Phóng to |
Một CSGT làm nhiệm vụ trên đường Láng Hạ (Hà Nội) bị người vi phạm lái xe đâm thẳng vào người và hất lên nắp capô - Ảnh: otofun |
Việc những người vi phạm luật giao thông có hành vi chống đối lại người thi hành công vụ bằng nhiều hình thức khác nhau thì cần phải xử lý nghiêm để ngăn ngừa chung. Nhưng thiết nghĩ một số CSGT trong khi đang làm nhiệm vụ cũng có những hành vi thiếu văn hóa giao thông trong mắt người dân.
Khi phát hiện người tham gia giao thông vi phạm hiếm khi nào CSGT chào dân theo đúng quy định của ngành, họ cứ thản nhiên cầm công cụ hỗ trợ chạy ra giữa đường "ngoắc" người vi phạm vào trong lề đường rồi gằng giọng hỏi "Giấy tờ của ông đâu đưa tui kiểm tra", "Ông biết ông vi phạm điều gì không"...
Chính vì lối ứng xử thiếu tế nhị, thậm chí là không có văn hóa, tác phong của một cán bộ, chiến sĩ CSGT nên đôi khi xẩy ra những căng thẳng, ẩu đả giữa người vi phạm và người đang thi hành công vụ.
Thiết nghĩ, người dân vi phạm luật thì đương nhiên phải cương quyết xử lý nhưng trong đó cũng phải chấn chỉnh lại lề lối làm việc của cán bộ, chiến sĩ CSGT, đặc biệt là hành vi ứng xử có văn hóa đối với người vi phạm.
Điều đó sẽ làm thiện cảm hơn và uy nghiêm hơn hình ảnh người chiến sĩ CSGT trong mắt người dân và cũng là hạn chế những căng thẳng và dẫn đến những ẩu đả đáng tiếc, thậm chí là chống người thi hành công vụ.
Hình ảnh người chiến sĩ
Công an là lực lượng phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, đem lại sự an bình cho người dân. Từ trước đến nay lực lượng công an và nhân dân như cá với nước, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Việc hiện nay xảy ra ngày càng nhiều vụ chống trả người thi hành công vụ do tác động tiêu cực của xã hội, sự xuống cấp đạo đức của một số bộ phận người dân (trong đó không ít những con ông cháu cha), cậy quyền cậy thế xem thường lật pháp cần phải được nghiêm trị để làm gương cho kẻ khác.
Tuy nhiên chúng ta cần phải nhìn lại hình ảnh của người chiến sĩ công an trong con mắt của người dân thường có rất ít thiện cảm, nhất là lực lượng công an giao thông.
Vì sao?
Thứ nhất: Một số công an giao thông (CAGT) nhận hối lộ quá nhiều, bất kỳ tài xế xe tải nào cũng từng làm ít nhiều việc chung chi cho CAGT để thoát tội. Các vụ tai nạn giao thông làm chết bao nhiêu người phải kể đến lỗi tiêu cực của CAGT.
Thứ hai: Người thực thi pháp luật lại phạm pháp càng phải bị xử lý nghiêm minh để làm gương nhưng việc xử lý các CA vi phạm không đến nơi đến chốn, gây nhiều nỗi hoài nghi bức xúc trong dân.
Thứ ba: Một số cán bộ lại bao che, bảo kê cho các phương tiện giao thông (nhất là các xe ben), lợi dụng chức quyền và các mối quan hệ trong ngành để làm bậy.
Cả 3 điều trên đã làm xói mòn lòng tin của người dân với lực lượng công an, lực lượng này đáng lẽ ra phải được người dân hết mực tôn trọng, thương yêu vì ý nghĩa công việc họ đang làm. Bác Hồ đã dạy CAND "Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép, Đối với địch phải cương quyết khôn khéo" CAND chúng ta chưa làm được nhiều như vậy.
Thật buồn khi nhiều người dân cứ gặp CA là né tránh, càng ít tiếp xúc càng tốt. Tuy nhiên, không phải CA ai cũng xấu, có rất nhiều người rất tốt, hi sinh thầm lặng vì hạnh phúc nhân dân.
Ngành CA cũng như nghề ca sĩ, diễn viên vậy. Là người của công chúng, thường hay tiếp xúc với dân cho nên cái xấu thường tạo ấn tượng rất mạnh. Ngành CA cần nghiêm chỉnh nhìn lại mình để tạo hình ảnh tốt đẹp trong lòng người dân. Các trường hợp chống người thi hành công vụ xảy ra vừa qua là hệ quả một phần của sự chán ghét CA ở một số bộ phận người dân thiếu ý thức, coi thường pháp luật (chứ không phải ai ghét CA cũng đều chống lại người thi hành công vụ cả).
Vậy có nên "Tiên trách kỷ" không?
Có lắm chứ.
Cần nhìn nhận khách quan
Tôi đồng tình với quan điểm của bài báo về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều người chống đối, hành hung người thi hành công vụ. Như bài báo đã nêu thì phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân ở khách quan lẫn chủ quan.
Bên cạnh sự manh động, liều lĩnh và côn đồ của không ít tội phạm thì cũng phải xem xét lại thái độ ứng xử của những người thi hành công vụ. Thực tế đã có nhiều vụ việc mà chính cách hành xử thiếu khách quan, thiếu sự thân thiện và lạm dụng công cụ hỗ trợ để trấn áp một cách thái quá đã gây bức xúc, phẫn nộ cho người dân dẫn đến hành vi chống trả.
Lâu nay chúng ta thường thấy pháp luật xử lý hình sự những hành vi chống đối, hành hung người thi hành công vụ mà ít thấy xử lý hình sự những người thi hành công vụ lạm dụng quyền lực để hành hung người dân. Người dân đâu phải lúc nào cũng sai mà người thi hành công vụ đâu phải ai cũng đúng.
Xây dựng tác phong rất cần thiết
Công an, Quân đội là lực lượng vũ trang mà không được áp dụng chế tài nghiêm khắc thì thử hỏi còn lực lượng nào có thể trấn áp điều đó. Như ở nước ngoài với những trường hợp đó thì Cảnh sát hoàn toàn có quyền bắn trả ngay lập tức. Cho dù chúng ta là xã hội chủ nghĩa nhưng không có nghĩa tội phạm cũng "xã hội chủ nghĩa".
Nếu quyền hạn sử dụng vũ khí của công an được bổ sung thêm chứ không phải suốt ngày bắn cảnh cáo như bây giờ thì sẽ khiến tội phạm cần xem gan mình lại. Mà muốn được sử dụng nhiều quyền như vậy thì công tác xây dựng lực lượng, xây dựng bản lĩnh, tác phong, lý tưởng cho CAND là vấn đề cần làm trước hết.
Cần nhìn nhận từ 2 chiều, năm 2010-2011 có ai đã thử đặt câu hỏi: tại sao các vụ liên quan đến tác phong, phẩm chất đạo đức của CAND lại nhiều như vậy: có đủ các cấp bậc, nào là hành hung dân, nhậu nhẹt hành hung đồng đội, bức cung, làm chết người, tham ô tham nhũng... Đó chỉ là những cá nhân nhưng nếu ta không xử lý nghiêm, không có biện pháp ngăn ngừa thì một ngày không xa, cho dù làm tốt đến mấy cũng bị những kẻ phá hoại làm lệch hướng. Nhưng dù sao bản thân tôi vẫn tin các đồng chí CAND sẽ thấy được điều đó.
Không thể chấp nhận được
Tôi đồng ý với nhận xét "Về phía người thi hành công vụ, bản thân lực lượng công an khi thực thi nhiệm vụ có thái độ ứng xử chưa đúng mực, khả năng thuyết phục quần chúng và các đối tượng khác không cao hoặc có biểu hiện cửa quyền, hách dịch, gây ức chế cho người dân, dẫn đến một số vụ chống người thi hành công vụ. Cá biệt, có một số trường hợp người thi hành công vụ không chấp hành đúng quy định, quy trình công tác, thậm chí vi phạm pháp luật, khiến người dân phản ứng". Nhưng cho dù bất cứ lý do gì thì hành vi chống người thi hành công vụ cũng không thể chấp nhận được.
Hành vi chống người thi hành công vụ thể hiện sự coi thường pháp luật của đối tượng, vì vậy phải được xử lý nghiêm minh. Lâu nay hành vi này xử lý còn nhẹ làm cho các đối tượng có ý đồ chống người thi hành công vụ không sợ bị xử lý, nên mới dám làm liều.
Theo tôi, pháp luật cần phải có những chế tài nghiêm khắc để xứ lý hành vi này. Cần sửa đổi điều 257 Bộ luật hình sự về “Tội chống người thi hành công vụ” theo hướng tăng mức hình phạt để đủ sức răn đe các đối tượng có ý đồ chống người thi hành công vụ, và phải qui định rõ các hành vi chống người thi hành công vụ được xử lý bằng hình sự để dễ dàng áp dụng trong việc xử lý.
Đối với những hành vi chưa đến mức xử lý hình sự thì cũng phải tăng mức xử lý hành chính lên cao để đủ sức răn đe đối tượng. Đồng thời cần có những qui định cụ thể về việc xử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong phòng vệ, tự vệ và trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật, tránh qui định chung chung để dễ áp dụng trong thực tiễn, nhằm tăng cường khả năng đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các lực lượng chức năng.
Về phía người thi hành công vụ cũng cần phải chấn chỉnh những hành vi vi phạm như đã nói trên, đồng thời cơ quan chủ quản cũng phải thường xuyên giáo dục cán bộ, chiến sĩ của mình thực hiện đúng qui trình công tác, thực hiện đúng qui định của pháp luật và phải có thái độ tác phong đúng mực trong xử lý công việc. Đồng thời Nhà nước cần phải trang bị phương tiện, công cụ cần thiết cho người thi hành công vụ để đủ sức phòng vệ khi bị tấn công, nhằm bảo vệ sức khoẻ và tính mạng cho người thi hành công vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận