23/02/2012 07:38 GMT+7

Sớm xử vụ kiện "bị thiệt hại do lô cốt"

CHI MAI
CHI MAI

TT - Ông Nguyễn Văn Lang, nguyên đơn trong vụ kiện “lô cốt” vừa có đơn gửi tới nhiều cơ quan chức năng, bày tỏ sự bức xúc về việc vụ kiện đòi bồi thường do “lô cốt” chắn đường của ông đã bị tòa án “ngâm” hơn hai năm qua chưa đưa ra xét xử.

Vụ kiện “lô cốt”: Triệu tập nhà thầu Trung QuốcVụ kiện "Lô cốt": phải hoãn

XGKkanL8.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Lang đến TAND TP.HCM làm việc về vụ kiện “lô cốt” chắn trước nhà gây thiệt hại (ảnh chụp tháng 11-2010) - Ảnh: T.T.D.

Ông Lang (80 tuổi) là người dân đầu tiên vác đơn đi kiện đòi cơ quan chức năng bồi thường vì cho giăng “lô cốt”. Vụ kiện được nhiều người quan tâm, mong chờ phán quyết của tòa. Thế nhưng đã hơn hai năm qua, sau khi phía nguyên đơn đã bỏ cả chục triệu đồng tạm ứng các khoản án phí, phí ủy thác tư pháp rồi đi lên đi xuống nhiều lần, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Chờ ủy thác tư pháp

Theo ông Lang, ngày 25-1-2012 (mồng 3 Tết Nhâm Thìn), ông nhận được giấy triệu tập đến tòa nhưng trong thư mời ghi làm việc là ngày 17-1. Cách đây ít ngày, ông đến tòa nhưng không gặp được thẩm phán.

Thư ký tòa tiếp ông có giải thích có thể do thư đến trễ, đề nghị ông cứ về, có gì sẽ gửi thông báo sau.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lang sở hữu căn nhà trên đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Từ năm 2001, các con của ông Lang mở quán ăn và kinh doanh khá hiệu quả. Đến khoảng tháng 1-2005, dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thi công đến khu vực đường nhà ông. Một “lô cốt” đã mọc lên chắn ngay sát cửa quán ăn của gia đình, chỉ còn một lối nhỏ để đi qua. Từ đó, công việc kinh doanh của quán ăn bị ngừng trệ. Không những thế, việc xây dựng tuyến cống bao giếng S27 còn khiến căn nhà của ông bị lún, nứt nhiều nơi.

Ông đã đề nghị Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP bồi thường thiệt hại nhưng sau nhiều cuộc họp, thảo luận thì việc bồi thường đã không thống nhất được khi nhà thầu thi công công trình chỉ đồng ý bồi thường 50% chi phí cho gia đình ông.

Bức xúc vì chịu nhiều thiệt hại, ông Lang đã gửi đơn kiện đến TAND TP.HCM. Trong đơn kiện, ông Lang đòi được bồi thường hai khoản: thiệt hại do nhà bị hư hỏng, phải sửa chữa (120 triệu đồng) và việc mất thu nhập do bị “lô cốt” án ngữ trước quán (252 triệu đồng).

Vụ kiện đã được TAND TP.HCM thụ lý từ ngày 5-2-2010, nhưng đến nay đã hơn hai năm vẫn chưa phiên tòa nào được mở. Theo giải thích của thẩm phán, nguyên nhân chậm đưa ra xét xử là phải chờ thủ tục ủy thác tư pháp do hai nhà thầu thi công công trình ở Trung Quốc.

Ông Lang cho biết: người ông muốn kiện đòi bồi thường là Sở Giao thông vận tải TP.HCM, chủ đầu tư dự án, chứ không phải hai nhà thầu Trung Quốc đã thi công công trình này. Lúc nộp đơn kiện, do không hiểu luật và bị hướng dẫn sai, ông đã bổ sung đơn kiện để đưa cả hai nhà thầu này (cùng với Sở Giao thông vận tải TP) là bị đơn. Vì thế, tòa án đã xác định vụ kiện có yếu tố nước ngoài và phải làm thủ tục ủy thác tư pháp, thông báo và đề nghị nhà thầu Trung Quốc có ý kiến, cử người tham gia vụ kiện.

Nhiều lần đến hỏi thăm, ông nhận được thông báo đề nghị đóng phí ủy thác tư pháp lần 1 rồi lần 2 nhưng vẫn không nghe tòa nói chừng nào sẽ xét xử vụ án.

Thấy việc đưa hai nhà thầu Trung Quốc vào vụ án với tư cách bị đơn làm phát sinh “yếu tố nước ngoài” khiến thời gian giải quyết án kéo dài thêm, ông Lang đã gửi đơn đề nghị tòa xác định lại chỉ Sở Giao thông vận tải là bị đơn. Tuy nhiên, tòa án đã có văn bản trả lời rằng nếu ông Lang không yêu cầu đưa hai nhà thầu vào vụ án với tư cách bị đơn thì tòa cũng phải đưa hai nhà thầu này vào với tư cách là bên có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Theo tòa, do nhà thầu là đơn vị thi công công trình, nếu không đưa họ vào vụ án sẽ không đảm bảo quyền và nghĩa vụ của họ. Do vậy, tòa vẫn phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp trước khi xét xử.

Đã gỡ được vướng mắc

Theo luật sư Lê Đình Phạt - Đoàn luật sư TP.HCM: Luật tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn đã quy định thời gian tối đa kể từ thời điểm thụ lý vụ án đến khi đưa ra xét xử (thời hạn chuẩn bị xét xử) của vụ án dân sự chỉ từ 4-6 tháng. Việc kéo dài thời hạn xét xử vụ án nhiều năm là vi phạm tố tụng, gây khó khăn, thiệt hại cho đương sự.

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, cho rằng: vấn đề vướng mắc trong ủy thác tư pháp đã được quy định trong thông tư liên tịch số 15 (ban hành ngày 15-9-2011) giữa Bộ Tư pháp - Bộ Ngoại giao - TAND tối cao.

Theo thông tư này, trong trường hợp không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì sau sáu tháng kể từ ngày gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà vẫn không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, thì tòa án có thể căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã thu nhập được để giải quyết vụ việc theo quy định.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo TAND TP.HCM giải thích nguyên nhân vụ án chậm đưa ra xét xử do vướng thủ tục ủy thác tư pháp không có trả lời. Từ trước đến nay, nhiều vụ kiện đã được tòa thụ lý nhưng phải tạm đình chỉ, không xét xử được vì lý do này. Thông tư 15 đã tháo gỡ vướng mắc về ủy thác tư pháp mới có hiệu lực từ đầu tháng 12-2011 nên trong thời gian ngắn nữa, vụ án này sẽ được đưa ra xét xử.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên