yêu Tổ quốc rất hồn nhiên của các bé. Nhóm MTV sẽ kể lại cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp những trải nghiệm đặc biệt về Trường Sa, về người lính của chúng ta. Nhóm MTV sẽ hoàn thành một sáng tác về người lính Trường Sa, đưa những bài hát hay nhất về biển đảo vào album mới nhất của nhóm, và sẽ góp phần nhỏ bé của mình để nhiều người hơn nữa biết về Trường Sa và tham gia chương trình “Góp đá xây Trường Sa” tích cực hơn”. Ông Nguyễn Hứa Thiên Giao (phó giám đốc khối nghiên cứu và phát triển Công ty cổ phần Đồng Tâm) cho biết: “Tôi sẽ có buổi báo cáo với công ty và sẽ kể lại những câu chuyện xúc động mình được chứng kiến cho nhiều người nghe. Tôi mong sẽ có nhiều hơn nữa những công trình “Góp đá xây Trường Sa” như căn nhà trên đảo Đá Tây A. Khi lên các đảo ở Trường Sa, tôi đã sưu tập một số mẫu san hô, sò, ốc mang về đưa cho phòng thiết kế tạo ra 2-3 mẫu gạch mới, tiếp tục tham gia chương trình Góp đá xây Trường Sa”. Ông Nguyễn Mậu Chi - tổng giám đốc Công ty Bia Huế, chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế - nói: “Tại cuộc gặp mặt các anh em trong Hội Doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế vào ngày 22-5, tôi sẽ mang câu chuyện về cuộc sống của các chiến sĩ, kể về ngôi nhà mới và sẽ bắt đầu một đợt vận động “Góp đá xây Trường Sa” mới, lớn hơn, không chỉ trong khối mà mở rộng ra nhiều người. Việc tôi làm đầu tiên là sẽ tặng sim thẻ điện thoại cho các chiến sĩ Trường Sa để họ có nhiều thời gian nói chuyện với gia đình, vợ con hơn; để họ thấy gần với đất liền hơn”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận