23/03/2012 07:11 GMT+7

Hỗ trợ cảnh sát giao thông: nhiều tranh cãi

TRƯƠNG ĐỨC THẮNG
TRƯƠNG ĐỨC THẮNG

TT - Trong 412 ý kiến phản hồi của bạn đọc về bài viết “Đà Nẵng: CSGT nhận chung chi là về vườn” (Tuổi Trẻ 20-3), đã có sự tranh luận về khoản tiền được gọi là “dưỡng liêm” mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tuyên bố hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường với mức 5 triệu đồng/người/tháng.

8fij4MfE.jpgPhóng to
Việc TP Đà Nẵng sẽ hỗ trợ CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường mức 5 triệu đồng/người/tháng đang được dư luận quan tâm. Trong ảnh: CSGT Rạch Chiếc xử lý vi phạm giao thông tại ngã tư Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Hỗ trợ là đúng

Một CSGT chân chính chỉ sống bằng lương thì mức thu nhập dăm triệu đồng/tháng sẽ hết sức khó khăn so với dân văn phòng có mức lương chừng đó. Bạn ra đường còn có thể mang khẩu trang, đeo kính mát chống chọi cái bụi, cái nắng để bảo vệ sức khỏe, còn CSGT khi làm việc bị cấm những bảo hộ như vậy dù biết ảnh hưởng sức khỏe. Muốn họ làm tốt, muốn họ tránh xa nhũng nhiễu thì chính sách bồi dưỡng, thưởng và xử phạt nghiêm minh như Đà Nẵng áp dụng là việc làm đáng khích lệ.

Nhân rộng mô hình

Ông bà ta nói “bần cùng sinh đạo tặc”, nên cái chính là phải giải quyết thu nhập để ổn định cuộc sống cho các chiến sĩ CSGT. TP Đà Nẵng đã làm điều đó thì thật đáng hoan nghênh. Khi đã lo được đời sống thì sẽ dẹp sạch tiêu cực trong ngành, thật mạnh tay như chính sách cho “về vườn” của TP Đà Nẵng. Tôi nghĩ các tỉnh cần nghiên cứu phương án để thực hiện như TP Đà Nẵng, đồng thời không những áp dụng trong ngành CSGT mà nên nhân rộng các ngành có tiêu cực khác.

Không công bằng

Việc trợ cấp thêm 5 triệu đồng/tháng cho cán bộ CSGT làm nhiệm vụ trên đường của Đà Nẵng là không nên. Dù biết rằng lương của CSGT thấp nhưng mức thấp đó là tình trạng chung của công chức, viên chức nhà nước hiện nay chứ không riêng CSGT. Đó là chưa kể lương CSGT còn cao hơn một số ngành nghề khác. Làm như thế là không công bằng đối với các ngành khác.

Chưa chắc chặn được mãi lộ

Xã hội phân công mỗi người ở một vị trí công tác, đã có lương, thưởng rồi còn được hỗ trợ thêm thì bất hợp lý quá. Khoản thêm này còn cao hơn lương của một công chức bình thường quả khó chấp nhận! Quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, biên giới biết bao gian khổ, nguy hiểm, xa gia đình cuộc sống vô cùng khó khăn cũng đâu có được chi thêm mỗi người 5 triệu đồng/tháng!

CSGT làm nhiệm vụ gần nhà, điều kiện thuận lợi sao lại được chi thêm tiền? Đó là chưa kể có thêm 5 triệu đồng/tháng thì chưa chắc họ từ chối khoản lót tay từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng/thương vụ khi mỗi ngày có thể có hàng chục đến hàng trăm thương vụ. Khi ấy, có tiền “dưỡng liêm” cũng chưa chắc ngăn chặn được nạn mãi lộ.

Tăng lương và sàng lọc đội ngũ

Không nên gọi khoản tiền này là tiền dưỡng liêm vì liêm khiết là một thuộc tính đương nhiên của lực lượng CSGT nói riêng và cán bộ công chức nói chung. Hãy trở về đúng bản chất để gọi khoản tiền đó là phụ cấp hoặc tiền lương thôi.

Và như vậy, việc tăng lương cho đội ngũ cán bộ công chức, chứ không phải chỉ là lực lượng CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường ở TP Đà Nẵng, là việc nên làm và phải làm. Nhà nước phải đảm bảo cho đội ngũ công chức đủ sống thoải mái với đồng lương, đi kèm là tăng tính chuyên nghiệp và sàng lọc đội ngũ công chức sao cho tinh giản và hiệu quả.

“Dưỡng liêm” không giải quyết được gốc vấn đề

Về khía cạnh pháp lý, nếu số tiền “dưỡng liêm” được TP Đà Nẵng lấy từ ngân sách địa phương như lời ông bí thư thành ủy là không thể được. Tiền ngân sách nhà nước thực tế là tiền thuế của dân, theo điều 2 khoản 2 Luật ngân sách nhà nước thì tiền ngân sách nhà nước dùng để thực hiện các mục tiêu: “chi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước; chi trả nợ của Nhà nước”, hoàn toàn không có mục tiêu nào “dưỡng liêm”.

Trong Luật ngân sách nhà nước phần “Chi của địa phương” tại điều 33 cũng không có hạng mục nào chi cho hoạt động “dưỡng liêm”.

Ngày xưa tiền “dưỡng liêm” có tác dụng khi cấp cho “phủ, huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng việc nhiều, ngoài bổng chính, cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm để tỏ đặc cách”;“tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch”. Ngày nay “dưỡng liêm” chỉ cấp riêng cho CSGT Đà Nẵng nên không có tác dụng do thực tế xã hội không phải chỉ có một bộ phận cán bộ CSGT mới có vấn đề tiêu cực. Ở các ngành khác như tòa án, viện kiểm sát, thanh tra xây dựng, cán bộ địa chính... cũng hằng ngày đối diện với nguy cơ cao về tiêu cực không kém gì các chiến sĩ CSGT”.

Vậy nên nếu có chi tiền “dưỡng liêm” thì TP Đà Nẵng cũng phải “dưỡng liêm” cho hết, cho đồng đều mới mong có tác dụng. Còn chỉ mỗi CSGT được “dưỡng liêm” thì việc này có khi tác dụng ngược do có sự so bì. Nhưng nếu “dưỡng liêm” cho tất cả thì rõ ràng đây là “điệp vụ bất khả thi” của TP Đà Nẵng.

Chúng ta đã và đang xây dựng nhà nước pháp quyền, CSGT nói riêng và những người thừa hành công vụ đều phải có nghĩa vụ hành xử theo đúng chức trách bổn phận của mình và điều này đã được luật hóa bởi Luật công chức và những quy định ngành. Nếu viên chức làm tốt thì được khen thưởng và đường hoạn lộ thăng tiến, nếu làm sai nhẹ thì không xét thưởng và bổ nhiệm, nặng thì xử lý hình sự.

Vì vậy không cần và không nên có chế độ “dưỡng liêm”, mà chính quyền nên chú trọng và tạo điều kiện hơn nữa cho người dân và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát các công bộc, áp dụng luật để xử lý nghiêm các trường hợp công chức vi phạm pháp luật và điều quan trọng nữa là chính quyền nên nghiên cứu sao cho chế độ lương thưởng có thể đảm bảo được cuộc sống của các công bộc.

Đó mới là cái gốc để giải quyết vấn đề hiện nay: tệ tham nhũng và hối lộ.

TRƯƠNG ĐỨC THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên