11/05/2012 00:57 GMT+7

Làm ngược quy luật

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TT - Về đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là sử dụng tiền thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và tăng phí sử dụng đường bộ trên quốc lộ (QL) để có vốn mở rộng QL1 (Tuổi Trẻ ngày 9-5), TS Nguyễn Quang Toản - nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ Đại học GTVT - nói:

wwAX4NKn.jpgPhóng to

TS Nguyễn Quang Toản - Ảnh: T.Phùng

- Đúng là hiện nay Nhà nước không đủ tiền để cấp cho Bộ GTVT, trong khi thời gian mở rộng QL1 đến cuối năm 2016 phải xong lại gấp rút. Chính phủ giao Bộ GTVT và các bộ liên quan phải huy động nguồn vốn, hình thức đầu tư, trong đó có cả ban hành mức phí sử dụng đường bộ hợp lý để đảm bảo thời gian hoàn vốn đầu tư.

* Ông đánh giá thế nào khi Bộ GTVT đề xuất nguồn ngân sách góp vốn hỗ trợ nhà đầu tư BOT mở rộng QL1 được hình thành từ thu phí hạn chế phương tiện cá nhân?

- Điều bất hợp lý ở chỗ là phí hạn chế phương tiện cá nhân chưa được Quốc hội thông qua. Tức là Bộ GTVT tính trên cơ sở cái mình chưa có là cách tính phiêu lưu. Có lẽ bộ cũng muốn ra điều kiện với Nhà nước, với nhân dân là: muốn thực hiện được việc kia (mở rộng QL1) thì phải làm việc này (thu phí) trong khi không có vốn. Nhưng hai vấn đề này độc lập với nhau: nhiệm vụ mở rộng QL1 và thu phí hạn chế phương tiện hay thu phí đường bộ là những chính sách có thể dựa vào nhau nhưng không phải có cái nọ thì có cái kia. Bởi vì người ta có thể phát triển hệ thống giao thông bằng nhiều nguồn vốn, nhiều loại thuế chứ không chỉ trực tiếp thuế, phí từ giao thông đổ vào cho giao thông. Thu phí từ giao thông tức thời để thực hiện mục tiêu trên thì không thể gánh nổi.

* Lãnh đạo Bộ GTVT lập luận rằng tiền đầu tư hạ tầng cũng là tiền người dân đóng góp từ thuế, vay nước ngoài thì sau này người dân cũng phải trả. Cho nên giai đoạn này người dân cần đóng góp cùng Nhà nước để phát triển hạ tầng như đóng phí hạn chế phương tiện cá nhân để xây dựng đường. Ông đánh giá điều này thế nào?

- Nói như thế thì rất dễ và đúng lý: nếu mà đóng được thì nên đóng. Nhưng hiện nay người dân đấu tranh vì họ không thể đóng được chứ không phải vì đóng được mà họ không đóng. Anh trói vào mà thu thì người ta đành phải chịu thôi, còn hiện nay người ta đã phản đối vì không thể đóng được khi mức phí cao, cuộc sống nhiều người khó khăn.

Cho nên với vấn đề lớn như thế này, Bộ GTVT muốn người dân đồng thuận đóng phí thì phải đưa ra được đề án, chương trình rõ ràng, hợp lý và minh bạch để thuyết phục người dân.

* Thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và tăng phí đường bộ sẽ làm giảm lượng xe cá nhân cũng như làm ít xe đi vào đường thu phí, trong khi nhà đầu tư BOT mong xe ngày càng tăng để thu phí hoàn vốn nhanh. Theo ông, việc thu phí này có làm nản lòng nhà đầu tư?

- Đúng là nhiều người nói Bộ GTVT làm ngược. Đáng lẽ phải hết sức phát triển phương tiện giao thông để thu được nhiều tiền đóng phí sau khi làm đường, đằng này lại ra sức hạn chế bằng cách thu cao, được nhiều tiền một lúc nhưng hạn chế nguồn thu sau này. Cái này là làm ngược quy luật kinh tế. Chắc bộ không phải không biết điều này nhưng khó khăn tức thời thì nghĩ cứ thu được đồng nào hay đồng nấy. Bây giờ cả nước có gần 2 triệu ôtô các loại, kể cả xe của Nhà nước, trong khi các nước có hàng chục triệu xe và ôtô là nguồn thu phí chính để hoàn vốn làm đường. Bộ GTVT “tự trói chân mình” là điều chắc chắn vì thu nhiều hiện nay để giảm phương tiện thì sau này sẽ thu được ít hơn.

68 ý kiến phản hồi của bạn đọc cũng cho rằng đề xuất mở rộng QL1 chủ yếu từ nguồn thu phí hạn chế phương tiện cá nhân là không hợp lý, là thêm gánh nặng cho người dân.

* Vậy là đã rõ mục đích của phí hạn chế phương tiện cá nhân. Dù đã có nhiều chuyên gia cũng như đóng góp ý kiến của nhân dân phân tích sự bất hợp lý trong lý luận thu phí, mục đích thu phí, phương pháp hành thu, mức thu... thì cuối cùng Bộ GTVT vẫn theo đuổi thu loại phí này. Mục đích thu lần này là để bù đắp ngân sách, nhưng có phải khi ngân sách thiếu tiền thì cơ quan quản lý nhà nước có thể đưa ra bất cứ khoản thu thuế, phí mới, bất chấp có hợp lý hay không?

* Sao Bộ GTVT cứ nhắm vào mục tiêu thu phí hạn chế phương tiện lưu thông mà không tính đến phương án khác? Dân còn nghèo, nhiều người chỉ có chiếc xe để làm cần câu cơm mà cũng phải đóng phí. Mong bộ trưởng hãy tính lại, đừng để dân nghèo phải thắt lưng buộc bụng thêm nữa.

* Kinh phí để mở rộng QL1 - con đường huyết mạch của đất nước - được Bộ GTVT đề xuất nhấn lên vai người dân vốn không giàu có gì. Vậy tiền thuế dân đóng ở đâu trong việc đầu tư này? Cùng với việc làm rõ và công khai cho dân biết dự toán kinh phí mở rộng đường là bao nhiêu, ông bộ trưởng Bộ GTVT cần cho biết đường sau khi mở rộng sẽ sử dụng được bao nhiêu năm mới hư hỏng cần phải sửa chữa. Tôi thấy nhiều đoạn đường mới sử dụng một vài năm đã hư hỏng, thậm chí chưa đưa vào sử dụng đã hỏng thì nguyên nhân do đâu? Thiết kế, thi công, giám sát, hay cả ba? Và với chất lượng đường như vậy thì chắc chắn thất thoát trong việc làm đường là rất lớn. Vậy thất thoát đó chạy vào đâu và ai chịu trách nhiệm về những thất thoát này? Nếu Bộ GTVT làm tốt khâu quản lý, giám sát, thi công, đảm bảo chất lượng đường thì chắc chắn người dân không phải đóng phí nhiều như vậy!

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên