Không phủ nhận có những khu vực công mà hiệu quả thiết thực của các nỗ lực đổi mới theo hướng thuận tiện, lợi ích cho dân đáng được ghi nhận. Chẳng hạn, trong việc cấp, đổi chứng minh nhân dân, hộ chiếu. Không chỉ các thủ tục đã được giản lược và ít tốn thời gian hơn trước; người dân đến cơ quan công trong hầu hết trường hợp đã có cảm giác của người được phục vụ trong một môi trường giao tiếp thân thiện, cởi mở và thoải mái.
Nhưng một vài điểm nhấn tích cực không che lấp được những yếu kém trong guồng máy hành chính công nặng nề, đủng đỉnh được duy trì bất chấp sự hô hào, nhắc nhở, thúc giục, đòi hỏi, thậm chí mệnh lệnh cải cách của người có trách nhiệm. Lĩnh vực quản lý nhà đất có thể được coi là một trong những nơi ngự trị dai dẳng của chủ nghĩa bàn giấy, quan liêu: dù dưới cơ chế hai giấy hay một giấy, người dân cứ phải vã mồ hôi và hao tổn thì giờ, tiền bạc cho các thủ tục đăng bộ sang tên ngày càng phức tạp; “cò” nhà đất nhờ đó vẫn mặc sức tung hoành.
Nhiều ý kiến cho rằng để cải cách thủ tục hành chính không chỉ là chủ trương trên giấy, là khẩu hiệu sáo rỗng, bên cạnh việc tăng cường các định chế kiểm tra, giám sát, cần phát huy vai trò chủ động của người dân. Một mặt cần tạo điều kiện để người dân tham gia xây dựng các phương án cải cách thông qua việc phổ biến rộng rãi các sáng kiến đổi mới, đơn giản hóa thủ tục, quy trình; mặt khác cần động viên người dân có thái độ tự tin, đĩnh đạc của một ông chủ, hoặc ít nhất là của một đối tác bình đẳng trong quan hệ hành chính công khi giao tiếp tại công đường: tích cực trong việc đặt ra các yêu cầu cung cấp thông tin, yêu cầu giải thích, hướng dẫn; tích cực hợp tác trong việc thỏa mãn các yêu cầu thiết lập, bổ túc hồ sơ; trong việc giải trình, minh chứng...
Một khi người dân có được nhận thức đầy đủ về quyền làm chủ của mình và sử dụng quyền ấy một cách đúng đắn, thì hẳn, một cách tương ứng, người đại diện công quyền sẽ chịu sức ép để tự điều chỉnh, tự đặt mình ở vị trí của người phục vụ. Song, điều này chỉ thật sự đúng trong trường hợp quan hệ nghiệp vụ giữa cơ quan hành chính công và người dân thường không mang tính chất xin - cho mà thật sự là quan hệ cung ứng - thụ hưởng dịch vụ công.
Nói khác đi, chừng nào người dân còn đến cơ quan công quyền với tâm trạng của người bị buộc phải đến mà không có sự lựa chọn, thì có cải cách thủ tục kiểu gì đi nữa tình trạng hành dân còn tiếp diễn.
Bởi vậy, một trong những biện pháp cải cách thủ tục hành chính căn cơ là xóa bỏ tình trạng độc quyền trong cung ứng dịch vụ công. Trong điều kiện công tác quản lý được tin học hóa, có thể cân nhắc việc thừa nhận cho người dân quyền lựa chọn cơ quan mỗi khi cần giao tiếp với thiết chế công, theo sự thuận tiện đối với bản thân, mà không bị ràng buộc theo địa bàn nơi cư trú hay nơi tọa lạc tài sản, nơi đặt trụ sở doanh nghiệp. Cơ quan công quyền khi đó sẽ trở nên tích cực, mẫn cán trong việc cải tiến thủ tục hành chính, theo sự thôi thúc của nhu cầu tự hoàn thiện, coi đó là một trong những biện pháp thu hút người dân đến giao dịch với mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận