30/05/2011 07:23 GMT+7

"Viên đá" quý nhất là tình yêu nước

NGUYỄN TRIỀU thực hiện
NGUYỄN TRIỀU thực hiện

TT - Ông Nguyễn Phước Lộc - chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Ông Lộc nói:

deM3buC3.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Phước Lộc (phải) trong một đợt trao quà của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên VN cho quân dân huyện đảo Trường Sa - Ảnh do nhân vật cung cấp

- Trước đây, khi triển khai chương trình “Khi Tổ quốc cần” và có dịp làm việc với ban thanh niên Quân chủng Hải quân, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam (Trung ương Hội) đã đặt vấn đề về “góp đá” xây dựng biển - đảo quê hương.

Bởi lúc đó Trung ương Hội cảm nhận được rằng đối với mỗi người dân Việt Nam, nhất là thanh niên, khi nói đến biển - đảo là nói đến một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. “Góp đá” không chỉ là góp những viên đá thật sự để tôn cao nền Tổ quốc theo nghĩa đen, mà quan trọng hơn là khơi dậy trong lòng mỗi người tình yêu đất nước, hướng ra biển - đảo.

* Khi ấy Trung ương Hội đã đề xuất những công trình cụ thể nào chưa?

- Trung ương Hội chỉ dừng lại tặng tủ sách và sách, tặng máy vi tính. Được biết Tuổi Trẻ và Quân chủng Hải quân phối hợp để vận động “Góp đá xây Trường Sa”, Trung ương Hội đánh giá rất cao và hết sức ủng hộ cuộc vận động này.

Tôi hi vọng qua cuộc vận động sẽ thu hút được sự tham gia của toàn thể cộng đồng xã hội như một phong trào quần chúng thể hiện tình yêu của mình với đất nước, với biển - đảo. Cần phải có thêm nhiều hoạt động hơn nữa để truyền đến các tầng lớp thanh niên Việt Nam tình yêu với biển - đảo quê hương mình.

* Riêng Trung ương Hội sẽ có những chương trình cụ thể nào để cùng “Góp đá xây Trường Sa”?

- Tôi cho rằng mỗi người dân, mỗi bạn thanh niên tùy theo điều kiện cụ thể của mình hãy đóng góp một “viên đá” cho Trường Sa. Những “viên đá” ở đây không chỉ là viên đá vật chất hay tiền mà có thể là những ý tưởng, những sáng kiến kỹ thuật, những món ăn tinh thần nhằm hỗ trợ sinh hoạt, đời sống của người dân và các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo.

Tôi tin đã là người dân Việt Nam, đã là thanh niên Việt Nam chắc chắn ai cũng sẽ thấy đây là một dịp cụ thể để bày tỏ tình cảm thiêng liêng của mình với quê hương, với mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.

Một khi tình yêu Tổ quốc trong mỗi người, mỗi thanh niên được khơi dậy, đó là những “viên đá” quý nhất, vững chãi nhất để xây dựng và bảo vệ biển - đảo nước nhà.

Riêng Trung ương Hội có hai công trình có thể “góp đá” với Trường Sa, đó là vận động xây dựng trường học để dạy văn hóa cho con em cư dân đảo và vận động xây dựng phòng khám nhân ái phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo và ngư dân đánh bắt trên biển. Sắp tới, Trung ương Hội sẽ làm việc với đại diện Quân chủng Hải quân và báo Tuổi Trẻ để bàn kế hoạch phối hợp cụ thể về chương trình này.

* Theo ông, có nên xây dựng Trường Sa thành những đảo thanh niên như mô hình đã rất thành công ở Bạch Long Vĩ?

- Đó cũng là một cách làm hay có thể tính tới. Cần nói thêm là nếu xây dựng mô hình đảo thanh niên cần có sự tham gia từ nhiều phía như Trung ương Đoàn và UBND tỉnh, vì việc xây dựng đảo thanh niên phải gắn với địa phương. Theo tôi, những việc trong tầm tay mà Tuổi Trẻ và Quân chủng Hải quân có thể làm ngay là tổ chức những hội thảo về chủ đề “Góp đá xây Trường Sa” để một mặt tuyên truyền sâu hơn về ý nghĩa cuộc vận động, mặt khác để tranh thủ góp ý, hiến kế của mọi người.

__________

Tuần qua, báo Tuổi Trẻ và Trung ương Đoàn đã xúc tiến thủ tục với Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức hình thức nhắn tin quyên góp qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia cho chương trình Góp đá xây Trường Sa. Trong khi đó, bạn đọc khắp nơi đã liên tục đến báo Tuổi Trẻ đóng góp cho chương trình.

Sau khi biết được thông tin về cuộc vận động Góp đá xây Trường Sa, ông Nguyễn Quốc Thắng (P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM) đã mang tới tòa soạn Tuổi Trẻ bức tâm thư và 1 triệu đồng với ý nguyện được đóng góp phần nhỏ nhoi của mình “như là một công dân” để bảo vệ Tổ quốc. Ông bảo: “Nếu mỗi người dân đều đóng góp một viên đá xây dựng biển - đảo thì nhiều đời sau con cháu sẽ tự hào về ông cha mình”.

Một cựu chiến binh già có mặt ở tòa soạn báo ngay những ngày đầu tiên phát động: “Ý chí thì các anh lính Trường Sa có thừa nhưng có sự quan tâm của đất liền, tinh thần chiến đấu sẽ cao hơn”. Ông Mai Trung Ty, vị cựu chiến binh đã gần 70 tuổi ấy, đã dành ra 1 triệu đồng trong tiền lương hưu ít ỏi của mình cùng mong muốn các chiến sĩ Trường Sa sẽ sớm được ổn định về vật chất. Đợt tết vừa rồi, ông Ty cũng trích 200.000 đồng, một nửa số tiền Chủ tịch nước tặng, góp phần mang lại cái tết đủ đầy cho các anh lính Trường Sa.

Cụ Oanh (76 tuổi, ngụ P.3, Q.Bình Thạnh) tuổi già mắt yếu chẳng tỏ đường nhưng nghe tin báo Tuổi Trẻ phát động đóng góp xây dựng Trường Sa đã lật đật bắt xe ôm tới tòa soạn gửi số tiền tiết kiệm 1 triệu đồng của mình. Cụ tâm sự số tiền này chẳng là bao nhưng nếu có nhiều người như cụ thì công trình gì ở Trường Sa cũng xây được. Cứ thế, từng ngày từng giờ những tấm lòng của đất liền như ông Thắng, ông Ty, cụ Oanh... nhịp đều những gửi trao đến Trường Sa yêu thương.

51yqrXB7.jpgPhóng to

Viết thư và đóng góp cho chiến sĩ Trường Sa

Sáng 25-5, học sinh lớp 11B5 Trường THPT Lý Tự Trọng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cùng cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Ty Ty (ảnh) đến văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Nha Trang ủng hộ số tiền 570.000 đồng do 37 học sinh và cô giáo chủ nhiệm đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Lớp 11B5 còn viết một lá thư tập thể gửi các chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn, chia sẻ những khó khăn, vất vả mà các chiến sĩ phải chịu đựng để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

NGUYỄN TRIỀU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên