Mấy ngày trước tôi lặng đi khi nhìn thấy hình ảnh cụ rùa với một bàn chân lở loét, loang lổ màu đỏ đặt lên bờ.
Cuối tuần này đưa cụ rùa lên bờ chữa trịLùi thời hạn “lai dắt” cụ rùaCụ rùa lại nổi với nhiều vết thương
Phóng to |
Cụ rùa nổi, nhô đầu và mai giữa miệng cống nước thải gần phố Hàng Khay trưa 7-3 - Ảnh: Tiến Thành |
Một phần của đầu cụ rùa, cổ và mai cũng loang lổ những vết thương báo hiệu đã quá nặng. Khi mới nhìn thấy hình ảnh đó, tôi đã sốc và không dám nhìn lần thứ hai vì quá thương xót cho một biểu tượng sống đã đi cùng lịch sử. Đã lần thứ hai cụ rùa đặt chân lên bờ hồ. Nhiều người suy đoán hay là cụ rùa muốn lên bờ.
Càng ngày những tin tức, hình ảnh đau lòng và tội nghiệp về cụ rùa càng làm tôi bất an, xót xa. Diễn biến sức khỏe của cụ rùa ngày càng xấu. Trong khi hàng chục cuộc họp, hội thảo, tranh luận từ ngày này qua ngày khác; trong khi người ta hì hụi chở cát làm bãi, làm bể bơi thông minh, khuân vác đá tảng dưới lòng hồ... thì cụ rùa cứ ngoi lên lặn xuống đầy mệt mỏi và ngày một chậm chạp hơn với tần suất ngày càng nhiều cùng những vết thương trầm trọng.
Sức khỏe cụ yếu dần nhưng vẫn cứ phải từng giây từng phút ngụp lặn trong nước đầy tảo lam độc và sống chung với lũ rùa tai đỏ. Tại sao người ta chậm trễ đến vậy? Tôi còn nhớ rõ ngay từ trước Tết dương lịch (cuối tháng 12-2010), hình ảnh cụ rùa với những vết thương mới trên mai, trên đầu đã tràn ngập các tờ báo điện tử. Khi đó vết thương chỉ là một vài chấm nhỏ như đầu ngón tay cái. Vậy mà từ đó đến nay hơn hai tháng trôi qua cụ rùa vẫn chưa được chữa trị và bệnh tình ngày càng nặng hơn.
Một đồng nghiệp người Hà Nội của tôi từng kể khi anh đến gặp một giáo sư chuyên nghiên cứu về rùa hồ Gươm, lúc anh lỡ miệng gọi cụ rùa là “con rùa” đã bị nhà nghiên cứu nổi giận mắng: “Anh bao nhiêu tuổi mà dám gọi cụ rùa là con?”. Trong tâm thức của nhiều thế hệ người VN, cụ rùa hồ Gươm có một vị trí tâm linh và tinh thần rất lớn.
Tôi không phải người Hà Nội, chỉ là một cô gái 8X từ phương Nam. Ngay từ nhỏ, hình ảnh hồ Gươm với tháp Rùa cổ kính đắm mình trong truyền thuyết vua Lê trả gươm cho rùa thần đã in sâu vào tâm trí con bé như tôi. Hồ Gươm, tháp Rùa và cụ rùa có một vị trí rất đặc biệt trong tôi, vừa thiêng liêng vừa gần gũi, thân thương như một người thân ở xa chưa gặp mặt nhưng từ lâu đã được mọi người trong gia đình nhắc đến. Thế nên ngay trong lần đầu tiên ra Hà Nội, tôi đã từ chối mọi cuộc hẹn bạn bè để xong việc là đến ngay hồ Gươm trong tâm trạng rất lạ: vừa náo nức vừa có chút hồi hộp và chờ mong một cái gì đó chưa gặp, chưa thấy nhưng lại thân quen. Tôi đã sung sướng biết bao khi ngồi lặng yên trong buổi chiều ngắm tháp Rùa, ngắm hồ Gươm. Những lần sau ra Hà Nội, tôi đều đến hồ Gươm, tìm cảm giác bình yên khi ngắm tháp Rùa và mong được một lần trong đời nhìn thấy cụ rùa nổi.
Rồi tôi nghĩ trước đây khi cụ rùa còn khỏe mạnh, người ta đã làm gì để bảo vệ, chăm sóc cụ? Người ta đã làm gì để giữ gìn hồ Gươm? Tại sao tới lúc tính mạng của cụ rùa lâm nguy mới tính đến chuyện nhân giống, tìm hậu duệ cho cụ, mới có hàng loạt cuộc họp, hội thảo, tranh luận tìm phương án cứu cụ rùa và làm vệ sinh hồ Gươm? Các ban ngành ơi, hãy nhanh tay lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận