Đây là công trình được làm nên từ đóng góp của hàng triệu bạn đọc tham gia chương trình “Góp đá xây Trường Sa”.
Góp đá xây Trường Sa đã sống cùng Trường Sa
Phóng to |
Chị Nguyễn Thị Quý, người bán ve chai “góp đá”, cùng các chiến sĩ hải quân trước công trình “Góp đá xây Trường Sa” - Ảnh: Phan Đắc |
Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện |
5g45 ngày 14-5, chiếc tàu HQ-936 thả neo tại khu vực đảo Đá Tây A. Sóng và gió do mưa dông khiến việc đưa người xuống xuồng để vào đảo vô cùng khó khăn, nhưng không một ai muốn ở lại tàu. Đôi mắt họ và trái tim họ cứ đau đáu hướng về cụm ba ngôi nhà trên Đá Tây A, chờ đợi giây phút mà hàng triệu trái tim ở đất liền gửi gắm.
Về thăm nhà mới
"Tôi ước gì tất cả những người đã “Góp đá xây Trường Sa” được chứng kiến giây phút lịch sử tuyệt vời này. Từ chuyến đi này, tôi cảm nhận được những gian khổ của các chiến sĩ hải quân trải qua. Và những đóng góp của mình còn ít quá, nhỏ bé quá. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa cho Trường Sa" |
Công trình “Góp đá xây Trường Sa” gồm 12 hạng mục như nhà ở, bến cập xuồng, bể dầu... Đây là công trình được xây dựng từ số tiền bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp, trị giá 17 tỉ đồng. Nói như đại tá Đặng Minh Hải (phó chủ nhiệm Quân chủng hải quân VN): “Công trình này là biểu hiện sinh động của lòng dân, thấm đẫm nghĩa tình đất liền - biển đảo, góp phần vào thành trì vững chắc của cả dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước trên biển Đông”.
Khi đại tá Đặng Minh Hải và ông Lê Thế Chữ cắt dải băng khánh thành màu đỏ tươi tắn, giọt nước mắt đã lăn trên gương mặt chị Nguyễn Thị Quý (Q.12, TP.HCM), một phụ nữ mua ve chai đã góp một ngày thu nhập vào chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Chị bảo: “Tôi mong chờ giây phút này biết bao lâu rồi. Đêm qua tôi thao thức và hồi hộp không ngủ nổi, cứ tưởng tượng nhà trông như thế nào. Trong tất cả đảo chìm tôi đến thăm, đây là ngôi nhà rộng nhất, lớn nhất và đẹp nhất”.
Đại úy Hoàng Xuân Dũng - chính trị viên đảo Đá Tây A - cho biết: “Công trình nhà cộng đồng này sẽ là nơi để bộ đội làm nhiệm vụ, sinh hoạt sau mỗi ngày huấn luyện, học tập”. Còn anh Mai Khải Dục, một công nhân sửa chữa tàu nổi tiếng Trường Sa của khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, nói: “Từ nay ngư dân sẽ có thêm nơi dừng chân nghỉ ngơi, ăn ngủ sau những ngày lao động vất vả. Cảm ơn đất liền, cảm ơn bạn đọc báo Tuổi Trẻ nhiều lắm”.
Phóng to |
Tri ân người lính công binh
Ngay tại buổi lễ khánh thành, báo Tuổi Trẻ đã tôn vinh tất cả cán bộ, chiến sĩ công binh 131 - đơn vị trực tiếp thi công công trình. Những món quà, kỷ niệm chương, thư cảm ơn... của báo Tuổi Trẻ đã được gửi đến tận tay từng người lính công binh. Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng hải quân VN đã đọc một bài thơ ông viết về người lính công binh và gọi họ là những người có “ánh mắt như thắp lửa khơi xa”. Ông khẳng định: “Những người lính công binh đã xây nên công trình này và những chiến sĩ ở đây giữ đảo chính là viên đá vững chãi nhất, tỏa sáng nhất, lung linh nhất”.
Phóng sự ảnh “Xây Trường Sa mùa biển động” (tháng 10-2011) về chiến sĩ công binh làm nhiệm vụ chuyển đá trong sóng xô gió giật của cơn bão số 4 do phóng viên Tấn Vũ ghi nhận đã được báo Tuổi Trẻ gửi tặng đơn vị xây dựng đảo Đá Tây A. Phóng viên Tấn Vũ được báo Tuổi Trẻ cử ra trong một chuyến tàu chở đá tháng 9-2011. Anh đã cùng ăn cùng ở cùng vác đá với các chiến sĩ công binh gần một tháng trời, cùng trải qua những dữ dội, khốc liệt của cơn bão số 4. Nhìn những tấm ảnh có sức lan tỏa hơn cả ngôn từ ấy, ca sĩ Thanh Thúy rớm nước mắt, gửi gắm: “Mong Tuổi Trẻ tiếp tục phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa” lâu dài hơn. Tôi sẽ kể cho những đồng nghiệp của mình về chuyến đi này và cùng họ làm điều gì đó cho Trường Sa. Tôi mong mình là một viên đá nhỏ, gắn kết với hàng triệu viên đá khác để xây dựng biển đảo mình đời đời bền vững”.
Phóng to |
Lễ cắt băng khánh thành và công trình “Góp đá xây Trường Sa” trên đảo Đá Tây A - Ảnh: T.T.D. |
Những chuyến xuồng nghẹt thở
Khi đoàn đại biểu trở lại tàu, sóng gió đã trở nên khó lường. Chuyến xuồng thứ hai chở lãnh đạo đoàn công tác về tàu đã bất ngờ gặp tình huống vô cùng nguy hiểm: chiếc xuồng kéo bị chết máy khi vừa qua mép xanh (ranh giới giữa nền san hô và lòng biển có độ sâu rất chênh lệch nhau) một phút! Sóng cuồn cuộn từng đợt xô đẩy nhau đánh dạt hai chiếc xuồng trôi về phía lởm chởm đá mồ côi! Trong tình huống này xuồng có thể bị lật úp khi trôi chạm vào đá. Ngay lúc đó chiếc xuồng công binh của đảo đã ứng cứu kịp thời. “Nếu chậm một phút thôi, không ai nói trước được điều gì...” - trưởng đoàn công tác cho biết.
Kịch tính nhất là chuyến xuồng cuối cùng. Trong hơn hai tiếng đồng hồ, khách và chủ nhà phải chào nhau đến bảy lần mới chia tay được. Đi được hơn 2/3 quãng đường thì bất ngờ chiếc xuồng kéo bị chết máy! Xuồng kéo và xuồng chuyển tải gần như không di chuyển, cứ ngụp lặn trong những con sóng cao dựng đứng. Tất cả đều căng thẳng tưởng chừng nín thở, ngồi im không nhúc nhích. Chỉ huy xuồng giơ cao chiếc áo phao phát tín hiệu khẩn cấp. Ngay lập tức chiếc xuồng yểm trợ của đảo chạy gần đó lao đến ứng cứu...
Phóng to |
Đại diện những người góp đá (ảnh dưới) trên đường ra khánh thành công trình “Góp đá xây Trường Sa” trên đảo Đá Tây A (ảnh trên) - Ảnh: T.T.D. - Minh Đức |
Sau hơn nửa giờ vật lộn với sóng gió, chuyến xuồng cuối cùng đã cập vào mạn tàu HQ-936. Cứ mỗi lần đưa được một người lên tàu là tất cả lại vỗ tay và ào đến bắt tay, ôm chầm lấy. Nước mắt đã rơi trên rất nhiều gương mặt sau khi hồi hộp, nín thở theo dõi hành trình đưa người từ đảo ra. Nhìn các chiến sĩ công binh ngồi trên chiếc xuồng lặn ngụp trong sóng gió quay lại đảo, nhiều người không cầm được nước mắt. Trước mắt họ là công trình “Góp đá xây Trường Sa” rất khang trang, vững chãi trong mưa gió.
Hành trình của triệu trái tim Đại tá Đặng Minh Hải, phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng hải quân VN, cho biết: “Đây là chuyến tàu Quân chủng hải quân dành riêng cho bạn đọc báo Tuổi Trẻ, mang theo tinh thần và hơi ấm của đất liền, của hàng triệu trái tim yêu nước hướng về biển đảo quê hương, hướng về Trường Sa thân yêu. Đây không chỉ là hành trình của bạn đọc báo Tuổi Trẻ ra khánh thành công trình “Góp đá xây Trường Sa” mà còn là hành trình từ trái tim đến trái tim”. Từ ngày 8 đến 17-5, chuyến tàu HQ-936 chở đoàn đại biểu “Góp đá xây Trường Sa” đã đến thăm, giao lưu và tặng quà quân và dân tại tám đảo (Đá Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Tây, Trường Sa Lớn, Đá Lát) và nhà giàn Huyền Trân. Trong chuyến đi này, đoàn công tác còn bàn giao trang thiết bị y tế cho bệnh xá Trường Sa Lớn trị giá 1,4 tỉ đồng do Hội Golf TP.HCM gửi tặng. |
__________
Nhiều sĩ quan công binh đã bất ngờ khi nhận ra ông Phạm Văn Minh (56 tuổi, Quảng Ninh), người từng đi xây dựng các công trình ở Trường Sa từ năm 1988.
Phóng to |
Các sĩ quan công binh gặp lại thủ trưởng của mình là ông Phạm Văn Minh (giữa) - Ảnh: T.T.D. |
Người cựu chiến binh ấy và đồng đội của mình đã từng ra Trường Sa ngay sau sự kiện 14-3-1988. Khi ấy ông Minh là đại đội trưởng đại đội 10 (trung đoàn công binh 131), khung phó khung xây dựng nhà cấp 1 ở đảo Tiên Nữ. “Trên đường ra đảo, có khi máy bay trinh sát của nước ngoài bay sát rạt, nhìn thấy cả đầu phi công. Anh em không ai nhụt chí, lo sợ. Trên tàu có 1 tấn thuốc nổ. Nếu có chiến sự xảy ra, tàu đối phương cập mạn bắt sống, anh em sẽ cho nổ tung để không lọt vào tay họ” - ông Minh kể.
Thời ấy chưa có xuồng máy. Công binh cứ lần theo sợi dây nối từ tàu đến đảo mà kéo xuồng vào, kể cả ban đêm. Tốc độ lao động mỗi ngày nâng lên dù sức bộ đội mỗi ngày một xuống. Những bàn tay trần chỉ 1-2 ngày đã tróc da, bật máu, phồng rộp lên. Thời gian làm việc lên đến 18-20 giờ mỗi ngày. Tóc, lông mi, lông mày của lính công binh cháy vàng như lông bò. Da lưng bị tróc thành từng mảng. Nhiều người bị tróc 4-5 lần, lớp này chồng lên lớp kia không kịp liền đến tứa cả máu. Rồi anh em bị sốt “dây chuyền” một lúc hàng chục người, nhưng chỉ vừa hết sốt, tay chân còn bủn rủn là lại lao vào làm ngay.
Tháng 6-1988. Bão ập về. Tám trong số 12 sợi dây buộc vào các cột cắm xuống đảo để giữ cho pông tông (nơi ở của công binh và chiến sĩ giữ đảo, giống như sà lan) cố định đã bị sóng đánh đứt bung! Một tình huống cực kỳ nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào: chiếc pông tông nặng 600 tấn bị đứt dây neo, va đập vào làm vỡ, sập công trình. Toàn bộ nhân lực lúc này gấp rút múc nước biển đổ vào pông tông nặng 600 tấn để tăng thêm sức nặng cho nó chìm xuống biển. Nhưng sức người như muối bỏ bể. Bốn chiếc dây cuối cùng còn lại đứt phăng! Pông tông bị sóng đánh trôi chỉ còn 4m nữa là va vào công trình thì lọt vào lòng hồ của đảo.
Giữa tháng 7-1988, công trình xây dựng nhà trên đảo Tiên Nữ hoàn thành, nhanh hơn một tháng so với kế hoạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận