29/11/2011 12:19 GMT+7

Bệnh viện phải mượn thiết bị y tế

BS TĂNG HÀ NAM ANH
BS TĂNG HÀ NAM ANH

TT - Ngày 24-11, Tuổi Trẻ đề cập việc một bệnh viện mượn máy và dùng hóa chất của công ty đã cho mượn máy. Thực tế thời gian qua cho thấy trang thiết bị của bệnh viện hiện đang sử dụng đến từ ba nguồn: một là Nhà nước đầu tư, hai là nguồn vốn vay ưu đãi hay nguồn vốn xã hội hóa, ba là các công ty dược phẩm hay trang thiết bị y tế cho bệnh viện mượn.

Với trang thiết bị do Nhà nước đầu tư, mỗi năm phân bổ ngân sách cho nhiều nơi, do đó nguồn vốn này rất hạn chế. Chưa kể từ lúc nhận được quyết định cấp vốn đến khi có được trang thiết bị mất cả vài năm. Trong vài năm đó xem như bệnh nhân đành phải chịu. Còn nguồn vốn xã hội hóa hay vốn kích cầu thường được đầu tư vào những trang thiết bị có thể thu lại lợi nhuận để hoàn vốn.

Nguồn thứ ba có thể giải thích như sau: với các loại thiết bị phục vụ chẩn đoán, phẫu thuật thông thường các bệnh viện phải tự trang bị, thế nhưng rất ít bệnh viện tại VN có thể tự trang bị cho mình. Ví dụ về khoan và cưa trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Để mổ một ca gãy xương, một ca thay khớp, các bác sĩ chỉnh hình cần phải có khoan và cưa. Nếu một ngày mổ ba ca cho một phòng mổ thì ít nhất phải có hai bộ khoan, cưa để thay phiên nhau hấp tiệt trùng và sử dụng.

Mỗi bộ khoan, cưa y khoa bây giờ không dưới vài trăm triệu đồng, chưa kể phòng thanh trùng phải có hệ thống máy hấp nhanh để sau một hay hai giờ phải có khoan để sử dụng. Một ngày mổ 10 ca thì ít nhất phải có sáu bộ khoan. Chỉ nhiêu đó đã thấy số tiền đầu tư cho khoan nhiều như thế nào. Thế nhưng đầu tư cho khoan thì không thể thu hồi vốn, chưa kể sau năm năm khoan bị hư vì hấp nóng nhiều lần (đối với các loại khoan kém chất lượng, thời gian này chỉ còn một hay hai năm).

Để bán được dụng cụ mổ, các hãng trang thiết bị phải tự mua khoan và cưa cho bệnh viện mượn. Chuyện đương nhiên là không thể lấy khoan của hãng này mà dùng dụng cụ của hãng khác. Những doanh nghiệp chỉ chăm chăm bán hàng và thu lợi nhuận mà không đầu tư dụng cụ mổ sẽ khó bán hàng hơn. Do vậy, thật không công bằng khi nói nhiều doanh nghiệp mất đi cơ hội bán hàng khi bệnh viện mượn máy của công ty và dùng hàng của chính công ty đó.

Sự thiếu thốn trang thiết bị của các bệnh viện ở VN là sự thật hiển nhiên. Trong hoàn cảnh như vậy, bệnh viện chắc chắn phải tự thân vận động để có dụng cụ phục vụ bệnh nhân. Không có trang thiết bị thì không làm tốt và không có bệnh nhân. Tự thân vận động kiểu này thì bị cho là làm không đúng. Trong trường hợp này trách nhiệm lớn nhất thuộc về các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo chứ không phải bệnh viện.

BS TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên