24/08/2004 06:10 GMT+7

Cần quan niệm đúng và có cách làm đúng

NGUYỄN VĂN HẠNH (Q5, TP.HCM)
NGUYỄN VĂN HẠNH (Q5, TP.HCM)

TT - Tôi cũng có nhiều câu hỏi như Tâm Phong về dự án đào tạo nhân tài (Tuổi Trẻ). Nếu hiện nay ta có các trường chuyên, lớp chọn ở phổ thông, đại học Bách khoa Hà Nội có lớp cử nhân tài năng, thì không gì phải bàn cãi nhiều.

Nhưng đã thành dự án cấp nhà nước thì cần phải suy nghĩ, cân nhắc thận trọng hơn nhiều. Từ đâu ra các con số 6 năm, 700 nhân tài, 3 lĩnh vực khoa học - công nghệ, lãnh đạo - quản lý, kinh doanh? Và thật ra có mục tiêu “đào tạo” nhân tài không?

Có thể đào tạo kỹ sư, nhà giáo, nhà chính trị, cầu thủ... rồi từ trong số họ có thể xuất hiện các nhân tài, chứ làm sao cả quyết được những người được chọn đào tạo đó sẽ thành nhân tài? Đó là chưa nói nhân tài đó có giúp ích được gì cho đất nước hay không. Qua ý kiến ông Đào Trọng Thi (phỏng vấn trên Tuổi Trẻ 2-8-2004) thì mọi việc còn khá mơ hồ và đáng lo ngại. Hóa ra nhân tài là các em học sinh giỏi, có giải ở các kỳ thi quốc tế, là một số sinh viên được vài trường nước ngoài nào đó chọn cho đi học.

Nếu thật sự ta muốn có một “dự án đào tạo nhân tài” thì những người chủ trì dự án hãy công bố công khai quan niệm, quan điểm của mình về tài năng, về nhân tài; các biện pháp mà mình thấy là cần thiết, có triển vọng để phát hiện tài năng, “đào tạo nhân tài”. Ở đây chẳng có gì phải bí mật cả. Vấn đề là phải đúng, ích nước lợi dân, đáng đồng tiền bát gạo. Do đó phải có quan niệm đúng, cách làm đúng, chứ không đơn giản do cấp có thẩm quyền cao thông qua là xong.

Quan tâm đến tài năng, nhân tài chứ không đơn giản là bồi dưỡng học sinh giỏi, có lẽ việc quan trọng và có ý nghĩa phổ biến hơn là tạo môi trường thuận lợi cho tài năng bộc lộ và phát triển. Từ chế độ bao cấp ta chuyển sang kinh tế thị trường, công nhận vai trò của kinh tế tư nhân, tạo môi trường cho bao nhiêu nhà doanh nghiệp tài ba xuất hiện. Từ chỗ chỉ nhấn mạnh “thương nhân đa trá” và có thái độ đầy thành kiến đối với thương nhân, gần đây ta hiểu thêm rằng “phi thương bất phú” (cả hai mặt này ông cha ta đều đã lưu ý), ta bình thường hóa quan niệm về thương mại, dịch vụ trong xã hội, vì vậy đã xuất hiện không ít người tài trong lĩnh vực này.

Tạo được môi trường thuận lợi cho tài năng bộc lộ và phát triển, hoàn thiện cơ chế, chính sách sử dụng người tài quan trọng hơn rất nhiều so với việc trông chờ vào hiểu biết, thiện chí của những người có chức, có quyền trong việc sử dụng, cất nhắc tài năng.

NGUYỄN VĂN HẠNH (Q5, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên