14/12/2010 09:53 GMT+7

"Lỗi do giám đốc đài tỉnh"

THU HÀ thực hiện
THU HÀ thực hiện

TT - Đó là lời của phó tổng giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương khi nói đến câu chuyện rất nhiều người xem truyền hình ở các tỉnh không thể xem được các trận đấu bóng đá thuộc AFF Suzuki Cup trên sóng VTV2 và VTV6.

n2oUImlG.jpgPhóng to
Các cầu thủ tuyển Việt Nam sau trận thắng Singapore ở AFF Suzuki Cup 2010. Vẫn còn nhiều người nghèo không thể xem trực tiếp hình ảnh này - Ảnh: Reuters

Phản đối K+Bóng đá cho người giàu, tennis cho người nghèo?VTV3 đâu rồi?

* Thưa ông, không xem được AFF Suzuki Cup, người xem thắc mắc có phải vì sóng VTV3 đã bán hết cho các game show nên phải chuyển bóng đá sang hai kênh có diện phủ sóng hẹp hơn không?

- Việc phát bóng đá trên kênh nào là chiến lược phát triển lâu dài của Đài truyền hình VN (VTV) và chúng tôi đã cân nhắc kỹ. Ngay các trận trong khuôn khổ World Cup 2010, chúng tôi cũng đã phát trên VTV2 và người dân vẫn xem được bình thường.

Còn việc người xem ở một số vùng không xem được các trận đấu của AFF Suzuki Cup trên VTV2 và VTV6 (với các trận trùng giờ), chúng tôi xin phép được nói lại cho rõ: Tất cả các trận đấu đó, nếu ở những vùng VTV không có trạm tiếp sóng hoặc công suất máy phát quá nhỏ, các đài địa phương được toàn quyền tự thu tín hiệu từ vệ tinh và phát lại, với điều kiện phải có văn bản đề nghị với VTV (đây là hình thức mang tính thủ tục để VTV trình với Liên đoàn Bóng đá châu Á - AFC).

Từ trước giải, VTV đã có văn bản chính thức gửi đến các đài địa phương để nêu rõ vấn đề này, và hiện tôi còn lưu giữ văn bản xin thu phát lại của gần 50 đài địa phương.

Như vậy, người xem ở địa phương nào không xem được AFF Suzuki Cup từ VTV2 và VTV6 thì lỗi hoàn toàn do giám đốc đài truyền hình địa phương chứ không phải của VTV.

OE3Nww8s.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Thành Lương - Ảnh: CTV
* VTV phản ứng thế nào việc từ năm 2011, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) bán bản quyền các trận bóng đá do VFF tổ chức trong 20 năm liền cho Tập đoàn truyền thông Nghe nhìn toàn cầu - AVG?

- VFF không thông tin cho chúng tôi về sự việc này. Theo thông lệ kinh doanh, người ta nên thông báo trước cho khách hàng truyền thống của mình biết trước một thời gian để có thể đàm phán, thương thuyết. Chúng tôi biết thông tin này qua báo chí.

Từ tháng 8-2010, chúng tôi đã hai lần gửi công văn cho VFF với nội dung: khẩn thiết đề nghị VFF suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán với AVG, và lưu ý VFF, với tư cách một tổ chức xã hội - nghề nghiệp hiện vẫn được Nhà nước duy trì ngân sách để hoạt động, nên ưu tiên bản quyền cho việc phục vụ công chúng rộng rãi. VFF đã trả lời công văn thứ nhất là họ đang cân nhắc về giá cả và các điều khoản. Chúng tôi tiếp tục gửi công văn khẩn lần thứ hai nhưng không có hồi âm.

Quan điểm của VTV là VFF không thể chỉ vì mục đích lợi nhuận đơn thuần mà bán bản quyền cho bất cứ đối tác nào trả giá cao hơn. Bản thân các doanh nghiệp có đội bóng thì hầu hết không có lãi trực tiếp từ kinh doanh bóng đá, mà họ được miễn thuế từ chi phí cho đội bóng, thuế suất được miễn lên đến 25%. Như vậy, doanh nghiệp đã được xã hội “trả hộ thuế” cho phần chi cho đội bóng, tức là chi cho thương hiệu của mình. Mỗi đội bóng lại góp một phần làm nên thương hiệu V-League. Như vậy, VFF phải nhận thức trách nhiệm xã hội của mình

* VFF lý luận rằng số tiền bán bản quyền cho AVG cao hơn quá nhiều so với số tiền mà VTV vẫn trả lâu nay và tiền đó thật ra cũng chỉ để phục vụ trở lại cho bóng đá VN?

- Thật ra VTV tường thuật trực tiếp V-League chưa bao giờ lãi, thậm chí chỉ có lỗ. Nhưng chúng tôi xác định đài truyền hình quốc gia nên đặt mục tiêu phục vụ lên trên, hoàn toàn có thể lấy nguồn thu từ các chương trình khác bù đắp vào.

Điểm chính yếu ở đây là suốt mấy năm nay, VTV đã góp phần phát triển bóng đá VN bằng cách quảng bá rộng rãi hình ảnh của các giải đấu, của đội tuyển, của từng thương hiệu doanh nghiệp có đội bóng đến công chúng. Vì vậy, góp phần làm tăng niềm tin yêu với bóng đá VN và tăng lượng cổ động viên cho bóng đá Việt, cũng có nghĩa là tăng giá trị thương hiệu cho từng đội bóng và cho cả VFF.

Giá trị đó không thể đong đếm cụ thể bằng số tiền bản quyền. Mà trong lĩnh vực bản quyền, VTV cũng đi tiên phong trong việc trả bản quyền cho V-League. Từ không trả, đến có trả, rồi tiền bản quyền tăng 10% mỗi năm. Tôi nghĩ đó là lộ trình tích cực mà nền bóng đá và nền công nghiệp truyền hình nào cũng phải trải qua. VTV là đài truyền hình nhà nước, chúng tôi không thể vung tiền được, mà phải cân nhắc rất nhiều yếu tố khác.

VFF khi đặt bút ký hợp đồng bán bản quyền 20 năm đầy tranh cãi này lẽ ra nên nghĩ đến các đối tác truyền thống, những lúc khó khăn đã có nhau, lúc có chút tiếng tăm, có “đại gia” dòm ngó càng không nên “tham vàng phụ ngãi”. Hơn nữa, VFF cũng chưa bao giờ vì bán bản quyền cho VTV mà thua lỗ hay “phá sản”, vì VFF không phải doanh nghiệp, và hiện tại Nhà nước vẫn đầu tư cho VFF hằng năm rất nhiều tiền.

* Như vậy, VTV có vẻ coi vụ chuyển nhượng bản quyền này như “sự đã rồi”, vậy VTV có động thái gì để có bản quyền các trận đấu thuộc V-League và đội tuyển quốc gia để phát sóng phục vụ người xem vì V-League không phải là giải ngoại hạng Anh hoặc Ý - là loại “hàng xa xỉ”như ông có lần đã phát biểu, mà là món ăn cần thiết với số đông?

- Đến giờ này AVG chưa có động thái gì chào mời chúng tôi mua bản quyền. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để có bản quyền các trận đấu V-League và đội tuyển quốc gia phục vụ công chúng. Nhưng vấn đề không phụ thuộc vào chúng tôi. Nếu AVG mua bản quyền từ VFF với giá cao thì họ cũng sẽ tìm cách bán cho VTV hoặc cho bất kỳ doanh nghiệp nào kinh doanh truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số với giá cao. Và như vậy thì người xem sẽ lãnh đủ. VTV sẽ phải cân nhắc các điều kiện để đảm bảo lợi ích của người xem, của xã hội và của nhà đài.

* Như vậy, rất có thể dẫn đến tình huống xấu nhất là người hâm mộ sẽ không được xem trực tiếp bóng đá VN trên sóng quốc gia?

- Vâng, rất có thể là như vậy. Không loại trừ khả năng V-League 2011, VTV sẽ không mua được bản quyền từ AVG và khán giả sẽ không được xem bóng đá VN trên truyền hình quốc gia, chúng tôi đã cố gắng hết mức có thể.

TS HOÀNG NGỌC GIAO (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển):

Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phải lên tiếng

Trong vụ VFF bán bản quyền 20 năm cho AVG, tôi cho rằng phải nhìn nhận ở hai loại quan hệ: thứ nhất là quan hệ dân sự giữa VFF và AVG; thứ hai là quan hệ hành chính giữa VFF và cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thể thao mà ở đây là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.

Với quan hệ dân sự thì VFF bán bản quyền truyền hình cho AVG là không sai khi điều lệ VFF (được Bộ Nội vụ phê duyệt) đã trao cho VFF quyền tổ chức và quản lý các cuộc thi đấu bóng đá trên lãnh thổ VN.

Tuy nhiên, VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, với mục đích cao nhất là phát triển bóng đá VN, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ bóng đá của đông đảo công chúng. Đã là một tổ chức xã hội có mục đích phục vụ công chúng thì mọi hành vi làm tổn hại đến lợi ích của công chúng đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Trong trường hợp này, nếu VFF bán bản quyền truyền hình cho AVG dẫn tới việc đông đảo công chúng VN không được xem các trận đấu bóng đá, hoặc bị hạn chế xem, nhất là giải đấu được đông đảo công chúng quan tâm như V-League, thì VFF cần phải xem xét lại quyết định của mình.

Và khi việc bán bản quyền của VFF bị công chúng hoặc các thành viên của VFF phản đối, bức xúc thì chúng ta cần đến quan hệ hành chính để giải quyết vụ việc, mà người có trách nhiệm ở đây chính là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Tôi nghĩ bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần phải xem xét toàn bộ vụ việc và đưa ra ý kiến chính thức, vì thương vụ này có thời gian tới 20 năm nên những ảnh hưởng xấu (nếu có) đối với phát triển bóng đá VN là không nhỏ.

* Cho đến cuối giờ chiều qua, phóng viên Tuổi Trẻ vẫn chưa ghi nhận được ý kiến của đại diện Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói rằng ông “không trả lời vì xung quanh vấn đề thể thao bây giờ bộ trưởng phụ trách trực tiếp”, còn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thì “đang bận họp”.

LÊ KIÊN ghi

_______________________

Sẽ khuyến nghị VTV phục vụ tốt hơn

Một cán bộ có trách nhiệm tại Bộ Thông tin - truyền thông cho biết do VN chưa có quy định cụ thể đối với từng chương trình, từng sự kiện nên khó điều chỉnh. Ở nước ngoài, một số nước quy định rõ đối với chương trình thi đấu thể thao có đội tuyển quốc gia tham dự thì phải tạo điều kiện tiếp cận miễn phí, truyền hình phát sóng rộng rãi nhưng hiện nay VN chưa thực hiện được như vậy.

Đối với thông tin người dân không được xem các chương trình thể thao do VTV không phát trên các kênh có diện phủ sóng rộng như VTV1, VTV3, vị quan chức này cho rằng VN chưa có quy định chương trình nào phải phát trên kênh VTV1, VTV3. Tuy nhiên, Bộ Thông tin - truyền thông sẽ xem xét và trao đổi, khuyến nghị với VTV tạo điều kiện phục vụ người dân tốt hơn.

Trước đó, trả lời đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về việc độc quyền của K+, Bộ Thông tin - truyền thông cho biết thị trường truyền hình trả tiền VN bắt đầu có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh dựa vào các kênh truyền hình nước ngoài và để cho các tổ chức phân phối bản quyền chương trình nước ngoài thao túng. Do đó, Bộ Thông tin - truyền thông cũng nêu cần sớm có một văn bản quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh hoạt động này. Cụ thể, bộ sẽ trình Thủ tướng quyết định ban hành quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền, tạo một văn bản pháp lý đầu tiên điều chỉnh trực tiếp, toàn diện dịch vụ truyền hình trả tiền.

THU HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên