06/01/2012 02:30 GMT+7

Chi tiền mua danh tiếng

TRẦN HOÀNG HẢI (trhoanghai95@...)
TRẦN HOÀNG HẢI (trhoanghai95@...)

TT - Trong 200 ý kiến bạn đọc bàn luận về loạt bài “Đằng sau hào quang học sinh giỏi quốc gia” (Tuổi Trẻ từ ngày 2 đến 5-1), có rất nhiều tâm sự của những thầy cô và học sinh từng gắn bó với các kỳ thi học sinh giỏi. Hầu hết ý kiến này đều mong muốn có những kỳ thi học sinh giỏi đúng nghĩa và công bằng.

qpVHuiKq.jpgPhóng to
Học sinh đội tuyển địa lý tỉnh Phú Thọ ôn luyện trước khi thi -Ảnh: Ngọc Hà

Kỳ 1: Giỏi cũng phải... chi tiềnKỳ 2: Luyện “gà chọi” cấp tốcKỳ cuối: Đừng biến thành cuộc đua thành tích

Bộ cần xem lại

Tôi là một giáo viên dạy lịch sử ở vùng đất cù lao nghèo khó thuộc Trường THPT Chu Văn An, Phú Tân, An Giang. Tham gia 10 năm bồi dưỡng học sinh giỏi, chín năm có học sinh dự thi cấp quốc gia, có hai học sinh đoạt giải, nhưng tôi chưa một lần nhận tiền của phụ huynh và học sinh, mà còn bồi dưỡng nước uống cho các em hằng buổi (chỉ nhận vài chục tiết tiền bồi dưỡng của nhà trường). Hai ngày nay đọc “Đằng sau hào quang học sinh giỏi quốc gia” trên báo Tuổi Trẻ, tôi rất buồn và lấy làm tiếc. Bộ Giáo dục - đào tạo nên xem xét lại vấn đề này.

Phạm Văn Long

Không hãnh diện

Tôi dạy tại một trường chuyên ở TP.HCM. Hằng năm, tôi chứng kiến ban giám hiệu duyệt chi hàng trăm triệu đồng cho chuyện “rước thầy, mua danh tiếng” như vậy. Thật tình tôi không có cảm giác hãnh diện chút nào khi mỗi năm trường tôi đều có học sinh đậu vào đội tuyển quốc gia. Rồi năm nào trường tôi cũng “vinh danh”, tặng tiền, tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cho vài thầy cô dạy môn chuyên toán - lý - sinh - hóa. Giáo viên những môn phụ nhìn vào đó mà... mất hứng thú dạy dỗ luôn.

(anly2000@...)

Không công bằng

Tôi là học sinh tại miền Tây sắp tham gia kỳ thi sắp tới. Tỉnh chúng tôi rất nghèo, hoàn toàn không có điều kiện chạy đôn chạy đáo như các tỉnh nói trên. Chúng tôi học bằng trái tim, bằng sự quyết tâm không làm phụ lòng quý thầy cô đã hết mình vì đội tuyển. Tôi hoàn toàn cảm thông với các bạn học sinh trong những trường đã nêu. Nhưng tôi cũng hết sức bất ngờ vì cách “tập huấn” khủng khiếp của các tỉnh. Giờ thì đúng là sự ngưỡng mộ tôi dành cho các trường trên đã hoàn toàn tan biến. Tôi biết mình đang chuẩn bị tham gia một cuộc thi không công bằng - trường thì đầu tư quá nhiều, trường thì không có kinh phí, nhưng tôi vẫn tự hào vì dù sao đi nữa tỉnh tôi cũng không có cách giáo dục hao phí và “đại gia” như vậy.

(fire_or_snow_1995@...)

Hậu quả của “luyện gà chọi”

Tôi từng là học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia nên muốn nói tới hậu quả cuộc thi. Nếu thi đậu và được tuyển thẳng vào đại học thì đáng mừng, nhưng thi rớt thì chưa biết điều gì xảy ra vì trong thời gian luyện thi chỉ tập trung học một môn, còn các môn khác chỉ học cho biết nên hổng kiến thức rất nhiều. Cùng khóa tôi có nhiều bạn thi xong rồi về học lại bị mất kiến thức, kỳ thi đại học không được như ý muốn.

Trương Công Nam (truongcongnam88@...)

Để đấu trí thật sự

Tôi từng dự thi học sinh giỏi quốc gia hai lần và có được hai giải: một khuyến khích và một giải ba. Với tôi đó là sự nỗ lực, sự cố gắng của cả bản thân, sự giúp đỡ của thầy cô. Nơi tôi ở, Bến Tre, người dân còn nghèo lắm thì làm sao lấy tiền mà đi “mua giải” được? Có lẽ tôi dùng từ hơi quá nhưng tôi thật sự buồn vì cách làm của một số nơi chạy theo thành tích. Hãy để những em học sinh đấu trí với nhau bằng năng lực thật sự của các em. Những ai đã đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, những ai đang chuẩn bị thi học sinh giỏi quốc gia phải được tự hào rằng mình đang học hoặc đang thi và đoạt giải với năng lực thật sự của mình.

Thế Dân (thedan168@...)

Tăng tính bảo mật đề thi

Bộ Giáo dục - đào tạo có Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng gồm rất nhiều chuyên gia về các môn thi phải chịu trách nhiệm chính khâu ra đề. Trước lúc thi khoảng nửa tháng đến một tháng, bộ nên triệu tập một số giáo viên giỏi ở các trường đại học, trường phổ thông để mời ra đề thi (không báo trước). Làm như vậy sẽ không biết ai được ra đề. Làm bí mật khâu ra đề thi cả nhân sự cũng như tổ chức sẽ giảm bớt tối đa tiêu cực trong khâu thi cử hiện nay. Bên cạnh đó là chế tài, quy trách nhiệm hình sự nếu không bảo mật đề thi, từ đó sẽ làm tăng tính bảo mật tối đa trong các cuộc thi cử hiện nay.

Ấm áp tình thầy trò

Tôi từng tham gia đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh Tây Ninh những năm 1982-1983. Thời đó trò nghèo thầy cũng nghèo nhưng nghĩa tình thật ấm áp. Thầy lo cho trò từng chút và trò thì cố gắng hết sức vì thầy, vì nhà trường, tuyệt nhiên không có chuyện tiền bạc gì cả. Khi biết tin tôi đoạt giải nhì môn văn lớp 9 vòng tỉnh năm đó, thầy đã đạp xe từ nhà đến để báo tin cho gia đình tôi trong niềm vui và xúc động. Tôi mãi mãi không quên được giây phút này.

Vũ Mỹ Dung (cuchi@...)

TRẦN HOÀNG HẢI (trhoanghai95@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên