Giáo viên thì mệt mỏi vì dạy như “nước đổ đầu vịt”. Không biết làm thế nào để “đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam...” như dự thảo chương trình tiếng Anh tiểu học thuộc đề án 2020 đưa ra được đây.
Hè năm nay, lần lượt giáo viên tiếng Anh các cấp được khảo sát năng lực cấp tốc. “Cấp tốc” theo đúng nghĩa: giáo viên chỉ được thông báo khảo sát cách đó độ một tuần (có nơi còn ít hơn), không biết mình sẽ được khảo sát những nội dung gì và như thế nào, đến ngày thi mới tá hỏa biết rằng mình đang được khảo sát theo tiêu chuẩn châu Âu. Kết quả, tất nhiên, sẽ rất thấp. Và sẽ có kết luận là bao nhiêu phần trăm giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn và phải đi đào tạo lại. Cơ hồ như việc học sinh phổ thông học yếu ngoại ngữ là trách nhiệm chính của đội ngũ giáo viên.
Khoan hãy bàn đến độ tương ứng giữa kiến thức ngôn ngữ dùng cho việc dạy học và kiến thức ngôn ngữ được dùng để khảo sát giáo viên. Vấn đề của tiếng Anh THPT hiện nay là sự khập khiễng giữa việc học và việc kiểm tra đánh giá, giữa tham vọng lồng ghép quá nhiều thứ và mục tiêu chính của ngôn ngữ là giao tiếp.
Mỗi đơn vị bài học trong chương trình tiếng Anh THPT được chia thành năm kỹ năng: đọc, nói, nghe, viết và ngữ pháp - ngữ âm nhưng bài thi tốt nghiệp lại chỉ kiểm tra được chủ yếu kỹ năng ngữ pháp và đọc hiểu. Do vậy, học sinh khá thờ ơ các kỹ năng còn lại.
Bên cạnh đó, lượng kiến thức cung cấp lại quá ôm đồm và mang tính chất hàn lâm như thể chuẩn bị cho học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ đi sâu vào nghiên cứu chứ không phải là giao tiếp.
Bản thân giáo viên cũng bối rối không biết nên làm thế nào cho đúng. Để giao tiếp được thì các kỹ năng ngôn ngữ phải được luyện tập đến mức trôi chảy (ưu tiên mức độ thông thạo hơn là chính xác). Trong khi theo như tiêu chí đánh giá nặng về lý thuyết và tính chính xác cao như hiện nay, để đạt kết quả cao, bất đắc dĩ chúng tôi phải dạy học sinh những mẹo làm bài. Ví dụ như nguyên tắc đánh trọng âm, phát âm: tận cùng bằng ký tự này thì đánh trọng âm thế này, phiên âm thế kia.
Điều này dẫn đến một nghịch lý là khi làm bài kiểm tra các em làm đúng nhưng khi sử dụng ngôn ngữ thì lại sai. (Điều này gần giống như các mẹo khi thi lý thuyết lái xe - kết quả có thể cao nhưng khi ứng dụng lại kém).
Để nâng cao hiệu quả thật sự của việc dạy và học tiếng Anh THPT, thiết nghĩ việc đổi sách hay rà soát năng lực giáo viên không quan trọng bằng việc thay đổi cách thức đánh giá, kiểm tra. Nên chăng cần xem ngoại ngữ như một chứng chỉ bắt buộc khi tốt nghiệp THPT?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận